Tại sao Tổng thống Trump ký lệnh trừng phạt Tòa Hình sự Quốc tế?
Tổng thống Trump ký sắc lệnh đóng băng tài sản, cấm nhập cảnh với các quan chức Tòa Hình sự Quốc tế vì điều tra 'vô căn cứ' Mỹ và Israel.
Ngày 6/2 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp áp lệnh trừng phạt đối với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì đã điều tra Mỹ và đồng minh của nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Tòa Hình sự Quốc tế "lạm dụng quyền lực" khi ban hành lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
"ICC đã tiến hành các hành động bất hợp pháp và vô căn cứ nhắm vào Mỹ, đồng minh thân cận Israel", sắc lệnh có đoạn viết.
Tổng thống Trump ra lệnh đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với các quan chức và nhân viên của ICC, cũng như gia đình họ và những người được cho là đã giúp đỡ điều tra.
Giới quan sát cho rằng lệnh trừng phạt ICC là động thái thể hiện sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel sau chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
ICC chưa bình luận về động thái này.
Tháng 11/2024, ICC đã phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant "vì tội ác chiến tranh và tội chống lại loài người" với chiến dịch quân sự ở Dải Gaza.
Israel đã bác bỏ quyền tài phán của ICC và phủ nhận tội ác chiến tranh ở Gaza.
Tất cả 124 quốc gia thành viên của Quy chế Rome hiện có nghĩa vụ bắt giữ những cá nhân bị truy nã và giao họ cho tòa án ở La Hay. Tuy nhiên, tòa án không có quyền cưỡng chế mà phải tùy thuộc vào sự hợp tác của các quốc gia thành viên trong việc bắt giữ và giao nộp nghi phạm.
Đây không phải lần đầu Tổng thống Trump áp lệnh trừng phạt ICC. Trong nhiệm kỳ đầu, ông từng áp trừng phạt tài chính và lệnh cấm thị thực đối với công tố viên ICC Fatou Bensouda, cùng các quan chức cấp cao và nhân viên tòa án. Quyết định được đưa ra sau khi công tố viên Bensouda mở cuộc điều tra cáo buộc quân nhân Mỹ phạm tội ác chiến tranh ở Afghanistan.
Năm 2002, ICC được thành lập, trụ sở đặt tại Hà Lan. Đây là tòa án thường trực để truy tố cá nhân phạm tội ác diệt chủng, chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Mỹ và Israel đều không phải thành viên của ICC và không công nhận thẩm quyền của tòa án.
Thế Hải (Theo Reuters, Theguardian)