Tại sao Mỹ im lặng về chuyến thăm Nga của Tổng thống Pháp?

Chuyến thăm Nga của Tổng thống Pháp không chỉ nhằm ngăn chặn chiến tranh ở Ukraine, mà còn là một phần trong chiến lược lớn hơn của Pháp trong việc thiết lập quyền tự chủ của châu Âu trước Mỹ.

Theo hãng tin AFP ngày 11/2, kể từ khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tuần này tại Moskva để tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng ở biên giới với Ukraine, các quan chức Mỹ vẫn giữ im lặng hoặc thậm chí tỏ vẻ hoài nghi về những gì các nước châu Âu coi là tiến bộ trong ngăn chặn xung đột.

Tổng thống Nga (phải) và Tổng thống Pháp tại Moskva. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga (phải) và Tổng thống Pháp tại Moskva. Ảnh: AFP

Phía Mỹ đã công khai bày tỏ nghi ngờ về những gì Tổng thống Macron nói là "đã nhận được sự đảm bảo từ Tổng thống Putin về không leo thang căng thẳng". “Chắc chắn, nếu có tiến triển ngoại giao, chúng tôi sẽ hoan nghênh, nhưng chúng tôi sẽ tin khi tận mắt chứng kiến ở khu vực biên giới”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết.

Một ngày sau chuyến công du của ông Macron, nhằm hạ thấp tín hiệu lạc quan từ chuyến thăm, Lầu Năm Góc cho biết Nga tiếp tục tăng cường lực lượng ở biên giới. Hôm 9/2, Moskva đã điều xe tăng đến Belarus để tập trận bắn đạn thật, khiến NATO lo ngại. Nga cũng đã cử sáu tàu chiến tới eo biển Bosphorus để thực hiện các cuộc tập trận hải quân trên Biển Đen và Biển Azov. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho rằng các hoạt động trên là "sự leo thang, không phải giảm căng thẳng".

Ban đầu, Washington hầu như tránh bình luận về chuyến thăm của ông Macron, nói rằng họ muốn nghe trực tiếp từ Tổng thống Pháp. Bộ Ngoại giao Mỹ thậm chí không đề cập đến chuyến thăm của ông Macron, chỉ nói tới "nỗ lực chung của các đồng minh NATO, các đối tác EU, các thành viên G7 và các đối tác khác nhằm giải quyết việc Nga tiếp tục tăng cường quân sự ở biên giới Ukraine".

Celia Belin, một nhà nghiên cứu người Pháp tại Viện Brookings, nhận định: "Hiện tại, Mỹ thận trọng ủng hộ nỗ lực ngoại giao của ông Macron, vì khác với Mỹ và các cường quốc phương Tây khác, ông Macron cho rằng Nga 'hợp lý' khi nói rằng các nhu cầu an ninh của họ nên được thảo luận".

Theo vị chuyên gia trên, điều này phản ánh mong muốn của Pháp về đối thoại mới với Nga và cài đặt lại kiến trúc an ninh của châu Âu để nước này ít phụ thuộc hơn vào Mỹ, lưu ý rằng ông Macron "phải cân bằng để không xuất hiện rạn nứt giữa các đồng minh vào thời điểm mà sự đoàn kết là biện pháp răn đe tốt nhất đối với Nga".

Về phần mình, chuyên gia phân tích an ninh và chính sách đối ngoại Omer Ozkizilcik cũng nhận định trên kênh truyền hình Trtworld.com ngày 10/2 rằng, chuyến thăm Nga của Tổng thống Pháp không chỉ nhằm ngăn chặn chiến tranh ở Ukraine, mà còn là một phần trong chiến lược lớn hơn của Pháp nhằm thiết lập quyền tự chủ của châu Âu trước Mỹ.

Ông Ozkizilcik cho biết ý tưởng đằng sau các chính sách Pháp là đưa ra những nhượng bộ nhất định cho Moskva để hạn chế ảnh hưởng của Mỹ và khẳng định vai trò lãnh đạo của Pháp ở châu Âu. Đối với Tổng thống Pháp, Nga ảnh hưởng đến các lựa chọn chính sách đối ngoại của Ukraine là một cái giá nhỏ. Ông Macron cũng đang "trả thù" hiệp ước AUKUS (Australia, Anh, Mỹ) bằng cách phá hoại các chính sách của Mỹ và Anh đối với Ukraine và Nga.

Tuy nhiên, chuyên gia Pierre Morcos, nhà nghiên cứu người Pháp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho rằng Mỹ vẫn hoan nghênh những sáng kiến của Pháp vì "chúng gửi nhiều thông điệp hơn tới Moskva và trong chừng mực nào đó chúng đã được phối hợp từ trước, đồng thời thể hiện rằng không có bất hòa giữa các đồng minh”.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tai-sao-my-im-lang-ve-chuyen-tham-nga-cua-tong-thong-phap-20220211192440833.htm