Tại sao Mỹ chỉ áp thuế với riêng Trung Quốc?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 125% vào rạng sáng 10/4. Động thái này được xem là sự trả đũa đối với quyết định của Trung Quốc, khi Bắc Kinh áp thuế trả đũa 84% đối với hàng hóa Mỹ.

Trong bài đăng trên nền tảng Truth Social, ông Trump viết: "Dựa trên sự thiếu tôn trọng mà Trung Quốc dành cho thị trường toàn cầu, tôi quyết định tăng thuế quan đối với Trung Quốc lên 125%, có hiệu lực ngay lập tức".

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với các phóng viên khi ông ký các sắc lệnh hành pháp tại Phòng Bầu dục vào ngày 9/4/2025. Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Image.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với các phóng viên khi ông ký các sắc lệnh hành pháp tại Phòng Bầu dục vào ngày 9/4/2025. Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Image.

Tại sao lại là Trung Quốc?

Theo hãng tin Al Jareeza, Tổng thống Trump từ lâu đã cáo buộc nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc lợi dụng Mỹ trong các vấn đề thương mại. Theo ông, chính sách thuế quan là cần thiết để bảo vệ nền kinh tế Mỹ, phục hồi sản xuất trong nước và đưa việc làm trở lại Mỹ. Ông Trump tin rằng Bắc Kinh cần phải chịu trách nhiệm cho các hành vi thương mại không công bằng, điều này đã làm tổn hại nền kinh tế Mỹ trong nhiều năm qua.

Diễn biến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc

Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang từng bước kể từ khi Tổng thống Trump bắt đầu áp thuế bổ sung. Vào ngày 3/2, ông Trump đã áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa từ Trung Quốc, bên cạnh các mức thuế được áp dụng từ trước trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump (2017-2021) và tiếp tục được duy trì trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Joe Biden (2021-2025).

Vào ngày 5/3, ông Trump đã tăng gấp đôi thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, lên 20%. Tiếp đó, vào ngày 2/4, ông tiếp tục tăng thêm 34%, nâng tổng mức thuế lên 54%.

Vào ngày 4/4, Trung Quốc đã công bố mức thuế trả đũa 34% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Đáp lại, Tổng thống Trump đã đe dọa áp thêm thuế, trừ khi Bắc Kinh rút lại mức thuế này đối với hàng hóa Mỹ.

Một tàu chở hàng chuẩn bị cập Cảng Elizabeth, góc nhìn từ Bayonne, New Jersey, Mỹ, ngày 9/4/2025. Ảnh: REUTERS/Shannon Stapleton.

Một tàu chở hàng chuẩn bị cập Cảng Elizabeth, góc nhìn từ Bayonne, New Jersey, Mỹ, ngày 9/4/2025. Ảnh: REUTERS/Shannon Stapleton.

Ông Trump viết trên nền tảng Truth Social vào ngày 8/4: “Nếu Trung Quốc không rút lại mức thuế 34% do các hành vi lạm dụng thương mại lâu dài của họ, Mỹ sẽ áp dụng thuế bổ sung 50% đối với Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 9/4”. Với mức thuế bổ sung này, tổng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên 104%.

Theo thời gian, ông Trump vẫn giữ niềm tin rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ phải nhượng bộ. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông viết: “Trung Quốc cũng muốn đạt được một thỏa thuận, nhưng họ không biết cách bắt đầu. Chúng tôi đang chờ cuộc gọi của họ. Nó sẽ xảy ra”. Tuy nhiên, điều này không xảy ra như ông mong đợi. Thay vì nhượng bộ, Bắc Kinh đã tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ lên 84% vào tối qua (9/4). Vài giờ sau, tức rạng sáng nay (10/4), ông Trump lại đáp trả bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc thêm nữa, nâng mức thuế lên tới 125%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị ký các sắc lệnh hành pháp tại Phòng Bầu dục vào ngày 9/4/2025. Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Image

Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị ký các sắc lệnh hành pháp tại Phòng Bầu dục vào ngày 9/4/2025. Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Image

Trung Quốc đã nói gì để đáp trả động thái áp thuế của ông Trump?

Khi công bố đợt áp thuế mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vào ngày 9/4, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố rằng Bắc Kinh “có ý chí kiên định và nguồn lực dồi dào để thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết và sẽ chiến đấu đến cùng”.

Tuyên bố của Trung Quốc cho biết: “Lịch sử và thực tế đã chứng minh rằng việc Mỹ tăng thuế quan sẽ không giải quyết được vấn đề của chính họ”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ bế mạc Kỳ họp thứ ba của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) khóa 14 tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 11/3/2025 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Lintao Zhang |Getty Image.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ bế mạc Kỳ họp thứ ba của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) khóa 14 tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 11/3/2025 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Lintao Zhang |Getty Image.

Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo: “Thay vì giải quyết vấn đề, động thái này sẽ gây ra những biến động mạnh trên thị trường tài chính, đẩy áp lực lạm phát ở Mỹ lên cao, làm suy yếu nền tảng công nghiệp của Mỹ và làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế, điều này cuối cùng sẽ chỉ phản tác dụng".

Trong một tuyên bố khác vào ngày 8/4, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng chỉ trích hành động của Mỹ, gọi biên pháp thuế quan là “hoàn toàn vô căn cứ” và cho rằng đó là một hình thức “bắt nạt” về kinh tế.

Bắc Kinh bảo vệ các mức thuế quan của mình và khẳng định chúng nhằm bảo vệ "chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển" của Trung Quốc, cũng như duy trì sự cân bằng trong thị trường thương mại quốc tế. Thêm vào đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lâm Kiện, tuyên bố: "Người Trung Quốc không phải là những kẻ gây rối, nhưng chúng tôi sẽ không nao núng khi gặp rắc rối".

Thuế quan sẽ tác động thế nào tới nền kinh tế Trung Quốc?

Mặc dù căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, hai quốc gia này vẫn là những đối tác thương mại lớn của nhau.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, trong năm qua, Mỹ đã nhập khẩu hàng hóa trị giá 438,9 tỷ đô la từ Trung Quốc. Con số này tương đương khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu.

Trong báo cáo chia sẻ vào ngày 8/4, Goldman Sachs dự báo rằng mức thuế quan mới nhất của ông Trump có thể khiến GDP của Trung Quốc giảm tới 2,4%. Ngân hàng đầu tư này cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ chỉ đạt 4,5%. Ngoài ra, họ lo ngại rằng chiến lược của Trung Quốc trong việc chuyển hướng xuất khẩu qua các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan để tránh thuế quan của Mỹ sẽ ngày càng kém hiệu quả, khi mà ông Trump đang tiếp tục dựng lên các rào cản thương mại trên toàn cầu.

Con số 4,5% mà Goldman Sachs dự báo thấp hơn mục tiêu tăng trưởng chính thức của chính phủ Trung Quốc là 5% cho năm 2025.

Người mua sắm đi bộ gần một cửa hàng Nike ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 8/4/2025. Ảnh: AP/Ng Han Guan.

Người mua sắm đi bộ gần một cửa hàng Nike ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 8/4/2025. Ảnh: AP/Ng Han Guan.

Các nhà phân tích tại UBS còn bi quan hơn khi cho rằng việc tăng thuế quan của Tổng thống Trump có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống chỉ còn 4% vào năm 2025. Điều này giả định rằng chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện "mở rộng tài chính rộng rãi" (tức là tăng cường đầu tư công).

Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang tăng trưởng chậm hơn so với trước thời điểm Tổng thống Trump nhậm chức. Cuộc chiến thương mại này diễn ra khi Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng giảm phát, khủng hoảng thị trường bất động sản và mức nợ gia tăng.

Khi Tổng thống Trump phát động cuộc chiến thương mại đầu tiên vào năm 2018, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 6,6%.

Tuy nhiên, theo Jayati Ghosh, giáo sư kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst, Trung Quốc vẫn "chuẩn bị tốt hơn hầu hết các quốc gia khác" để đối phó với hậu quả từ các biện pháp thương mại của chính quyền Trump.

Trung Quốc đang đối phó như thế nào?

Phóng viên Katrina Yu của Al Jazeera tại Bắc Kinh cho biết các quan chức Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn những cú sốc trên thị trường chứng khoán. “Chính phủ có khả năng can thiệp mạnh mẽ”, Katrina Yu nói.

Hôm 8/4, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết chính phủ "hoàn toàn có khả năng phòng ngừa những tác động bất lợi từ bên ngoài". Cùng ngày, một số công ty đầu tư công – như Chengtong và Huijin – đã cam kết tăng đầu tư vốn chủ sở hữu và ngăn chặn tình trạng bán tháo trên thị trường tài chính.

Xe tải đến cảng container ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc vào ngày 8/4/2025. Ảnh: AP

Xe tải đến cảng container ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc vào ngày 8/4/2025. Ảnh: AP

Phóng viên Katrina Yu lưu ý rằng các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc hiện đang hoạt động tốt hơn so với các sàn giao dịch ở các khu vực khác tại châu Á. Cụ thể, chỉ số SSE Composite của Thượng Hải đã tăng 1,1% vào 9/4, trong khi chỉ số SE Composite của Thâm Quyến tăng 2,2%. Ngược lại, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 3,9% trong cùng ngày.

"Chính phủ Trung Quốc thực sự đang cố gắng ổn định thị trường chứng khoán. Đến nay, các biện pháp này dường như đang có hiệu quả, nhưng các nhà đầu tư ở đây, một số người trong số họ, vẫn còn rất lo lắng", Yu chia sẻ.

Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo?

Để giảm thiểu tác động của thuế quan, Bắc Kinh có thể sẽ tập trung vào các biện pháp kích thích trong nước và thúc đẩy quan hệ với các đối tác thương mại để đạt được mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” - giáo sư kinh tế Jayati Ghosh cho biết.

Bà chia sẻ với Al Jazeera: "Tôi kỳ vọng lãi suất vốn đã thấp của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm, cùng với việc chính quyền địa phương tăng cường vay nợ và hỗ trợ cho những người lao động xuất khẩu bị ảnh hưởng".

Theo giáo sư Ghosh, Trung Quốc sẽ “âm thầm” thúc đẩy xuất khẩu sang các đối tác thương mại, đặc biệt là ở Nam Bán cầu, thông qua các biện pháp như "cho vay và xóa nợ". Bà cũng cho biết rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể sẽ để đồng nhân dân tệ mất giá, qua đó làm giảm giá xuất khẩu và bù đắp một phần thiệt hại từ thuế quan.

Mặc dù bà Ghosh nhận định nền kinh tế trị giá 20 nghìn tỷ đô la của Trung Quốc "có thể chịu được" cú sốc từ thuế quan của Mỹ, nhưng một số nhà kinh tế lại bày tỏ lo ngại về vị thế tài chính của Bắc Kinh.

Tàu chở hàng Hornise đi qua eo biển Bosphorus, trên đường từ cảng Jingtang của Trung Quốc đến cảng Novorossiysk của Nga, tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8/4/2025. Ảnh: AP/Francisco Seco.

Tàu chở hàng Hornise đi qua eo biển Bosphorus, trên đường từ cảng Jingtang của Trung Quốc đến cảng Novorossiysk của Nga, tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8/4/2025. Ảnh: AP/Francisco Seco.

Vào ngày 3/4, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Trung Quốc, với lý do nợ chính phủ tăng nhanh và rủi ro đối với tài chính công, trong khi các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực bảo vệ nền kinh tế khỏi tình trạng thuế quan tăng cao.

Tuy nhiên, bà Ghosh cho rằng phương Tây thường có xu hướng quá chú trọng vào những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc. Bà nhấn mạnh rằng thay vì tập trung vào những dự báo tiêu cực về Trung Quốc, bà quan tâm nhiều hơn đến tình hình nền kinh tế Mỹ.

Ngọc Mai

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tai-sao-my-chi-ap-thue-voi-rieng-trung-quoc-321178.htm