Tại sao không một bể thủy cung nào trên thế giới có cá mập trắng lớn?

Cho dù bạn có đi tham quan bao nhiêu khu thủy cung ở nhiều nơi trên thế giới và được nhìn thấy nhiều sinh vật biển, vẫn có một loài mà bạn sẽ không bao giờ thấy ở những nơi đó: Cá mập trắng lớn. Tại sao lại như vậy?

Các bể thủy cung - nơi “hội tụ” nhiều sinh vật biển mà khách tham quan có thể chiêm ngưỡng, lại không bao giờ có một loài cá độc đáo, đó chính là cá mập trắng lớn. Loài cá này vốn được nhiều người quan tâm, tò mò muốn nhìn tận mắt, nhưng tại sao chẳng ai thấy nó xuất hiện trong bất kỳ bể thủy cung nào, dù quy mô nhỏ hay lớn?

Cá mập trắng không góp mặt trong bể cá thủy cung. Ảnh: Internet.

Cá mập trắng không góp mặt trong bể cá thủy cung. Ảnh: Internet.

Nguyên nhân là vì cá mập trắng lớn khi bị nuôi nhốt thường có thời gian sống rất ngắn và có xu hướng tự tử. Đã có nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra tại các khu thủy cung nổi tiếng ở Mỹ. Cá mập trắng khi ở trong bể cá có khi chỉ sống được đúng một ngày, nhiều thì vài ba ngày.

Có trường hợp ngoại lệ là một con cá mập trắng lớn đã sống trong bể thủy cung Monterey Bay (California, Mỹ) được vài tháng vào năm 2004. Nhưng đó chỉ là con cá mập chưa trưởng thành và việc tạo điều kiện sống thích hợp cho nó cũng rất khó khăn, tốn kém. Khi con cá mập trắng này lớn lên một chút, người ta vẫn phải thả nó về biển.

Vậy vấn đề gốc rễ là gì?

Cá mập trắng lớn không thể sống trong môi trường nuôi nhốt. Ảnh: Internet.

Cá mập trắng lớn không thể sống trong môi trường nuôi nhốt. Ảnh: Internet.

Đầu tiên là do bản năng kiếm ăn của cá mập trắng lớn. Loài cá này là động vật săn mồi điển hình, có xu hướng chỉ ăn con mồi sống. Khi nuôi nó trong bể thủy cung, nếu phải cho nó ăn con mồi sống thì vừa khó, vừa tốn kém, hơn nữa hình ảnh ấy có thể khiến khách tham quan thấy sợ. Mà cho ăn mồi không-còn-sống thì cá mập thường ăn rất ít.

Hơn nữa, cá mập trắng lớn tất nhiên là rất to lớn, chúng còn phải bơi liên tục về phía trước thì mới có đủ ôxy. Một con cá mập trắng lớn có thể dài tới 6,1m, vậy sẽ cần một cái bể lớn đến mức nào để nó sống và liên tục bơi tiến về phía trước? Việc xây dựng một cái bể như vậy là rất thiếu thực tế, và có lẽ khách tham quan cũng chẳng thích đứng trước một cái bể khổng lồ như vậy.

Cá mập trắng lớn sẽ tự tìm đến cái chết nếu phải sống trong bể cá. Ảnh: Internet.

Cá mập trắng lớn sẽ tự tìm đến cái chết nếu phải sống trong bể cá. Ảnh: Internet.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cá mập trắng lớn có những giác quan cực kỳ nhạy bén, giúp chúng nhận ra được những chuyển động và thay đổi cực nhỏ ở môi trường xung quanh. Khi bị nuôi nhốt trong bể, những giác quan của cá mập trắng lớn dễ bị "ngợp" do có vô số yếu tố kích thích, từ những vách kính đến các thiết bị điện. Vì vậy, cá có thể căng thẳng, lúng túng, rồi chúng nhịn ăn hoặc lao đầu vào vách kính và chết.

Một khi chúng ta đã biết tất cả những điều này rồi thì dù ở khu thủy cung nào đó có thể nuôi được một con cá mập trắng lớn, có lẽ chúng ta cũng không còn hào hứng để ngắm chúng nữa.

Quỳnh Duyên (dịch)

Theo Unilad

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/tai-sao-khong-mot-be-thuy-cung-nao-tren-the-gioi-co-ca-map-trang-lon-post1638596.tpo