Tái kích hoạt hệ miễn dịch bằng các mũi vắc xin

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại cho người dân. Ảnh: YÊN LAN

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hầu hết những người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19, nếu mắc bệnh, sẽ được bảo vệ trước nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và tử vong trong ít nhất 6 tháng. Khả năng miễn dịch có thể giảm nhanh hơn đối với một số người, trong đó có nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền. Vì vậy, các mũi tiêm nhắc lại đóng vai trò quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến sáng 12/11, cả nước đã tiêm hơn 262,5 triệu mũi vắc xin phòng COVID-19. Ở nhóm từ 18 tuổi trở lên, tỉ lệ tiêm mũi 3 đạt 79,2%. 3 tỉnh có tỉ lệ cao là Sóc Trăng (98%), Bắc Giang (98,1%) và Nghệ An (99,9%). 5 tỉnh có tỉ lệ thấp, gồm: Đồng Nai (53,7%), Bình Định (58,7%), Đồng Tháp (59,7%), Phú Yên (61%) và Quảng Nam (62%).

Ở nhóm từ 12-17 tuổi, tỉ lệ tiêm mũi 3 đạt 64,7%. 3 tỉnh có tỉ lệ cao là Lâm Đồng (93,1%), Bắc Giang (98,6%) và Sóc Trăng (99,3%). 5 tỉnh, thành phố có tỉ lệ thấp là Phú Yên (33,5%), TP Hồ Chí Minh (36,1%), Đà Nẵng (38,8%), Đồng Nai (42,1%) và Bình Thuận (42,7%).

Ở nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi, sau gần 7 tháng triển khai, tỉ lệ tiêm mũi 1 đạt 89,1%; các địa phương có tỉ lệ cao là Quảng Ninh (99,3%), Ninh Bình (99,8%) và Bắc Giang (99,9%); các địa phương có tỉ lệ tiêm thấp gồm: TP Hồ Chí Minh (63%), Đà Nẵng (68,1%), Bà Rịa - Vũng Tàu (71%), Quảng Trị (77,5%) và Đồng Nai (78%). Tỉ lệ tiêm mũi 2 ở nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 62,4%; các địa phương có tỉ lệ thấp là Đà Nẵng (31,3%), Quảng Nam (33,4%), TP Hồ Chí Minh (35,3%), Bà Rịa - Vũng Tàu (41,1%) và Đồng Nai (43,1%); các địa phương có tỉ lệ cao là Cà Mau (94,1%), Bắc Giang (98,5%) và Sóc Trăng (99,8%).

Mới đây, kết luận cuộc họp về kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhất là tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi; thường xuyên cập nhật nhu cầu và đề nghị của địa phương để chủ động điều phối, phân bổ vắc xin phù hợp, kịp thời. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn ThịLiên Hương cũng đã chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm mũi 4 cho những người có nguy cơ cao; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ.

Biểu đồ hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 của Moderna và Pfizer theo thời gian trong nghiên cứu tại Mỹ và Canada. Nguồn: NEW YORK TIMES

Biểu đồ hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 của Moderna và Pfizer theo thời gian trong nghiên cứu tại Mỹ và Canada. Nguồn: NEW YORK TIMES

Bảo vệ sức khỏe bằng các mũi tiêm nhắc lại

Theo WHO, hầu hết những người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19, nếu mắc bệnh, sẽ được bảo vệ trước nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và tử vong trong ít nhất 6 tháng. Khả năng miễn dịch có thể giảm nhanh hơn đối với một số người, trong đó có nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền. Vì vậy, các mũi tiêm nhắc lại đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe người dân.

Sau khi tiêm mũi nhắc lại, người tiêm được bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng và tử vong lên đến 85% nếu mắc COVID-19.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên (Phú Yên CDC) lưu ý người dân về khuyến cáo của các chuyên gia y tế trong việc tiêm mũi nhắc lại: Người từ 18 tuổi trở lên nên tiêm mũi nhắc lại sau mũi trước tối thiểu 3 tháng. Người từ 12 đến dưới 18 tuổi nên tiêm mũi nhắc lại từ 5 tháng sau mũi trước. Trẻ đã khỏi COVID-19, nên tiêm sau 3 tháng kể từ khi hồi phục. “Hãy tiêm mũi nhắc lại khi tới lượt để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh”, Phú Yên CDC khuyến cáo.

Không gây ảnh hưởng đến DNA

Theo chuyên gia y tế, các loại vắc xin, dù được sản xuất bằng công nghệ nào, đều có mục tiêu cơ bản là cho hệ miễn dịch tiếp xúc với tác nhân gây bệnh mà không để lại nguy cơ mắc bệnh. Vắc xin Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ mRNA, còn AstraZeneca sử dụng vector virus, đều có chung mục tiêu trên. Một khi đã kích hoạt phản ứng miễn dịch, tạo ra kháng thể giúp cơ thể chống lại virus, vắc xin nhanh chóng bị đào thải khỏi cơ thể. mRNA ở bên trong tế bào khoảng 72 giờ trước khi phân hủy và không bao giờ đi vào nhân tế bào - nơi DNA - phân tử mang thông tin di truyền quy định mọi hoạt động sống (sinh trưởng, phát triển và sinh sản) được lưu giữ. Vì vậy, không có loại vắc xin phòng COVID-19 nào ảnh hưởng hoặc tương tác với DNA của người.

Một số ông bố bà mẹ ngần ngại sau khi đọc những thông tin tiêu cực về vắc xin trên mạng xã hội. Điều này dẫn đến tâm lý ngại cho con trẻ tiêm vắc xin phòng COVID-19. BSCKI Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Phú Yên CDC, khẳng định: “Khoa học đã chứng minh việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 không gây ảnh hưởng gì đến sự phát triển thể chất, di truyền hay hệ sinh sản của trẻ. Hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 được đánh giálà rất tốt trong việc giảm ca bệnh nặng và tử vong, vì vậy, tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là hết sức cần thiết. Đây là xu hướng của toàn cầu. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo để bảo vệ trẻ thì cha mẹ nên đồng ý tiêm cho các cháu. Ngoài ra, các cháu được tiêm thì cộng đồng tại trường học và trong xã hội cũng sẽ được an toàn hơn”.

Lưu ý là, ngay cả sau khi tiêm vắc xin, người dân vẫn cần thực hiện khuyến cáo 2K+ (khẩu trang, khử khuẩn + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức) để bảo vệ chính mình và gia đình, người thân trước COVID-19, bởi không có vắc xin nào đạt hiệu quả 100% trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus.

Vắc xin mRNA gồm lớp vỏ chất béo, bao bọc nhóm các phân tử mRNA - công thức di truyền của protein S. Khi chất này xâm nhập vào tế bào, lớp vỏ sẽ bị phân hủy thành chất béo vô hại, còn mRNA được tế bào sử dụng để tạo protein S. Một khi mRNA đã được dùng để tạo protein, nó sẽ bịphávỡ và loại bỏ khỏi tế bào.

Thực tế, mRNA rất mỏng manh, dạng bền vững nhất chỉ tồn tại trong vài ngày. Đây là lý do vì sao vắc xin Pfizer và Moderna cần được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp.

Vắc xin vector như AstraZeneca và Johnson & Johnson sử dụng adenovirus (virus cúm vô hại) làm vector để cung cấp mẫu di truyền của protein S cho các tế bào. Virus vector đã được loại bỏ tất cả các thành phần lây nhiễm, nên nó không thể nhân lên hoặc gây bệnh. Virus vector sẽ liên kết với tế bào, cung cấp thành phần di truyền để hệ miễn dịch nhận biết mầm bệnh, sau đó tự bị loại bỏ.

Như vậy, vắc xin không gây ra bất cứ thay đổi nào đối với DNA của người bình thường.

(Nguồn: Bệnh viện Nhân dân 115)

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/417/289222/tai-kich-hoat-he-mien-dich-bang-cac-mui-vac-xin.html