Tác phẩm tham dự giải báo chí Búa Liềm vàng lần thứ IX-2024: Xây dựng văn hóa Nam Định đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững (kỳ 1)
Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về 'Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước' đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp cụ thể nhằm hướng tới 'Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh'.
Sự nghiệp của cả hệ thống chính trị
Ban TVTU đã xây dựng Kế hoạch số 97-KH/TU, ngày 6/6/2014, để chỉ đạo tổ chức việc học tập, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW rộng rãi tới đông đảo cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Nhằm triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm và giải pháp của Nghị quyết số 33-NQ/TW, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người; trong đó có Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 9/6/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”.
10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia vào cuộc tích cực của MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Trong đó quan tâm chú trọng công tác tuyên truyền Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Xác định “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo gắn nhiệm vụ này với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về việc “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận số 21-KL/TW (khóa XIII) về công tác xây dựng Đảng; tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, góp phần đấu tranh, phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa, làm cho nội bộ thực sự đoàn kết, thống nhất...
Xác định con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của mọi quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước trong mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị, các địa phương trong tỉnh tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với lĩnh vực văn hóa thông qua việc cụ thể hóa thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của tỉnh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội; gắn việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW với việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX nhiệm kỳ 2015-2020, khóa XX nhiệm kỳ 2020-2025.
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào, cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, cụ thể hóa việc thực hiện bằng những chương trình hành động hàng năm và kế hoạch xây dựng, triển khai các mô hình: thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; xây dựng “Khu dân cư 5 không”, “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Xứ, họ đạo tiên tiến”, “Gia đình Công giáo gương mẫu”; các mô hình tự quản bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông...
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch nhằm định hướng phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; chú trọng hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý văn hóa. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động văn hóa; chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, tăng cường giao lưu, trao đổi với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm học tập kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về văn hóa tại địa phương.
Những chuyển biến tích cực từ cơ sở
Xã Giao Phong (Giao Thủy) có 11 xóm với hơn 2.400 hộ, trên 9.000 nhân khẩu. Đảng bộ xã có 379 đảng viên sinh hoạt ở 17 chi bộ. Là “điểm sáng” của tỉnh trong các giai đoạn xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương tập trung phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng; quan tâm xây dựng, phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW, Nghị quyết số 07-NQ/TU đề ra. Trong công cuộc xây dựng NTM, việc thực hiện các tiêu chí về văn hóa luôn được cấp ủy, chính quyền xã chú trọng. Cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện các phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa. Hàng năm, xã có 100% xóm, cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt từ 94-95%. Các tiêu chí: có ý thức tự trọng, tự chủ, tuân thủ pháp luật, ý thức bảo vệ môi trường, trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội đã được cụ thể hóa trong hương ước xóm, quy định của cơ quan, đơn vị và được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm thực hiện. Việc xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng đã phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Phong trào hiến đất, hiến tài sản trên đất để mở rộng đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương được người dân tích cực hưởng ứng. Người dân trong xã đã hiến với trên 12 nghìn m2 đất ở, trên 53 nghìn m2 đất nông nghiệp, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Cùng với đó, hàng năm, xã đã bố trí ngân sách chi cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT); tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư, ủng hộ từ 500-800 triệu đồng cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, các sự kiện, lễ hội; đồng thời chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đảm bảo hiệu quả, đúng quy định không để xảy ra tiêu cực, lãng phí. Qua quá trình phấn đấu nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, đến nay, xã Giao Phong có 11/11 xóm đạt tiêu chí xóm NTM kiểu mẫu; xã đã về đích trở thành xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022.
45 năm là điển hình văn hóa - thông tin cấp huyện tiêu biểu của cả nước, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa của huyện Hải Hậu được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đồng tâm đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Đồng chí Trần Minh Hải, TUV, Bí thư Huyện ủy Hải Hậu cho biết: Nếu giai đoạn đầu phát triển văn hóa - thông tin ở Hải Hậu được triển khai trên 4 mặt “phong trào nếp sống mới; phong trào văn nghệ quần chúng; phong trào đọc và làm theo sách, báo; hoạt động thường xuyên của đội thông tin lưu động” thì hiện nay văn hóa - thông tin đã được phát triển mở rộng hơn về tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách sống của người dân Hải Hậu. Trong xây dựng môi trường văn hóa, Huyện ủy đã ban hành các Hướng dẫn số 34-HD/HU (năm 2017), Hướng dẫn số 70-HD/HU (năm 2022) về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện, xóa bỏ các phong tục tập quán cũ không còn phù hợp trong đời sống xã hội ngày nay. Theo đó, người dân ở các xã, thị trấn đã thực hành tiết kiệm, bảo vệ môi trường trong sử dụng vòng hoa luân chuyển ở đám tang, 100% xóm, tổ dân phố có hương ước phù hợp với nếp sống văn hóa mới trên cơ sở gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, huyện đã chi từ ngân sách gần 210 tỷ đồng đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch, trên 50 tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao trung tâm huyện. Các xã, thị trấn đã chi gần 72 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa để xây dựng khu trung tâm văn hóa, thể thao. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, nâng cấp và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao đã đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, từng bước thay đổi cách sống, cách ứng xử của người dân Hải Hậu phù hợp với sự phát triển của đời sống, đồng thời vẫn giữ được bản sắc tốt đẹp của văn hóa truyền thống. Một trong những niềm tự hào của địa phương đó là duy trì tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống mừng Tết Độc lập trong dịp kỷ niệm Quốc khánh (2/9) hàng năm. Ngày hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT đặc sắc được tổ chức sôi nổi, thu hút hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên của các xã, thị trấn tham gia và hàng vạn người con Hải Hậu từ khắp mọi miền đất nước về dự, đắm mình trong không khí sôi nổi, hào hùng của những ngày mùa thu lịch sử. Đến nay, đây là sự kiện văn hóa truyền thống có sức hút lớn đối với con em Hải Hậu hướng về quê hương mỗi dịp Tết Độc lập. Lễ hội văn hóa này hiện đã được lan tỏa đến một số địa phương cũng tổ chức với quy mô ngày càng lớn nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa của cộng đồng như các huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Giao Thủy. Khí thế, truyền thống ngày Tết Độc lập càng được nhân lên, bồi đắp lòng yêu nước, yêu quý nền độc lập tự do, hòa bình quý giá của đất nước trong lòng mỗi người dân khi đến và tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao tại lễ hội.