Cần có phương án xử lý dứt điểm tình trạng sụt lún kè biển ở Lộc Hà

Đoạn kè biển qua xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) lại tiếp tục bị sạt lở, sụt lún. Dù đã được xử lý tạm thời nhưng vẫn cần phải có giải pháp khắc phục dứt điểm, hiệu quả.

Tuyến kè biển Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) dài 8 km, tiếp nối từ khu vực giáp ranh với thị trấn Lộc Hà đến đường ven biển, là đoạn cuối của hệ thống kè biển huyện Lộc Hà.

Đây là công trình quan trọng bảo vệ an toàn cho 3.000 hộ dân sinh sống dọc bờ biển Thịnh Lộc, gồm thôn Yên Điềm, Quang Trung, Hồng Thịnh, Yên Định, Hòa Bình, Nam Sơn. Thời gian qua, đoạn kè thường xảy ra sự cố khiến người dân lo lắng, nhất là khi có mưa bão lớn.

 Đoạn kè biển xung yếu qua thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) thường xuyên bị sạt lở, sụt lún.

Đoạn kè biển xung yếu qua thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) thường xuyên bị sạt lở, sụt lún.

Vào lúc 17h ngày 27/10, do ảnh hưởng của mưa, gió bão và triều cường dâng cao nên tuyến kè biển qua thôn Yên Điềm đã bị sạt lở thân, mái với chiều dài khoảng 40m (K44+710 đến K44+750), rộng 8 – 10m. Đến 10h ngày 28/10, sau khi thủy triều xuống, UBND xã Thịnh Lộc đã huy động 150 người (cán bộ xã, công an, người dân) và 500 bao bì và sử dụng cát, đá, sỏi đắp giữ thân kè để tránh bị hư hại nặng hơn.

Điều đáng lo ngại hơn là những năm trước đây, ở vị trí này và khu vực lân cận (dài khoảng 200m) trên tuyến kè biển Thịnh Lộc cũng thường xuyên bị sạt lở, xói mòn, hư hỏng vì mưa bão, triều cường. Đáng chú ý nhất là đợt sụt lún trong đợt mưa bão lớn vào tháng 10/2020 khiến hàng trăm mét mái và thân kè bị hư hỏng nặng, hàng trăm người cũng nhiều phương tiện đã được huy động để cứu hộ mới không bị vỡ.

Sau mấy năm tạm ổn vì được sửa chữa, gia cố thì mùa mưa bão năm nay, đoạn kè biển này lại tiếp tục bị xói mòn, sụt lún, sạt lở. Đến thời điểm này, vị trí hư hỏng đã được khắc phục xong nhưng cũng chỉ đang mang tính “chữa cháy", chắp vá, tạm thời, nên nguy cơ tái sạt lở rất lớn.

 Các lực lượng tham gia cứu hộ kè biển vào trưa ngày 28/10.

Các lực lượng tham gia cứu hộ kè biển vào trưa ngày 28/10.

Là người lớn tuổi sinh sống gần khu vực sự cố, ông Nguyễn Công Sinh - Trưởng thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc cho hay: “Sở dĩ có hiện tượng sạt mái, sụt lún thân kè như hiện nay là do dòng chảy lạch Đồng Kèn (giáp ranh giữa xã Cương Gián của huyện Nghi Xuân với xã Thịnh Lộc của huyện Lộc Hà) thay đổi theo hướng lấn sâu xuống phần đất Lộc Hà. Cùng với đó là do biến đổi khí hậu, biển ngày càng xâm thực sâu vào đất liền, trong khi rừng phi lao chắn sóng, chắn cát trước đây đã bị hư hại nên sóng biển thường xuyên trực tiếp tác động lên thân kè...”.

Về mặt kỹ thuật, ông N.Đ.K. - đại diện đơn vị tư vấn vừa được huyện Lộc Hà mời về khảo sát, đánh giá tình hình cho rằng: “Ở vị trí này thường xuyên bị sóng biển mạnh vỗ tràn lên mặt và thân kè, khi nước chảy ngược ra biển sẽ kéo theo bung hở lớp vải địa kỹ thuật. Chỉ cần một chỗ hở rất nhỏ nhưng bị sóng tác động liên tục thì sẽ cuốn dần lớp đất đá trong thân kè trôi ra bờ biển, gây sạt lở, sụt lún. Để ngăn ngừa tình trạng này hiệu quả ngoài việc lót lại lớp vải địa kỹ thuật, kiên cố thân kè cẩn thận thì cần phải có hệ thống ngăn sóng, giảm sóng phía ngoài biển bảo vệ kè”.

 Hiện trường vụ sạt lở kè ở vị trí K44+710 đến K44+780 vào tháng 10/2020.

Hiện trường vụ sạt lở kè ở vị trí K44+710 đến K44+780 vào tháng 10/2020.

Ông Trần Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc phản ánh: “Tình trạng sạt lở kè biển như hiện nay khiến chính quyền và Nhân dân bất an, bị động. Dù đã chủ động khắc phục kịp thời nhưng về lâu dài thì cần phải có giải pháp khắc phục triệt để, đề nghị UBND huyện, Chi cục Đê điều (Sở NN&PTNT) sớm đánh giá, khảo sát tình hình thực tế, bố trí kinh phí thực hiện”.

Ông Nguyễn Đình Thành – Phó Trưởng phòng NN&PTNT cho biết: "Qua kiểm tra, đánh giá tình hình thì phải tháo dỡ toàn bộ phạm vi sụt lún kè, đắp đất, chèn đá, lót lại vải địa kỹ thuật, đúc bổ sung các cấu kiện bê tông cốt thép. Các tấm bê tông phần mái cũng cần phải lắp ghép lại mới đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tránh được nguy cơ tái sạt lở, sụt lún. Để đảm bảo an toàn cho tuyến kè và phòng chống thiên tai hiệu quả, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện có phương án xử lý. Hiện nay, UBND huyện Lộc Hà cũng đã giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng kiểm tra, xác định khái toán tổng mức đầu tư để bố trí kinh phí, triển khai khắc phục dứt điểm".

Vị trí sạt lở thuộc khu vực xung yếu, đoạn kè thường xuyên bị triều cường và sóng biển tác động trực tiếp, nguy cơ mất an toàn cao, vùng bị hư hỏng dễ bị mở rộng trong mùa mưa bão này... Vì vậy, chính quyền các cấp và Sở NN&PTNT cần chủ động theo dõi diễn biến tình hình, sớm bố trí ngân sách, xây dựng phương án hữu hiệu để khắc phục dứt điểm.

Video: Ông Nguyễn Công Sinh phản ánh tình trạng sạt lở kè biển.

Tiến Dũng - Anh Tấn

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/can-co-phuong-an-xu-ly-dut-diem-tinh-trang-sut-lun-ke-bien-o-loc-ha-post276549.html