Suy dinh dưỡng: Vấn đề nghiêm trọng trong nhóm DTTS

Những đứa trẻ bụng ỏng; những em bé thấp còi, 5 tuổi mà nhìn như 2, 3 tuổi; những học sinh đến trường đúng tuổi nhưng không thể theo kịp bạn bè vì chỉ số thông minh quá thấp… đây chính là những biểu hiện dễ nhận thấy của trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) bị suy dinh dưỡng.

Gần 1/3 trẻ em DTTS suy dinh dưỡng

Với các chương trình tăng cường y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu (bao gồm các dịch vụ dinh dưỡng), tỷ lệ suy dinh dưỡng trên toàn quốc đã giảm đáng kể trong 20 năm qua. Tuy nhiên, đến nay, suy dinh dưỡng vẫn là vấn đề nghiêm trọng trong nhóm DTTS ở Việt Nam. Nguyên nhân được xác định là do, chất lượng chế độ ăn của trẻ DTTS (6 - 23 tháng tuổi) kém. Thậm chí ở nhiều bản làng vùng cao, gia đình có gì thì cho trẻ nhỏ ăn đó chứ hoàn toàn không có chế độ dinh dưỡng riêng cho trẻ. Với nhiều hộ nghèo, nhà xa chợ… cả tuần đứa trẻ có thể không được ăn bữa thịt, cá nào.

Người mẹ được chăm sóc về y tế, dinh dưỡng khi mang thai sẽ có tác động không nhỏ tới sức khỏe của con trẻ

Không chỉ có chế độ ăn kém, trẻ DTTS còn được sinh ra bởi những người mẹ còn quá trẻ (15 - 19 tuổi); không ít bà mẹ tự sinh con tại nhà trong điều kiện vệ sinh chưa tốt. Bên cạnh đó, những hạn chế về ngôn ngữ, văn hóa, thông tin cũng là nguyên nhân khiến các gia đình DTTS chưa ý thức được việc cần phải bổ sung dinh dưỡng cho con trẻ vào 1.000 ngày đầu đời – quãng thời gian được xem là Giai đoạn vàng cho sự phát triển chiều cao, cân nặng, trí tuệ của trẻ. Đây chính là những nguyên nhân căn bản dẫn đến việc, vẫn còn gần 1/3 trẻ em DTTS bị ảnh hưởng bởi suy dinh dưỡng thấp còi.

Những khuyến nghị

Dinh dưỡng là 1 trong 10 ưu tiên Quốc gia trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Việt Nam cũng đã có nhiều chiến lược, phong trào, chính sách về dinh dưỡng. Vậy nhưng thực tế, chúng ta chưa có gói can thiệp dinh dưỡng tối thiểu dành cho nhóm dân số dễ tổn thương (trong đó có đồng bào DTTS); các chương trình can thiệp dinh dưỡng trực tiếp cũng không hướng tới Giai đoạn vàng hay tập trung cho các tỉnh vùng DTTS và miền núi có gánh nặng suy dinh dưỡng thấp còi nhiều nhất. Thêm vào đó, các gói can thiệp dinh dưỡng hiện tại cũng có độ bao phủ thấp, nhiều địa phương vùng DTTS hầu như chưa từng được tiếp cận với các gói can thiệp dinh dưỡng này.

Bữa ăn đạm bạc của trẻ mầm non con em đồng bào dân tộc Mông (Mù Cang Chải, Yên Bái)

Từ thực tế trên, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị với mong muốn sớm giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi trong trẻ DTTS. Trong đó, bên cạnh việc giải quyết các yếu tố căn bản, quyết định đến vấn đề dinh dưỡng (sản xuất, cung cấp các thực phẩm giàu dinh dưỡng; tăng khả năng tiếp cận với nước sạch, vệ sinh; giảm nghèo, khuyến khích giáo dục); nhiều chuyên gia cho rằng: Cần xác định rõ dinh dưỡng trong cộng đồng DTTS là ưu tiên, đồng thời đưa ra các mục tiêu, báo cáo và chi phí cho các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ dinh dưỡng. Từ đó, thiết lập địa bàn hội tụ can thiệp đến tận hộ gia đình ở các tỉnh vùng DTTS và miền núi; tập trung cung cấp gói dinh dưỡng cơ bản cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và trẻ em dưới 2 tuổi.

Song song với việc triển khai giải quyết các vấn đề dinh dưỡng trong Giai đoạn vàng ở các địa phương vùng DTTS có gánh nặng suy dinh dưỡng lớn nhất; cần có cách tiếp cận sáng tạo và phù hợp hơn với người DTTS – đối tượng vẫn còn nhiều hạn chế trong tiếp cận và thực hiện các can thiệp về dinh dưỡng.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/suy-dinh-duong-van-de-nghiem-trong-trong-nhom-dtts-138361.html