Sức sống phong trào thể thao vùng đồng bào Khmer
Những năm qua, phong trào thể thao trong vùng đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã và đang phát triển sâu rộng. Những giải đấu trong tỉnh, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ, Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo truyền thống... thu hút đông đảo người dân tham gia thi đấu. Các môn thể thao truyền thống và hiện đại không chỉ góp phần nâng cao thể chất mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Thể thao - gắn kết cộng đồng
Đối với đồng bào Khmer, thể thao không chỉ là hoạt động rèn luyện sức khỏe mà còn là sân chơi giao lưu, gắn kết cộng đồng. Tại nhiều địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, các giải thể thao truyền thống như đua ghe Ngo, bi sắt, cờ ốc, kéo co, đẩy gậy... luôn thu hút đông đảo người dân tham gia thi đấu và cổ vũ nhiệt tình.

Đua ghe Ngo là hoạt động thể thao truyền thống của đồng bào Khmer, thu hút đông đảo vận động viên tham gia thi đấu. Ảnh: THẠCH PÍCH
Là người đam mê môn bi sắt và từng giành nhiều giải, huy chương tại Giải bi sắt các câu lạc bộ tỉnh, cũng như tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ, nữ bi thủ Lâm Thị Cẩm Hà, ở xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) chia sẻ: “Bi sắt là môn thể thao tôi rất thích. Từ khi biết chơi, ngày nào tôi cũng cùng anh chị em trong Câu lạc bộ Bi sắt xã ra sân tập luyện, thi đấu giao lưu với nhau rất vui, càng vui hơn khi được tham gia giải bi sắt tỉnh và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ”.
Đến với Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ hay Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo truyền thống tỉnh, hoặc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đua ghe Ngo là một trong những hoạt động thể thao tiêu biểu và sôi động nhất của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng. Hằng năm, cứ mỗi dịp lễ hội Oóc om bóc đã quy tụ hàng chục đội ghe Ngo nam, nữ đến từ các chùa Khmer trong và ngoài tỉnh tham gia, mang đến những cuộc so tài gay cấn, sôi động và hấp dẫn trên dòng sông Maspero, thành phố Sóc Trăng. Môn thể thao này không chỉ thể hiện sức mạnh, kỹ năng của các tay bơi mà còn phản ánh tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng.
Anh Sơn Minh Khải - vận động viên đội ghe ngo chùa Tum Núp, huyện Châu Thành bộc bạch: “Khi được lên ghe từ tập đến bơi thi đấu cùng anh em trong đội, tôi cảm thấy rất vui, tự hào”.

Các vận động viên tham gia giải đẩy gậy - nằm trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ. Ảnh: THẠCH PÍCH
Vực dậy với môn thể thao hiện đại
Bên cạnh các môn thể thao truyền thống, các môn thể thao hiện đại như: bóng đá, bóng chuyền, bi sắt… cũng đang vực dậy phong trào tại các địa phương trong tỉnh. Các giải đấu, hội thao được các ngành thường xuyên tổ chức tại các điểm chùa, địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, thu hút nhiều đội tham gia.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thanh thị xã Vĩnh Châu Hồng Bích Thảo cho biết: “Vĩnh Châu là một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Do đó, ngành luôn quan tâm triển khai và phối hợp chính quyền địa phương, các chùa tổ chức các giải đấu, hội thao, nhằm chào mừng các lễ hội truyền thống, đặc biệt là dịp tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Đônta cổ truyền, hay lễ cầu an của đồng bào Khmer… thu hút đông đảo vận động viên tham gia tranh tài. Đây cũng là hoạt động thể thao sôi nổi, nhằm tạo sân chơi bổ ích, thi đấu giao lưu, kết nối cộng đồng trên tinh thần vui, khỏe là chính”.
Đồng chí Trần Minh Lý - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho biết: “Năm 2024, sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Đặc biệt là giải đua ghe Ngo nằm trong khuôn khổ Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024, đã thu hút 60 đội ghe, với gần 7.000 vận động viên, huấn luyện viên tham gia. Đây là lễ hội truyền thống đã góp phần tạo sinh khí vui tươi, phấn khởi cho bà con trong khu vực”.
Sự phát triển của phong trào thể thao quần chúng tỉnh nói chung và trong vùng đồng bào Khmer nói riêng, không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng mà còn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Với sự quan tâm, đầu tư của chính quyền và tinh thần hăng say tập luyện, thi đấu của người dân, tin rằng thể thao vùng đồng bào Khmer sẽ ngày càng vươn xa, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thể thao tỉnh nhà.