Sức sống mới vùng quê cách mạng Long Hẹ
Những ngày tháng 8 lịch sử, chúng tôi về xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu. Cách đây 79 năm về trước, tại nơi này, Đội du kích Long Hẹ đã phối hợp với các lực lượng và nhân dân trong huyện đứng lên đánh đuổi giặc Pháp và chế độ phong kiến, giải phóng quê hương.
Đón chúng tôi tại trụ sở, ông Sùng Chờ Nó, Bí thư Đảng ủy xã, kể: Tháng 1/1946, dưới sự giúp đỡ của Đội xung phong Trung Dũng, Đội du kích Long Hẹ được thành lập với 30 thanh niên dân tộc Mông, là những người có sức khỏe, mưu trí dũng cảm, có tinh thần cách mạng, do các ông Thào Ngọc Lương, Thào Khua Chỉnh và Thào Vả Mua trực tiếp chỉ huy. Đội đã tổ chức chống lại sự đàn áp của thực dân Pháp và tuyên truyền nhân dân không đi phu, đi lính, không nộp sưu, thuế cho Pháp. Đội du kích Long Hẹ đã tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt, như trận Phiêng Ban, Hói Sưa, Cán Tỷ, Pá Hỏm, Xiềng Thắng... chỉ bằng chông, bẫy đá, mìn, lựu đạn, đã tiêu diệt 37 tên địch, làm bị thương nhiều tên khác, thu nhiều vũ khí, đạn dược, khiến quân Pháp không dám dẫn quân lên càn quét Long Hẹ như trước.
Về thăm Khu căn cứ du kích Long Hẹ, cách trung tâm xã 7 km, hiện nay là khu rừng tái sinh, được chính quyền và nhân dân quản lý, bảo vệ. Dấu tích còn lại là chiếc cối đá và máng đá. Ông Vàng Đà Tú, 70 tuổi, người có uy tín bản Long Hẹ, chia sẻ: Chiếc cối đá trước đây, đội du kích sử dụng để giã lá độc thả xuống giếng để bọn lính uống nước đau bụng mà rút quân. Chiếc máng đá để nuôi lợn cung cấp thực phẩm cho đội du kích. Các hiện vật của Đội du kích Long Hẹ gồm ống nhòm, súng kíp, kiếm, dao... đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Ghi nhận những đóng góp trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 20/12/1998, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Hẹ. Ngày 24/3/2008, Di tích lịch sử Khu căn cứ du kích Long Hẹ được UBND tỉnh công nhận xếp hạng Di tích lịch sử kháng chiến.
Xã Long Hẹ hiện có 964 hộ, thuộc 6 dân tộc, sinh sống ở 11 bản; trong đó, dân tộc Mông chiếm 65,46%. Phát huy truyền thống quê hương Anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Hẹ đã nỗ lực vượt qua khó khăn, nêu cao tinh thần đoàn kết, xây dựng bản làng ngày càng phát triển.
Sinh ra ở vùng cao Long Hẹ, ông Vàng Đà Tú chia sẻ: Trước đây, cuộc sống của người dân rất khó khăn, còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, như thách cưới bạc trắng hay người chết để trong nhà nhiều ngày... Thực hiện cam kết “5 có, 5 không”, người dân từng bước thay đổi nhận thức; các hủ tục dần được loại bỏ. Đặc biệt, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sinh kế, bà con đã tích cực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.
Bí thư Đảng ủy xã Sùng Chờ Nó cho biết thêm: Hằng năm, Đảng bộ xã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế. Trong đó, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao mức sống cho nhân dân.
Hiện nay, nhân dân trong xã thâm canh 379 ha lúa, 508 ha ngô, 323 ha sắn; gần 40 ha nhãn, xoài; duy trì chăn nuôi gần 4.300 con gia súc, trên 20.900 con gia cầm. Cùng với đó, xã tập trung giao đất cho cộng đồng gắn với phát triển kinh tế, quản lý, bảo vệ 6.382 ha rừng.
Nhờ tích cực trồng trọt và chăn nuôi, cuộc sống của gia đình anh Cà Văn Phát, bản Nậm Nhứ, đã được cải thiện. Anh Phát cho biết: Hiện nay, gia đình tôi nuôi 25 con dê, 20 con lợn thịt, trồng 0,5 ha ngô, sắn. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình thu 150 triệu đồng. Gia đình đang tiếp tục đầu tư thêm mô hình nuôi gà đen đẻ trứng để nâng cao thu nhập.
Phủ xanh đất trống, đồi trọc và tạo sinh kế cho người dân xã Long Hẹ, năm 2000, huyện Thuận Châu đã trồng thử nghiệm 6 ha cây sơn tra tại xã. Đến nay, xã có 500 ha cây sơn tra, với 400 hộ trồng, sản lượng đạt 1.000 tấn quả tươi/năm.
Ông Vàng A Dủa, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Hiện nay, xã đang được Nhà nước hỗ trợ triển khai Dự án “Sản xuất sản phẩm OCOP từ táo sơn tra gắn với phát triển vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết giá trị bền vững cho sản phẩm từ táo sơn tra”. Dự án nhằm đưa cây táo sơn tra trở thành cây trồng chủ lực; thúc đẩy kết nối du lịch thông qua các hoạt động trải nghiệm, lễ hội hái quả sơn tra và chế biến các sản phẩm từ quả táo sơn tra, như trà táo, nước ép táo, táo sơn tra khô, bột táo…
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn các chương trình 134, 135, 182, dự án giảm nghèo, cùng sự đóng góp của nhân dân, xã đã huy động được hàng chục tỷ đồng để làm đường liên xã, liên bản, xây dựng công trình nước sạch, nhà lớp học cắm bản, hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo... Đến nay, tuyến đường dân sinh từ trung tâm xã đến 11/11 bản đều đi được xe máy; 95% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 90% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo xã Long Hẹ giảm xuống còn 31,21%; đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Những kết quả đạt được là động lực để nhân dân xã Long Hẹ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, chung sức, đồng lòng thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/suc-song-moi-vung-que-cach-mang-long-he-holijHqSg.html