Sức hút Trung Quốc tiếp tục gia tăng đối với các công ty Singapore

Các công ty Singapore đang xem nhẹ những trở ngại ngắn hạn và chú trọng tới chặng đường dài khi tiếp tục mở rộng hoạt động ở Trung Quốc.

Người dân mua hàng trong siêu thị ở Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân mua hàng trong siêu thị ở Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Sim Choon Siong, Giám đốc điều hành của Enterprise Singapore (EnterpriseSG) tại Trung Quốc, cho biết các công ty "đảo quốc sư tử" vẫn quan tâm đến thị trường Trung Quốc. Chia sẻ với The Straits Times, ông nói: “Ngoài vai trò là một trung tâm sản xuất toàn cầu quan trọng với cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng mạnh mẽ và lực lượng lao động lành nghề, [Trung Quốc] giờ đây còn có những cơ hội mới trong các lĩnh vực như nền kinh tế kỹ thuật số, nền kinh tế xanh cũng như chăm sóc sức khỏe, do sự tập trung ngày càng tăng vào các lĩnh vực này”.

EnterpriseSG, nơi giúp các công ty Singapore mở rộng ra nước ngoài, đã hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận cơ hội thị trường và tăng cường sự hiện diện tại Trung Quốc thông qua 300 dự án trong hai năm qua. Năm 2023, khoảng 250 công ty đã khai thác chương trình hỗ trợ Market Readiness Assistance Grant của cơ quan này để thâm nhập thị trường Trung Quốc, tăng 50% so với năm 2022 và cao hơn so với thời kỳ trước COVID-19.Ông Sim cho biết EnterpriseSG, hợp tác với các Trung tâm Doanh nghiệp Singapore của Phòng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc-Singapore tại Thượng Hải và Thành Đô, đã nhận được số lượng yêu cầu về tiếp cận thị trường Trung Quốc nhiều hơn khoảng 50% vào năm 2023 so với năm 2022. Giám đốc điều hành Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) Kok Ping Soon khẳng định có những cơ hội mới để mở rộng và củng cố sự hiện diện tại thị trường đông dân số hai của châu Á. Ông Kok nhấn mạnh: “Trong khi phân bổ đầu tư và dòng chảy thương mại ngày càng tập trung hơn giữa các quốc gia có liên kết địa chính trị và không còn hoàn toàn dựa trên lợi thế cạnh tranh hoặc so sánh, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường quan trọng đối với nhiều công ty Singapore ngoài Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”.Hơn nữa, Trung Quốc gần đây cũng đưa ra những biện pháp mới để thu hút các công ty và đầu tư nước ngoài, như mở rộng tiếp cận thị trường và thực hiện các chính sách nhằm dỡ bỏ rào cản đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất. Các doanh nghiệp Singapore trong lĩnh vực dịch vụ cũng sẽ được hưởng lợi từ các khía cạnh được nâng cấp của Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-Singapore được ký vào năm 2023.Ông Kok cho biết các công ty trong những ngành như xây dựng, bán lẻ và bán buôn, dịch vụ kiến trúc và quy hoạch đô thị cũng như dịch vụ phân tích và thử nghiệm kỹ thuật sẽ không bị giới hạn vốn cổ phần nước ngoài. Các nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ Singapore cũng sẽ được hưởng những quy định tự do và minh bạch hơn theo thỏa thuận sửa đổi.Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 5,3% trong quý I/2024, cao hơn so với dự báo 4,6% trong cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích của Reuters. Ngân hàng OCBC của Singapore đã xây dựng một mạng lưới chi nhánh rộng khắp các thành phố trọng điểm của Trung Quốc trong những năm qua, mới nhất là tại Vũ Hán vào năm 2023, nâng tổng số chi nhánh và chi nhánh phụ lên 16 ở 14 thành phố. Giám đốc điều hành OCBC Trung Quốc Ang Eng Siong nói với The Straits Times rằng Trung Quốc mang lại cơ hội cho các thị trường cốt lõi của ASEAN.

Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng Pasir Panjang ở Singapore ngày 17/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng Pasir Panjang ở Singapore ngày 17/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Ông Ang chia sẻ: “ASEAN với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và các luồng thương mại và đầu tư ASEAN-Trung Quốc mở rộng mang đến những cơ hội to lớn cho chúng tôi… Nắm bắt những dòng chảy này là một trong những trụ cột chính trong chiến lược công ty của chúng tôi”.

OCBC phục vụ các công ty Trung Quốc hoạt động tại những nước ASEAN như Malaysia và Indonesia, lấy Singapore làm trụ sở. Ngân hàng này cũng hỗ trợ khách hàng kinh doanh tại Trung Quốc. Năm 2023, ngân hàng này cho biết họ đặt mục tiêu tạo ra doanh thu tăng thêm 3 tỷ USD vào năm 2025 từ việc tập trung mạnh mẽ vào ASEAN và Trung Quốc Đại lục.Theo ông Ang, Trung Quốc có nguồn nhân lực dồi dào, với lực lượng lao động hơn 800 triệu người và gần 12 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học vào năm 2024. “Trung Quốc cũng sẵn sàng tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, trong đó nền kinh tế xanh và kỹ thuật số đóng vai trò là động lực tăng trưởng then chốt… Kết hợp với năng lực sản xuất mạnh mẽ và thị trường tiêu dùng mở rộng, Trung Quốc mang đến cho các nhà đầu tư nước ngoài nhiều cơ hội đầu tư và tăng trưởng”, ông nói.Nhà sản xuất pin lithium-ion Durapower Holdings là một công ty khác của Singapore đang mở rộng hoạt động tại Trung Quốc. Công ty này bắt đầu xây dựng một nhà máy rộng 32.500m2 ở Tô Châu vào tháng Ba, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2025. Giám đốc điều hành Kelvin Lim cho biết việc mở rộng sẽ giúp công ty đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc và khu vực.Ông Kok của SBF tiết lộ nhân viên hỗ trợ y tế Premium Care SG sẽ lần đầu tiên tham gia cùng phái đoàn Singapore tại Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc vào năm 2024 để tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang bùng nổ, trong bối cảnh dân số già đi của đất nước.

Trong khi Kim Guan Guan Coffee, nhà cung cấp bột cà phê Singapore truyền thống, cũng sẽ tham gia phái đoàn SBF tới Trung Quốc sau chuyến thăm thành công vào năm 2023. Công ty đang phân phối sản phẩm của mình tại Trung Quốc thông qua một công ty khác của Singapore là Naturie, trong khi tiếp tục tìm kiếm thêm cơ hội.

Đỗ Vân (P/v TTXVN tại Singapore)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/suc-hut-trung-quoc-tiep-tuc-gia-tang-doi-voi-cac-cong-ty-singapore/334462.html