Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua: Đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung lần thứ hai, đánh bom đẫm máu tại Ấn Độ, Hội nghị an ninh Munich là ba trong số những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua.

Đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung lần thứ hai

Ngày 14 và 15/2, tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), các đại diện Mỹ và Trung Quốc đã nối lại vòng đàm phán cấp cao về thương mại và kinh tế. Đây là sự kiện tiếp nối vòng đối thoại cấp cao đầu tiên vào ngày 30 và 31/1 vừa qua kể từ sau khi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Trump đạt thỏa thuận "đình chiến thương mại" trong 90 ngày (hồi đầu tháng 12/2018).

Vòng đàm phán này diễn ra trong bối cảnh cuộc đàm phán trước đó giữa hai nước vào tháng 1/2019 đã đạt được một số kết quả tích cực song vẫn không có thỏa thuận nào được tuyên bố.

Hiện hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung liên quan tới các vấn đề then chốt, trong đó có những hành vi của Trung Quốc mà Mỹ xem là vi phạm sở hữu trí tuệ như ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc. Trong khi đó, phía Trung Qốc đã đưa ra đảm bảo rằng nước này sẽ giải quyết những vấn đề nêu trên thông qua việc đưa ra những chính sách pháp luật mới.

Trong bối cảnh đó, vòng đàm phán mới này được kỳ vọng mang lại những giải pháp đột phá nhằm hạ nhiệt trạng thái căng thẳng về thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Kết thúc ngày đàm phán thứ nhất, hai bên đều đưa ra nhận định vòng đàm phán lần này đã diễn ra tích cực, tuy nhiên trong ngày đàm phán thứ hai thì giữa hai bên vẫn còn một số bất đồng về những điểm cơ bản. Vì vậy, nhiều nhà phân tích cũng không kỳ vọng nhiều vào việc hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại cuối cùng tại cuộc đàm phán lần này.

Những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bùng phát từ giữa năm 2018, khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.

Kể từ ngày 1/12/2018, hai nước nhất trí "đình chiến thương mại" trong vòng 90 ngày để hai bên thương lượng một thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng.

Nếu hai nước không đạt được giải pháp, Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD kể từ ngày 2/3 tới. Nếu điều này xảy ra, hàng loạt lĩnh vực từ đồ điện tử đến nông nghiệp của Trung Quốc đều sẽ hứng chịu thiệt hại và Trung Quốc có thể sẽ đáp trả mạnh.

(Từ trái sang): Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại vòng đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 14/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

(Từ trái sang): Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại vòng đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 14/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tấn công đẫm máu nhằm vào cảnh sát Ấn Độ tại bang Jammu và Kashmir

Ngày 14/2, tại thị trấn Lethpora, huyện Pulwama thuộc bang Jammu và Kashmir ở cực Bắc Ấn Độ do nước này kiểm soát đã xảy ra vụ tấn công khủng bố bằng thiết bị nổ tự chế nhằm vào cảnh sát Ấn Độ. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào lực lượng chính phủ Ấn Độ tại khu vực bang Jammu và Kashmir trong hơn 2 năm trở lại đây.

Kashmir là một vùng có đa số người theo đạo Hồi sinh sống trong nhiều thập kỷ thù địch giữa hai nước láng giềng này. Hiện Kashmir đang được chia đôi, một phần do Ấn Độ quản lý, phần còn lại do Pakistan quản lý. Vụ tấn công gần nhất tại Kashmir xảy ra năm 2016, khi các tay súng đột nhập một doanh trại của Ấn Độ ở Uri, làm 20 binh sỹ thiệt mạng.

Vụ nổ ngày 14/2 trên đã khiến 44 người thiệt mạng. Sau vụ nổ trên, nhóm vũ trang Hồi giáo có trụ sở tại Pakistan Jaish-e-Mohammad (JeM) đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công trên, tuy nhiên chính phủ Ấn Độ cho biết họ có bằng chứng không thể chối cãi về sự dính líu của Pakistan trong vụ này.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ vụ đánh bom xe tại Kashmir, trong khi Bộ trưởng Nội các Ấn Độ Arun Jaitley cho biết nước này sẽ dùng mọi biện pháp ngoại giao để đảm bảo "cô lập hoàn toàn" Pakistan. Theo ông Jaitley, một trong các biện pháp đầu tiên là Ấn Độ sẽ dỡ bỏ các ưu đãi thương mại Tối huệ quốc (MFN) vốn dành cho Pakistan.

Tuy nhiên, Pakistan đã bác bỏ những cáo buộc từ phía Ấn Độ. Ngoại trưởng Pakistan nhận định vụ tấn công mới nhất là vấn đề "rất đáng lo ngại," đồng thời chỉ trích chính phủ và truyền thông Ấn Độ gắn kết vụ việc với Pakistan khi chưa tiến hành điều tra.

Vụ việc trên đang làm leo thang căng thẳng giữa hai nước Ấn Độ và Pakistan.

(Nguồn: news18.com)

(Nguồn: news18.com)

Quốc hội Anh bác kiến nghị của Thủ tướng Theresa May về Brexit

Ngày 14/2, Thủ tướng Anh Theresa May tiếp tục nhận thêm một thất bại trong vấn đề Brexit khi Hạ viện Anh đã bỏ phiếu không ủng hộ cách thức tiến hành các thảo luận về Brexit hiện nay của Thủ tướng May.

Mặc dù về mặt pháp lý, cuộc bỏ phiếu này không có giá trị lớn nhưng về mặt chính trị, việc Hạ viện Anh tiếp tục từ chối ủng hộ bà May cho thấy Thủ tướng Anh vẫn chưa thể thành công trong việc tập hợp được sự ủng hộ của đa số nghị sỹ Anh vào thời điểm mà Brexit chỉ còn 6 tuần nữa là chính thức có hiệu lực.

Theo các nhà phân tích, hiện tại bà May đang ngày càng thể hiện rõ chiến lược kéo dài thời gian, nhằm gia tăng nỗi sợ hãi trên chính trường và xã hội Anh về kịch bản Brexit không thỏa thuận. Bằng cách này, bà May có thể gây áp lực và buộc các nghị sỹ Anh hoặc chấp nhận vào phút chót thỏa thuận Brexit mà chính phủ của bà đạt được với EU cuối tháng 11-2018, hoặc phải trì hoãn Brexit thêm nhiều tháng.

Tuy nhiên, đây lại chính là nguyên nhân khiến các nghị sỹ theo quan điểm ủng hộ châu Âu quyết định tiến hành cuộc bỏ phiếu vào ngày 14/2 nhằm chống lại chiến lược này của bà May. Những nghị sỹ này là những người kiên quyết ngăn chặn bằng mọi giá kịch bản “Brexit không thỏa thuận.”

Sau khi thất bại trước cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Anh ngày 14/2, Thủ tướng May khẳng định chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi tìm kiếm thay đổi trong nội dung thỏa thuận Brexit với EU nhằm đảm bảo Anh sẽ vẫn rời EU đúng kế hoạch vào ngày 29/3 tới.

Trong khi đó, phía EU vẫn đang tiếp tục thúc giục chính phủ Anh đưa ra các đề nghị mới cụ thể và thực tế hơn nhằm đưa các thảo luận về Brexit hiện nay ra khỏi ngõ cụt. Theo dự kiến, EU có thể họp thượng đỉnh vào hai ngày 21 và 22/3, tức một tuần trước khi Brexit có hiệu lực, để đưa ra quyết định cuối cùng.

Chủ tịch Hạ viện Anh Andrea Leadsom. (Nguồn: Daily Express)

Chủ tịch Hạ viện Anh Andrea Leadsom. (Nguồn: Daily Express)

Hội nghị thượng đỉnh Sochi giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran nhất trí đẩy mạnh các biện pháp ổn định tình hình ở Syria

Ngày 14/2, tại thành phố Sochi, Nga, đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa ba nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm giải pháp chính trị cho Syria. Đây là lần thứ 4 cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo các nước bảo trợ cho tiến trình hòa bình Syria được tổ chức.

Hội nghị ba bên Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ 4 này diễn ra trong bối cảnh khá thuận lợi khi IS gần bị đánh bại và Mỹ đang chuẩn bị cho việc rút quân khỏi Syria. Hơn nữa, 3 hội nghị trước đó giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đạt được những kết quả nhất định như làm trung gian cho lệnh ngừng bắn ở Syria, lập các vùng giảm căng thẳng…

Tại hội nghị ba bên lần thứ 4 này, các nhà lãnh đạo ba nước Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra Tuyên bố chung nhất trí phối hợp hành động để bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực Đông Bắc Syria, kể cả sử dụng các thỏa thuận hiện có, với sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Syria.

Các nhà lãnh đạo 3 nước cũng nhất trí tiếp tục nỗ lực giải phóng khu vực Tây Bắc Syria, nơi có thành trì cuối cùng của phe đối lập tại tỉnh Idlib và có biện pháp bổ sung nhằm chấm dứt căng thẳng cũng như thiết lập sự ổn định tại khu vực này. Ngoài ra, ba bên cũng khẳng định quyết tâm hỗ trợ nhanh chóng thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria.

Các bên cũng cho rằng quyết định của giới lãnh đạo Mỹ rút quân khỏi Syria, nếu được thực hiện, sẽ là bước đi góp phần củng cố ổn định và an ninh ở quốc gia Trung Đông này.

Kết thúc hội nghị, ba nhà lãnh đạo đã nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên về Syria tại Astana, Kazakhstan vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình về Syria do Liên hợp quốc bảo trợ đang có phần giậm chân tại chỗ, thì hội nghị ba bên giữa các nhà lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang được kỳ vọng tạo ra những xung lực mới cho tiến trình hòa bình Syria.

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh ba bên về Syria ở Sochi (Nga) ngày 14/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh ba bên về Syria ở Sochi (Nga) ngày 14/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách

Ngày 14/2, cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều đã nhất trí thông qua dự luật chi tiêu, trong đó bao gồm khoản ngân sách cho an ninh biên giới. Dự luật mới này sẽ giúp chính phủ Mỹ tránh được nguy cơ bị đóng cửa sau lần đóng cửa dài kỷ lục 35 ngày vừa qua.

Dự luật này do các thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa đề xuất, giúp chính phủ có đủ ngân sách hoạt động đến hết năm tài chính này, tức là ngày 30-9-2019 và tăng lương cho công chức liên bang thêm 1,9%.

Tuy nhiên, trong gói ngân sách vừa thông qua này chỉ cấp khoản tiền 1,375 tỷ USD để xây dựng 55 dặm hàng rào dọc biên giới ở Thung lũng Rio Grande, ít hơn nhiều so mức 5,7 tỷ USD mà Tổng thống Trump yêu cầu để xây bức tường biên giới này.

Trong bối cảnh đó, có người cho rằng, nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ ký thông qua dự luật ngân sách trên, song ông cũng sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm có được khoản tiền 5,7 tỷ USD để xây tường biên giới Mỹ-Mexico mà không cần phải có sự phê chuẩn của Quốc hội.

Nhưng nếu Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhiều khả năng ông sẽ phải đối mặt với việc bị các nghị sỹ kiện vì lạm dụng quyền lực, song Tổng thống Trump khẳng định ông sẽ chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nhấn mạnh nếu Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ là hành động “lạm dụng quyền lực” nhằm đánh lạc hướng chú ý khỏi thực tế rằng Tổng thống Trump đã không thể buộc Mexico trả tiền cho bức tường biên giới như ông từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử.

Binh sỹ Mỹ tham gia cuộc diễn tập tại khu vực Hidalgo, Texas, biên giới với Mexico, ngày 5/11/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Binh sỹ Mỹ tham gia cuộc diễn tập tại khu vực Hidalgo, Texas, biên giới với Mexico, ngày 5/11/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hội nghị An ninh Munich 55: Trật tự toàn cầu đang suy yếu

hoa xã, Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 55 đã khép lại trong ngày 17/2, trong bối cảnh nhiều đại diện tham gia chia sẻ quan điểm rằng trật tự quốc tế đang đối mặt nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger nhấn mạnh, trong 3 ngày diễn ra diễn đàn an ninh này, các bên tham gia đều có chung quan điểm trật tự quốc tế đang "trong hình thái tồi tệ."

Ông Ischinger lưu ý, hồi năm ngoái khi báo cáo MSC 2018 cho rằng thế giới đứng ở bờ vực xung đột lớn và dự đoán về một kỷ nguyên bất ổn mới, nhiều người vẫn còn hoài nghi.

Tuy nhiên tới năm nay, nhiều đại diện tham gia hội nghị lại chia sẻ quan điểm trật tự toàn cầu đang bị suy yếu.

Tại MSC lần thứ 55, một loạt vấn đề an ninh toàn cầu đã được thảo luận, trong đó có sự cạnh tranh và hợp tác giữa các siêu cường, tương lai của EU, cùng với các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương hiện trong tình trạng yếu kém.

Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich. (Ảnh: AFP/TTXVN)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/su-kien-quoc-te-noi-bat-tuan-qua-dam-phan-thuong-mai-my-trung-post553302.vnp