Sư đoàn 346 Quân khu 1 chủ động ứng phó thiên tai, bão lũ
Chủ động ứng phó thiên tai, bão lũ, những năm qua Sư đoàn (SĐ) 346 Quân khu 1 đã tổ chức huấn luyện, triển khai có hiệu quả mô hình 'dân vận khéo', góp phần củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân với quân đội, tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân.
Gắn bó tình quân dân
Những năm qua, công tác dân vận được SĐ 346 phối hợp cấp ủy, chính quyền huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) triển khai thực hiện nền nếp, nghiêm túc; bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú với sự tham gia tích cực của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và các tầng lớp Nhân dân.
Đợt 1 năm 2024, từ 15 - 30/7/2024, 180 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 246 đã hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới tại 4 xã Động Đạt, Yên Lạc, Yên Ninh, Yên Trạch.
Mưa lũ những ngày qua đã làm thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu của Nhà nước và Nhân dân. Để giúp người dân vơi bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, từ 8 - 12/9, SĐ 346 đã huy động hơn 2.000 lượt CBCS cùng vật chất, phương tiện phối hợp cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các xã, thị trấn của huyện Phú Lương, triển khai các phương án khắc phục hậu quả sau bão. Đơn vị đã xử lý các tình huống khẩn cấp, tham gia xử lý cây đổ, sạt lở đất, vệ sinh môi trường…, lưu thông tuyến đường QL3, QL3C đi qua địa bàn xã Động Đạt, xã Yên Đổ, hỗ trợ vận chuyển người và tài sản ra khỏi vùng lũ.
Hiện tại, hơn 250 CBCS SĐ 346 vẫn tiếp tục giúp đỡ Nhân dân các xã Cổ Lũng, Tức Tranh và Giang Tiên khắc phục hậu quả sau bão. Cơn bão đi qua để lại nhiều rác thải, bùn đất, khiến môi trường một số khu vực bị ô nhiễm cục bộ. Ngay sau khi nước rút, SĐ 346 cử CBCS hỗ trợ bà con dọn dẹp vệ sinh nhà ở, chuồng trại chăn nuôi… bảo đảm sớm ổn định cuộc sống và sản xuất. Bộ đội phối hợp sửa chữa các công trình y tế bị ảnh hưởng mưa bão; tổng vệ sinh các cơ quan, trường học bị ngập úng để sớm đón học sinh sớm quay trở lại học tập.
Bà Đặng Thị Quyên (ngụ xóm Làng Đông, xã Cổ Lũng) cho biết, gia đình nuôi 3.000 con gà. Đợt lũ này lên quá nhanh, chỉ kịp đưa 1.500 con lên trại cao hơn, còn 1.500 con chìm trong nước lũ. Ngoài ra, gia đình còn bị trôi 400kg cá, 100 con ba ba, 6 sào lúa bị ngập… ước thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Ngay sau lũ, bộ đội SĐ 346 đã đến giúp gia đình dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh chuồng trại để tiếp tục sản xuất.
Cùng với đó, SĐ đã ủng hộ Nhân dân các địa phương huyện Phú Lương, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) nhiều vật chất, nhu yếu phẩm thiết yếu như lương khô, áo phao, tiền mặt…
Chủ động ứng phó thiên tai, bão lũ
Đại tá Đỗ Văn Toán, Sư đoàn trưởng SĐ 346 cho biết, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dự báo có thể có nhiều cơn bão đổ bộ vào đất liền dẫn đến nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, ngập úng cục bộ; để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời các sự cố, bảo vệ an toàn tính mạng của Nhân dân trên địa bàn, hạn chế thiệt hại thiên tai gây ra; ngay từ đầu năm, SĐ 346 đã xây dựng phương án phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó tập trung duy trì nghiêm chế độ ứng trực; thường xuyên cập nhật, nắm chắc tình hình khí tượng, thủy văn; kiểm tra, bổ sung, điều chỉnh các phương án, kế hoạch; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.
SĐ tăng cường kiểm tra, rà soát, đôn đốc các đơn vị đóng quân trên khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; triển khai các biện pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn cho bộ đội, doanh trại, kho tàng và trang bị khí tài. Nhất là với các đơn vị thi công công trình, làm công tác dân vận, các kho vũ khí trang bị và đơn vị nhỏ lẻ đóng quân độc lập. Các đơn vị trong SĐ tổ chức giáo dục cho bộ đội cách phòng, chống lụt bão, mưa lớn, sạt lở đất, đá; đề phòng khi mưa, giông lốc, sét không để bộ đội hoạt động trên đồi cao, bãi đất trống, gốc cây to, mang vác vật dụng bằng kim loại…
SĐ đã huy động 700 CBCS; 25 ô tô, 2 xuồng máy, 20 nhà bạt cùng nhiều trang bị khác như: Áo phao, cuốc, xẻng, bao tải, vồ… sẵn sàng ứng phó thiên tai; tăng cường tổ chức luyện tập phương án phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, chủ động giúp cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn 2 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn ứng phó, khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn.
Quân đội chuẩn bị lắp cầu phao Phong Châu
Liên quan lĩnh vực, sau khi mực nước sông Hồng rút xuống dưới mức báo động 1, công tác đánh giá mực nước và bảo đảm an toàn cho việc lắp cầu phao Phong Châu đang được triển khai liên tục. Các lực lượng của Binh chủng Công binh và Quân khu 2 điều động ca nô rà soát ven bờ và dòng sông, đánh giá mức độ an toàn của mực nước và dòng chảy. Nếu các điều kiện thuận lợi, cầu phao sẽ được lắp trong vài ngày tới.
Thiếu tướng Trần Trung Hòa, Tư lệnh Binh chủng Công binh đã đến kiểm tra, động viên cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 249 đang thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường vụ sập cầu Phong Châu. Vị trí sẽ bắc cầu phao qua sông Hồng cách cầu Phong Châu bị sập khoảng 300 - 400m về phía hạ lưu.
Cầu Phong Châu nối liền hai huyện Tam Nông và Lâm Thao, Phú Thọ. Lúc 10h ngày 9/9, cây cầu bị sập 2 nhịp. Hiện cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 249 (Binh chủng Công binh) đang làm đường dẫn phục vụ công tác lắp cầu phao tại bến phà xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, tạm thay thế cầu Phong Châu bị sập. Cầu phao dự kiến dài 300m, cùng 200m đường dẫn hai bên đầu cầu, đủ rộng để phục vụ lưu thông hai chiều.
Trước đó, 198 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 249 cùng 78 đầu xe, máy, trang bị đã cơ động phương tiện tập kết tại phía hạ lưu cầu Phong Châu, tổ chức trinh sát nắm tình hình 2 bên bờ, khu vực dự kiến hạ thủy.