SỚM HOÀN THÀNH VIỆC CHI TRẢ HỖ TRỢ CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG THAM GIA CHỐNG DỊCH

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, các đại biểu Quốc hội ghi nhận trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm, các địa phương đã huy động toàn lực để thực hiện công tác công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên đến nay, việc chi trả hỗ trợ công tác này chưa thực hiện được hoặc chưa đầy đủ. Do đó, các đại biểu thống nhất với việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.

TỔNG THUẬT CHIỀU 07/01: ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2021/QH15 VÀ ĐỀ XUẤT NỘI DUNG ĐƯA VÀO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VIỆC CHUYỂN TIẾP MỘT SỐ CHÍNH SÁCH THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2021/QH15

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông khẳng định Nghị quyết 30/2021/QH15 ra đời đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Đại biểu nhấn mạnh, Nghị quyết này không chỉ là một sáng kiến lập pháp, mà còn hơn thế là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt. Cùng với cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách Quốc hội đã chia sẻ trách nhiệm, trao quyền của Quốc hội cho Chính phủ. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cả hệ thống chính trị và người dân Việt Nam trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế đồng tình ủng hộ, huy động được tổng lực tối đa các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, Nghị quyết 30/2021/QH15 định khung, định hình, đi trước mở đường, tạo hành lang pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, táo bạo, hiệu quả đã quyết định làm thay đổi cục diện chống dịch.

Tuy nhiên đại biểu cũng cho biết, đại dịch đã chỉ ra cho chúng ta thấy những lỗ hổng, kẽ hở trong nhiều lĩnh vực, trong cả về cơ chế, chính sách, chỉ ra nhiều việc cần phải làm, cần phải giải quyết, có những việc sẽ mất rất nhiều thời gian để giải quyết.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tổng kết toàn diện thực tiễn chống dịch và những phát sinh trong quá trình chống dịch, cả mặt tích cực, những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, ghi nhận trung thực thực trạng chống dịch với tinh thần khách quan như một chứng cứ lịch sử để làm cẩm nang cho hiện tại và mai sau. Đặc biệt, cần phải có cơ chế để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình chống dịch từ các địa phương, các bộ, ngành. Đồng thời có các cơ chế, chính sách và các giải pháp phải như một liệu pháp đủ mạnh để xốc lại tinh thần hăng say, nhiệt huyết, tinh thần xả thân vì cộng đồng của tất cả các lực lượng tham gia chống dịch, để có đủ lực lượng dự phòng để có thể ứng phó kịp thời với những vấn đề tương tự trong tương lai.

Trong tình hình hiện nay dịch vẫn còn đang diễn biến phức tạp, biến thể mới lại tiếp tục phát sinh, các đại biểu thống nhất với các kiến nghị của Chính phủ, trong đó có việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19. Đồng thời nhấn mạnh khi triển khai không được phép chậm trễ.

Đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Trước thực tế hiện nay việc thực hiện chi trả chế độ, chính sách ở một số địa phương còn khó khăn, bất cập trong việc xác định đối tượng, ngày công tham gia phòng chống dịch, ở mỗi địa phương lại có một cách thực hiện khác nhau, đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn một cách thống nhất, rõ tiêu chí để dễ triển khai thực hiện thanh toán, quyết toán chi phí phòng, chống dịch, cũng như thuận tiện trong kiểm tra, giám sát.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện chi trả đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tăng cường, điều động để tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện trước ngày 31/12/2022 mà đến nay vẫn chưa thanh toán xong; đồng thời có chính sách hỗ trợ các địa phương có khó khăn về nguồn lực để chi trả, hỗ trợ, có giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, bất cập về hồ sơ, thủ tục bảo đảm thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế và người bệnh COVID-19.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Đại biểu cũng cho rằng cần quan tâm ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường về con người để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh và khả năng phản ứng với các dịch bệnh lớn có thể xảy ra trong tương lai; cần sớm cân đối nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương, có chế độ đãi ngộ phù hợp để cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế nói riêng yên tâm cống hiến, tận tâm với nghề, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh kiến nghị cho phép thực hiện chuyển tiếp một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về các hoạt động phòng, chống dịch của cơ sở y tế và chế độ, chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh lưu ý thêm rằng việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 cần được ghi chú thêm trong dự thảo Nghị quyết về việc bảo đảm thủ tục đơn giản, rút gọn.

Đồng tình và vui mừng khi việc thanh toán cho việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã được đưa vào trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp này, tuy nhiên theo đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cần nhìn nhận lý do vì sao để chậm trễ thanh toán.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Đại biểu chỉ rõ không phải thiếu tiền, thiếu kinh phí mà vì thiếu tinh thần trách nhiệm và vì chưa rõ cần làm như thế nào, đặc biệt bị mất phương hướng sau khi có một loạt những sai phạm xảy ra. Do đó đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ mong muốn và kỳ vọng sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc này thật quyết liệt, cần phải làm ngay, đồng thời phải rõ cách làm, cụ thể cơ quan và cá nhân chịu trách nhiệm và đặt ra lộ trình thực hiện, yêu cầu những cá nhân, cơ quan có liên quan tập trung làm cho xong không để tồn đọng làm mất lòng tin của Nhân dân.

Giải trình làm rõ về nguyên nhân chưa hoàn thành thanh toán chi phí và các việc triển khai thực hiện trong thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, một đại dịch lần đầu tiên xuất hiện cho nên trong thời điểm biến chủng thay đổi, số lượng người mắc cao, nhiều tình huống phát sinh khó dự đoán, chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kể cả phác đồ điều trị cũng phải thay đổi liên tục. Cùng với đó, nhân lực làm chuyên môn y tế thiếu, phải huy động, kể cả những người hành nghề ở trong những phạm vi chuyên môn khác nhau, sinh viên và tình nguyện viên để chăm sóc cho bệnh nhân bị nhiễm COVID-19. Do đó, việc lập các giấy tờ, thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn và tình hình dịch bệnh cấp bách đòi hỏi các hoạt động phòng, chống dịch phải khẩn trương, nhanh chóng trong điều kiện không bình thường.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, việc Quốc hội cho phép kéo dài đến ngày 31/12/2023 sẽ giúp cho các cơ quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo quyền lợi, chế độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế cũng như chế độ đối với những người bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thời gian vừa qua, để tập trung cho nhiệm vụ này, Bộ Y tế đã rà soát và ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 56 về những thủ tục giải quyết chế độ nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội, đây cũng là một trong những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn về mặt quy trình, thủ tục, thực tiễn để các địa phương triển khai thực hiện./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=72248