Sôi động 'chợ' giáo án trước năm học mới
Theo kế hoạch, chỉ còn gần 1 tháng nữa, học sinh cả nước sẽ bước vào năm học mới. Thời điểm này, trên mạng xã hội lại râm ran, nhộn nhịp các 'chợ' bán hàng giáo án soạn sẵn, đủ mọi cấp học, đủ môn để phục vụ giáo viên.
“Trọn bộ tài liệu Tiếng Anh dạy thêm THPT, ôn thi tốt nghiệp 2022 (lý thuyết, bài tập, thực hành, hướng dẫn chi tiết từng câu, 11 bộ), file word phí cực rẻ cho 10 giáo viên đầu tiên”; “Giáo án đủ các môn lớp 6 sách mới theo chương trình Giáo dục phổ thông mới, bộ sách Kết nối và chân trời sáng tạo gồm toán, văn, lịch sử, địa lý, khoa học tự nhiên. Bộ sách Cánh diều gồm văn, địa lý, giáo dục công dân. Tất cả theo Công văn 5512. Thầy cô cần môn gì inbox, giáo án soạn cẩn thận đủ bài. Xem thử 1 bộ miễn phí, cả 2 bộ có mất phí”…. Đây là những lời quảng cáo, mời chào ở “chợ giáo án” trên mạng xã hội. Theo lời giới thiệu của người rao bán giáo án, họ có khả năng cung cấp giáo án các môn học, các lớp khác nhau, đáp ứng mọi yêu cầu từ dễ đến khó của các trường.
Trong vai người tìm mua giáo án, phóng viên liên hệ với một người tên Hạnh, chuyên bán giáo án trên mạng. Khi nghe giới thiệu là giáo viên ngữ văn lớp 6, Hạnh đã nói ngay: “Chị có giáo án soạn sẵn cả 3 bộ, cần bộ nào cung cấp bộ đó, giá mỗi bộ chỉ 300.000 đồng, em có thể tham khảo hoặc dùng luôn nếu … lười. Người bán cũng không quên tung thêm chương trình khuyến mại để tăng hấp dẫn, giảm ngay 50.000 đồng nếu mua trong ngày. Khi hỏi về nội dung cũng như chất lượng, người bán tên Hạnh giới thiệu là giáo viên tại Hà Nội, có 1 nhóm chuyên soạn giáo án mẫu để bán, cam kết hình thức và nội dung đúng như yêu cầu tại Công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra cho chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.
Ai kiểm tra chất lượng?
Chị T.T.H, một giáo viên tại Hà Nội cho biết, đã từng đặt mua giáo án online trên mạng với mục đích tham khảo, khi xem bài giảng mẫu được gửi thấy khá hay, chị quyết định chuyển khoản tiền theo yêu cầu để nhận file đầy đủ, nhưng đến khi nhận được cả bộ giáo án mới “ngã ngửa” khi nội dung bên trong hết sức sơ sài, hoàn toàn không thể sử dụng để tham khảo.
Thầy N.V.T, một giáo viên dạy Toán tại Hà Nội cho biết, nhiều năm trong nghề không còn lạ với khái niệm “chợ giáo án”: “Chợ giáo án có từ rất lâu, nhưng gần đây lại rầm rộ trở lại. Khi bước vào chương trình GDPT mới, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn 5512 về mẫu giáo án mới, tôi vẫn nghe đồng nghiệp nhiều nơi than thở, trường bắt soạn theo đúng y mẫu công văn, mỗi tiết học đến cả chục mặt giấy giáo án. Nhiều người không tìm hiểu kỹ để áp dụng linh hoạt thì sẽ thấy rất mệt mỏi và áp lực khi soạn giáo án theo mẫu mới này. Hơn nữa, cái gì mới cũng thường lạ và gây tâm lý hoang mang, lo lắng, không ít người bởi vậy mà tìm đến chợ giáo án, mua một bộ về tham khảo, hoặc lười hơn có thể sử dụng luôn cho đủ bộ hồ sơ”, thầy N.V.T nói.
Để biết thực hư giáo án mẫu bán công khai có thực sự chất lượng như lời quảng cáo, mới đây, thầy T cũng đã đặt mua một bộ giáo án lớp 6 môn Toán về xem thử. Những bài đầu nội dung được soạn khá cẩn thận, nhưng khi kiểm tra kỹ nội dung bên trong mới phát hiện “bình mới rượu cũ”. Giáo án có các đầu mục giống như công văn 5512 yêu cầu với chương trình GDPT mới, nhưng nội dung bên trong hoàn toàn cắt ghép theo chương trình cũ.
“Giáo án rao bán rất nhiều như bao hàng hóa thông thường khác. Để soạn một bộ giáo án cho cả năm học phải tốn không phải ít thời gian, công sức, nhưng giá mỗi bộ giáo án chỉ vài trăm nghìn đồng, liệu có bảo đảm chất lượng? Hơn nữa, ai là người kiểm định chất lượng những giáo án này? Bên cạnh đó, một điều vô lý là ngay từ tháng 4, tháng 5, khi giáo viên chưa có các mẫu sách giáo khoa của chương trình GDPT mới, thì bản thân tôi cũng đã nhận được rất nhiều lời chào mời mua giáo án mẫu theo chương trình mới từ các trang mạng”, thầy N.V.T cho biết.
Giáo viên này cho rằng, với chương trình GDPT mới, thay đổi cả về nội dung, phương thức giảng dạy, để hiệu quả, giáo viên cần bỏ ra rất nhiều thời gian công sức để nghiên cứu, tìm tòi mới có thể đáp ứng yêu cầu. Do đó, nếu hy vọng mua giáo án mẫu để khỏi phải soạn là lầm tưởng lớn của nhiều người.
Thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho rằng, giáo án cũng là một sản phẩm của trí tuệ, văn hóa, việc trao đổi, buôn bán sản phẩm này trên các nền tảng thương mại điện tử không bị cấm, xuất hiện theo xu thế tất yếu có cầu ắt có cung.
“Khi đã là xu thế tất yếu thì không thể ngăn cấm bằng những quy định cứng nhắc, nếu như nhìn nhận đây là một sản phẩm của trí tuệ, văn hóa, thì trách nhiệm thuộc về những nhà quản lý. Bởi nếu một cuốn sách, một tác phẩm vi phạm bản quyền, đăng tải những nội dung chưa được tác giả cho phép là sai thì với giáo án cũng vậy, việc mua giáo án trên mạng rất dễ gặp phải tình trạng copy chỗ này, nhặt chỗ kia, ghép vào thành một bài hoàn chỉnh”, thầy Tuấn Anh nói.
Ở một góc nhìn đa chiều hơn, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương cho rằng, trong bối cảnh hiện nay nếu tuyệt giao với các nguồn tài liệu trên mạng sẽ là lạc hậu, giáo viên cũng cần chủ động tìm kiếm những nguồn tài liệu khác nhau. Nhưng nếu bê y nguyên những giáo án trên mạng biến thành của mình với mục đích chống đối, miễn cho đủ hồ sơ thì không thể chấp nhận, là sự gian dối trong giáo dục. Bên cạnh đó, với mỗi vùng miền, mỗi đối tượng học sinh khác nhau, thì nội dung và phương pháp giảng dạy cũng sẽ đặt ra những yêu cầu khác nhau mà giáo viên cần giải quyết. Bởi vậy giáo án phải là sự sáng tạo của mỗi người thầy.
Cần sự tự giác của giáo viên hơn là quy định ép buộc
Thầy Hồ Tuấn Anh cho rằng, thực tế có những giáo viên đã dày dặn kinh nghiệm, có đến hàng chục năm đứng lớp, nên không cần phụ thuộc vào giáo án. Nhưng để đạt được đến khả năng này, trước đây, bản thân thầy cô cũng đã phải trải qua thời kỳ làm giáo án thật, nghiên cứu thật, dạy thật để có thể thoát ly giáo án khi lên lớp. Bên cạnh đó, cũng vẫn còn những giáo viên soạn giáo án sơ sài, chỉ mang tính đối phó. Làm sao để kiểm soát chất lượng của mỗi giáo án, bài giảng là bài toán khó với các cấp quản lý. Để hiệu quả, trước hết tại mỗi trường, hiệu trưởng cần có cách quản lý riêng.
Tại Trường THCS Quỳnh Phương, thầy Hồ Tuấn Anh cho biết, trường vẫn thường xuyên tổ chức cho giáo viên sinh hoạt chuyên môn, đảm bảo tính công bằng, dân chủ, tạo tinh thần phấn chấn, thoải mái nhất để có thể đưa ra ý kiến xây dựng chuyên môn. Nhà trường cũng có các quy chế chuyên môn riêng, giáo án được duyệt hàng tuần, hàng tháng và có báo cáo cụ thể. Trường cũng có quy định thưởng phạt rõ ràng khi đánh giá giáo án. Chỗ chưa đạt yêu cầu, lãnh đạo nhà trường có thể gặp riêng giáo viên hoặc họp chung để nhắc nhở.
Bên cạnh đó, việc lắng nghe phản hồi từ học sinh, phụ huynh cũng giúp lãnh đạo các trường nắm rõ hơn về thực tế giảng dạy của từng lớp học, từng giáo viên.
“Để xây dựng một đội ngũ chuyên môn có trách nhiệm, hiệu trưởng cần lắng nghe bằng “nhiều tai”, phải có chính sách thi đua, khen thưởng, động viên xếp loại cuối năm rất cụ thể, vi phạm về giáo án, giờ dạy ra sao sẽ bị đánh giá giảm xếp loại… Nhưng đây chỉ là giải pháp bề nổi trong quản lý, điều căn cốt nhất vẫn phụ thuộc vào đạo đức nghề nghiệp của giáo viên”, thầy Hồ Tuấn Anh nói.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, giáo án phải là sản phẩm của từng giáo viên, phù hợp với từng nhóm học sinh cụ thể, mỗi bài giảng thể hiện sự sáng tạo và phong cách riêng của từng nhà giáo, bởi vậy không thể mua những khuôn mẫu sẵn, dập khuôn, làm theo.
Hơn nữa, giáo viên cũng không thể học thuộc từng câu từng chữ trong những mẫu giáo án có sẵn để áp dụng vào bài giảng của mình. Khi chính các thầy cô là người yêu cầu học sinh cần trung thực, nhưng lại đi mua giáo án như mua văn mẫu là điều không nên. Việc sao chép những mẫu giáo án có sẵn là biểu hiện của sự lười biếng, thiếu sáng tạo.
Đặc biệt, trong chương trình GDPT mới, khi thay đổi về nội dung và phương pháp giảng dạy lại càng đặt ra nhiều yêu cầu hơn nữa cho giáo viên trong việc đổi mới, sáng tạo và trau dồi kiến thức chuyên môn.