Sóc Trăng khắc phục sự cố sạt lở đê sông, vỡ mang cống ngăn mặn
Hiện nay đang ở cao điểm mùa khô, tỉnh Sóc Trăng đang rất khẩn trương triển khai các giải pháp để khắc phục nhanh sự cố sạt lở đê sông Nhu Gia, vỡ mang cống Tam Sóc thuộc xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú để bảo vệ cho hơn 11.000 ha đất nông nghiệp trước sự đe dọa bởi mặn xâm nhập.
Lãnh đạo huyện Mỹ Tú cho biết, khu vực cống Tam Sóc bị sạt lở, mặn đang xâm nhập ở mức độ 1.9%o, vì vậy, cần được khắc phục khẩn cấp, bởi nếu kéo dài thì độ mặn cao tiếp tục xâm nhập sâu vào nội đồng, đe dọa đến đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực.
Cống Tam Sóc là một trong các cống chủ lực của huyện Mỹ Tú, được Trung ương đầu tư cho tỉnh năm 1995 và đưa vào sử dụng vào năm 1997, mục tiêu ngăn mặn, ngăn triều cường cho khoảng 11.400 ha đất nông nghiệp, bảo vệ dân sinh và hạ tầng công cộng cho địa bàn 4 xã Mỹ Thuận, Thuận Hưng, Mỹ Hương và xã Phú Mỹ. Sau hơn 27 năm đưa vào sử dụng, đã xuống cấp, hiện trạng thân cống đã bị chảy lòn đáy, mái tiêu năng bị sạt lở.
Cụ thể, triều cường dâng cao trong trung tuần tháng 2 vừa qua đã gây sạt lở đê sông Nhu Gia khu vực cống Tam Sóc, vỡ một đoạn mang cống Tam Sóc dài khoảng 6 mét, sâu 6 mét gây mất an toàn cống Tam Sóc, phía mang cống đối diện cũng đã bị sạt lở khoảng 6 mét, không đảm bảo ngăn mặn, ngăn triều cường phục sản xuất nông nghiệp. Đến nay, sạt lở đã rộng hơn 12 mét và sâu khoảng 6,5 mét, sụp mố cầu trên cống.
Để đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông qua lại cống, Sở Nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng đã phối hợp với địa phương làm cầu tạm để người dân và học sinh qua lại; rào cắm biển hạn chế xe 4 bánh qua khu vực sạt lở.
Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm đê sông Nhu Gia khu vực cống Tam Sóc.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, trước tình hình mặn xâm nhập tại khu vực cống Tam Sóc hết sức nguy hiểm, độ mặn trước cống đo được trên 2g/lít, để đảm bảo ngăn không để mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây thiệt hại sản xuất và dân sinh, cuối tháng 4 vừa qua, sở Nông nghiệp đã triển khai đắp đập tạm trên kênh Tam Sóc.
Đối với công tác khắc phục căn cơ, lâu dài sạt lở đoạn đê 2 bên mang cống và sửa chữa đồng bộ cống Tam Sóc, ông Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, phương án là đắp đập tạm phía trước cống (phía sông Nhu Gia) trên kênh Tam Sóc, bơm khô nước xử lý căn cơ hiện tượng chảy lòn đáy cống, sửa chữa mái đan cống… yêu cầu phải triển khai khẩn cấp để kịp hoàn thành trước tháng 10 năm nay tránh ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất trong quá trình thi công. Hiện nay, sở Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn cơ bản hoàn chỉnh phương án thiết kế công trình xử lý khẩn cấp sạt lở.
Băng: Để đảm bảo thủ tục thực hiện khẩn cấp thì sở Nông nghiệp đã có công văn ngày 19/4 trình ủy ban nhân dân tỉnh để ban hành lệnh xây dựng khẩn cấp để đủ điều kiện thực hiện khẩn cấp. Hiện nay, song song với việc thực hiện khẩn cấp thì cũng đã cho triển khai các bước rồi tiến hành đắp đập tạm, đến giờ này thì đập tạm cũng đã cơ bản.
Trong hôm nay 4/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ông Vương Quốc Nam đã tổ chức cuộc họp với sở, ngành có liên quan để nghe báo cáo các nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở nguy hiểm đê sông Nhu Gia, khu vực cống Tam Sóc, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương triển khai thực hiện khắc phục khẩn cấp tình hình sạt lở nguy hiểm và công bố lệnh khẩn cấp đê sông Nhu Gia, khu vực cống Tam Sóc để bố trí nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp trong thời gian sớm nhất.
Ông Vương Quốc Nam cũng giao sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục thống kê, rà soát, phân loại các cống đã hết hạn sử dụng trên địa bàn tỉnh để có hướng đề xuất, sửa chữa trong thời gian tới.