Sốc: Cô gái 23 tuổi, ngôi sao nổi tiếng tự kết liễu cuộc đời vì nguyên nhân không ngờ đến

Tương lai vốn rất tốt đẹp nhưng những 'kẻ bắt nạt' trên mạng đã khiến cuộc sống của họ rơi vào bế tắc.

Những vụ tự tử thương tâm vì bị bắt nạt trên mạng

Cô gái bị dân mạng buông lời miệt thị chỉ vì mái tóc nhuộm hồng. Ảnh: Weibo

Mới đây, trên South China Morning Post, hàng triệu cư dân mạng xứ Trung đã chia buồn với gia đình Zheng Linghua (23 tuổi), người đã tự sát vào ngày 23/1 sau khi bị bắt nạt trên mạng suốt 6 tháng.

"Bạn tôi, Zheng Linghua, đã rời xa chúng tôi mãi mãi vào ngày 23/1/2023", người bạn có tài khoản @Aweiweio thông báo về sự ra đi của cô gái trên Xiaohongshu vào ngày 19/2.

Cô gái trẻ đến từ miền Đông Trung Quốc đang chuẩn bị nhập học chương trình thạc sĩ tại Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc, chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc. Bất chấp sự kiểm soát nghiêm ngặt vì dịch COVID-19, Zheng Linghua vẫn quyết đến gặp người ông đang nằm viện để chia sẻ tin vui. Được biết, ông đã nuôi nấng Zheng Linghua kể từ khi cô mất mẹ lúc mới 6 tháng tuổi.

Sau khi Zheng Linghua đăng những bức ảnh chụp cùng người ông nằm liệt giường lên tài khoản Xiaohongshu của mình, cô sốc nặng bởi nhận ra bản thân trở thành mục tiêu của những "kẻ bắt nạt" trực tuyến, nguyên nhân chỉ vì mái tóc nhuộm hồng.

Những "kẻ bắt nạt" để lại bình luận gọi cô là "gái hộp đêm", "linh hồn ác quỷ" và liên tưởng kiểu tóc của cô với gái mại dâm. Thậm chí, một số người lấy ảnh của Zheng Linghua làm tài liệu quảng cáo nhằm bán các khóa học, hoặc bịa ra tin đồn về chuyện một người đàn ông lớn tuổi kết hôn với cô gái trẻ.

Ban đầu, Zheng Linghua phản ứng lại những bình luận ác ý của cư dân mạng một cách cứng rắn và mạnh mẽ, trong đó có việc tuyên bố sẽ kiện những kẻ buông lời phỉ báng. Cô cũng liên tục lên tiếng chống lại bạo lực mạng trên các tài khoản mạng xã hội của mình. Ngoài ra, cô gái trẻ đăng những câu nói tích cực về cuộc sống để "kẻ bắt nạt" thấy rằng cô không quan tâm đến điều họ nói.

Tuy nhiên, có thời điểm, Zheng Linghua đã rơi vào trạng thái thất vọng. Ngày 25/8/2022, cô đăng tải bài biết có tiêu đề "Tại sao hầu hết những người bị bắt nạt trực tuyến lại chọn cách tự kết liễu đời mình", cáo buộc các nền tảng mạng xã hội đã không có biện pháp ngăn chặn tình trạng bắt nạt trực tuyến.

Trên thực tế, một số "kẻ bắt nạt" đã đưa ra lời xin lỗi công khai nhưng Zheng Linghua cho hay cô cảm thấy khó giải quyết mọi việc. "Chúng ta nên cẩn trọng khi trò chuyện trên mạng xã hội, vì khi đã nói ra điều gì đó không hay, người ra có thể tha thứ nhưng chẳng thể quên được", Zheng Linghua nói.

Bị ám ảnh bởi những lời lẽ xúc phạm, lạm dụng trực tuyến, Zheng Linghua được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm vào tháng 7/2022. Cô đã điều trị và phục hồi nhưng tái phát bệnh sau 3 tháng.

Sau khi biết tin Zheng Linghua qua đời, không ít cư dân mạng xứ Trung đã tràn vào các tài khoản mạng xã hội của cô để bình luận, nói rằng cô không làm gì sai và trông rất xinh xắn.

"Bạn trông thật tuyệt vời với mái tóc hồng. Những kẻ bắt nạt đó chỉ là những kẻ ghét phụ nữ và ghen tị với nền tảng giáo dục tốt của bạn mà thôi", một cư dân mạng viết.

Một người khác bày tỏ sự đau buồn khi chính Zheng Linghua là người phải trả giá đắt thay vì những "kẻ bắt nạt" trực tuyến: "Người ta đang phải trả một cái giá quá nhỏ cho việc làm tổn thương người khác trên mạng".

Đáng buồn, những trường hợp bị bắt nạt trên mạng như Zheng Linghua không phải hiếm trong thế giới hiện tại.

Người thân và bạn bè vô cùng xót xa trước cái chết của Lee.

Lee Macmillan từng là blogger nổi tiếng với 74.000 lượt theo dõi trên Instagram. Ở tuổi 28, Lee được biết tới với những chuyến phiêu lưu bên chiếc xe hơi cùng bạn trai. Cả hai đã đi từ Canada đến châu Mỹ, Nam Phi... cùng chó chăn cừu.

Cuối tháng 1/2020, đôi trẻ thông báo đường ai nấy đi. Thời điểm đó, ngoài những lời an ủi, động viên, Lee trở thành đối tượng bị fan đổ lỗi, ném đá cho chuyện tình tan vỡ. Dần dần, ngôi sao mạng rơi vào trạng thái trầm cảm.

Cuối tháng 3/2021, Lee uống thuốc ngủ, kết liễu cuộc sống của mình, People đưa tin.

Sau cái chết đầy bi thảm của con gái, ông Will - cha của Lee tiết lộ rằng những người luôn tìm cách bắt nạt cô trên mạng là một nhóm nhỏ trong số 74.000 người theo dõi. Họ buông những lời chê bai, đe dọa cô trong thời gian dài.

"Thật không may, Lee phải đối mặt với những lời đả kích và nó ảnh hưởng sâu sắc đến con bé. Sự giúp đỡ của chúng tôi không đủ để con bé vượt qua được cảm xúc tiêu cực mà những kẻ đó gây ra", cha của nữ blogger du lịch nói.

Gia đình Lee hy vọng cái chết của cô có thể đưa ra ánh sáng những tác động tàn khốc mà nạn bắt nạt trên mạng có thể gây ra.

Ông Will đã tìm gặp một số quan chức trong ngành luật ở địa phương để đưa ra một số giải pháp như cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn tinh thần cho những đứa trẻ rơi vào tình trạng giống Lee. Vợ ông cũng ủng hộ quyết định nhờ pháp luật can thiệp, truy tìm những cá nhân đã tấn công con gái trên mạng.

"Bắt nạt trực tuyến có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, với bất kỳ ai. Những người tham gia vào việc này phải hiểu rằng hậu quả họ gây ra là thật", cha Lee nói.

Bạn trai hiện tại của Lee, Jordan Chiu, đã viết một lời tưởng nhớ tới nửa còn lại.

"Em là giấc mơ đẹp hơn cả những giấc mơ hoang đường nhất của anh. Em đã lấp đầy trái tim anh đến mức vỡ òa. Mỗi ngày bên em với anh là một cuộc phiêu lưu. Anh hy vọng dù ở đâu, em cũng tìm thấy tình yêu thương và sự bình yên. Yên nghỉ nhé. Anh yêu em hơn những gì em biết".

Jordan nói rằng điều mà mọi người có thể làm cho Lee lúc này là hãy truyền đi thông điệp "Sức khỏe tinh thần cũng giống như thể chất, bất kỳ ai cũng đều bị tấn công và ảnh hưởng".

Bị bắt nạt trên mạng nữ thần Nhật Bản tự tử ở tuổi 18

Kyodo đưa tin, vào ngày 30/9/2020 cùng với một người bạn nữ, Noa Tsukino (18 tuổi) cựu thành viên của một nhóm nhạc thần tượng vị thành niên đã nhảy lầu tự tử từ nóc một khách sạn ở Nagoya, tỉnh Aichi (Nhật Bản).

Trước khi xảy ra vụ việc đau lòng, Tsukino từng đăng bài ám chỉ ý định tự tử do bị bắt nạt trên mạng, nhưng sau đó cô đã nhận nhiều bình luận độc hại, trong đó có người viết rằng: "Bạn chỉ đang giả mạo".

Được biết những bài đăng ám chỉ về cái chết này bắt đầu từ tháng 9, trong đó vào ngày 27/9 là này Tsukino viết lời nhắn cuối cùng rằng cảm ơn những người đã yêu thương cô, đồng thời xác nhận quyết định kết liễu cuộc đời mình: "Điều tiếp theo tôi sẽ làm là đảm bảo mình phải chết".

Tsukino đã viết trong bức thư tuyệt mệnh, cô chỉ ra rằng bắt nạt trên mạng xã hội là nguyên nhân khiến mình chọn từ bỏ cuộc sống.

Ngày 1/10, mẹ của Tsukino đã xác nhận cái chết của con gái khiến giới trẻ phẫn nộ và không ngừng lên án những người từng chỉ trích Tsukino, đặc biệt là người bình luận gọi cô là "kẻ giả mạo" trên Twitter - hiện nhận xét này hiện đã bị xóa.

Trong đó các fans quá khích đã bắt 1 đồng nghiệp nữ tại quán cà phê hầu gái nơi Tsukino từng làm việc bán thời gian quỳ xuống cầu xin tha thứ sau cái chết của cựu thần tượng.

Nói về việc làm này, mẹ của Tsukino rất lo sợ những hành động trả thù như vậy sẽ tạo ra thêm nhiều nạn nhân hơn và kêu gọi mọi người dừng các bài đăng tấn công: "Đây không phải là những gì con gái tôi muốn".

Đồng thời, tại Nhật Bản lời kêu gọi thay đổi luật pháp liên quan đến bắt nạt trên mạng ở Nhật Bản đang ngày càng gia tăng.

Diễn viên Hàn Quốc Sulli và Goo Hara

Cuối năm 2019, hai ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc là Sulli và Goo HaraGoo HaraGoo Hara đã chọn cách kết liễu cuộc đời sau thời gian dài vật lộn với chứng trầm cảm gây chấn động làng giải trí. Cả hai đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần trước những bình luận công kích ác ý trên mạng xã hội. Sự ra đi bằng hình thức cực đoan của những người nổi tiếng đã gây chấn động mạnh và thu hút sự quan tâm của công chúng Hàn Quốc đối với vấn đề bắt nạt trên mạng xã hội.

Anh Jeon Min-su - cảnh sát Seoul, Hàn Quốc - cho biết: "Thông thường, những tổn thương do bạo lực thể xác đều có thể được điều trị và hồi phục. Nhưng bạo lực trực tuyến là một vấn đề lớn hơn vì nó không thể được điều trị theo cách đó và đôi khi thậm chí có thể dẫn đến tử vong".

Bắt nạt mạng còn khủng khiếp hơn với bắt nạt trực tiếp

Sự khác biệt giữa bắt nạt trên mạng và ngoài đời lại tạo ra những vấn đề nghiêm trọng hơn. Cụ thể, hành động của người bắt nạt có thể tàn nhẫn và dai dẳng hơn gấp nhiều lần khi không trực tiếp chứng kiến nỗi đau khổ của nạn nhân.

Điều đáng sợ của hành vi bắt nạt qua mạng so với bắt nạt trực tiếp là trong hầu hết trường hợp nạn nhân bị nhiều người tấn công hơn và không biết ai là người tấn công mình. Trước đây, người ta cho rằng đối tượng bị bắt nạt qua mạng là thanh thiếu niên, nhưng ngày nay thực tế cho thấy người trưởng thành cũng bị bắt nạt qua mạng rất nhiều.

Sau cái chết của hai ca sĩ nổi tiếng trên, các trang thông tin điện tử hàng đầu của Hàn Quốc là Naver và Daum đã đóng phần bình luận cho các tin bài thể thao và giải trí để hạn chế tình trạng bình luận ác ý. Cơ quan chức năng Hàn Quốc cũng thúc đẩy các dự luật liên quan, đồng thời triển khai các chương trình giáo dục vào trường học để tránh việc những người trẻ tuổi như sinh viên, học sinh trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của bắt nạt qua mạng.

Một quốc gia Đông Bắc Á khác là Nhật Bản cũng đã sửa đổi luật nhằm đơn giản hóa thủ tục pháp lý để nhận diện các đối tượng bắt nạt nặc danh trên mạng. Ngoài ra, người bị kết tội xúc phạm, lăng mạ người khác trên mạng có thể phải ngồi tù lên đến 1 năm, phạt tiền lên tới 300.000 Yen, tương đương khoảng 50 triệu đồng.

Việc tăng nặng hình phạt đối với với hành vi xúc phạm, lăng mạ người khác trên không gian mạng được coi là bước đi quan trọng của Nhật Bản nhằm giải quyết vấn nạn bắt nạt trên mạng Internet.

Lên án cái xấu, bảo vệ cái tốt là điều đúng đắn. Nhưng thế nào là tốt - xấu, đúng - sai thì không phải ai cũng có khả năng và chức năng nhiệm vụ đưa ra nhận định.

Việc định tội cho một cá nhân luôn phải trải qua quá trình điều tra, tố tụng nghiêm ngặt và đúng quy định pháp luật để đảm bảo quyền công dân, tính chính xác, nghiêm minh, công bằng. Không ai có quyền lên tiếng phán xét và tuyên án một người khi pháp luật chưa xác định họ có tội.

Ngày hôm nay ngồi gõ bàn phím phán xét người khác nhưng ai dám chắc ngày mai bạn không trở thành nạn nhân của đám đông? Một xã hội ứng xử văn minh là khi mọi thành viên đều ứng xử tôn trọng, có trách nhiệm với bản thân mình và với người khác, dù ở ngoài đời sống hay trên không gian mạng và đặt tinh thần thượng tôn pháp luật lên hàng đầu.

Đội tuyển nữ đối đầu với ai trước khi dự World Cup 2023

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/soc-co-gai-23-tuoi-ngoi-sao-noi-tieng-tu-ket-lieu-cuoc-doi-vi-nguyen-nhan-khong-ngo-den-172230223095354429.htm