Sở Tài chính Tuyên Quang buông lỏng để Trường Đại học Tân Trào sử dụng 11,55 tỉ sai quy định
Từ năm 2018 - 2021, Trường Đại học Tân Trào đã sử dụng thanh quyết toán kinh phí chi thường xuyên theo định mức cao hơn so với số sinh viên thực tế nhập học số tiền 11,55 tỉ đồng.
Ngày 15/12, Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học đã đăng bài viết "Phơi bày hàng loạt sai phạm tài chính tại Trường Đại học Tân Trào sau thanh tra" sau khi Thanh tra tỉnh Tuyên Quang ban hành Kết luận thanh tra số 09/KL-TTr về trách nhiệm của Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang), Hiệu trưởng Trường phổ thông Tuyên Quang trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.
Trường Đại học Tân Trào không chỉ để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý tiền mặt, thu học phí, quản lý tiền hỗ trợ chi phí học tập mà còn vướng nhiều sai phạm khác trong quản lý tiền bán hồ sơ mời thầu và tiền thanh lý tài sản, thanh toán tiền công, tiền lương lao động hợp đồng...
Chi sai ngân sách
Theo kết quả kiểm tra, phân tích số liệu trên báo cáo tài chính của Trường Đại học Tân Trào từ năm 2017 đến năm 2021 cho thấy, tiền bán hồ sơ mời thầu, tiền thanh lý tài sản từ các năm trước lũy kế đến thời điểm Đoàn thanh tra kiểm tra xác minh, Trường Đại học Tân Trào chưa nộp ngân sách Nhà nước theo quy định số tiền 73.548.202 đồng...
Ngoài ra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí miễn giảm học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP và Nghị định 81/2021/NĐ-CP tại Trường Đại học Tân Trào từ năm 2018 - 2021, trường đã quyết toán với ngân sách Nhà nước cao hơn số sinh viên thực tế phát sinh đủ điều kiện được miễn giảm học phí số tiền 2.708.306.500 đồng.
Số tiền 2.708.306.500 đồng hàng năm Trường Đại học Tân Trào đã chi cho mục đích khác và hạch toán trích vào các quỹ.
Không những vậy, kiểm tra đối chiếu số liệu sinh viên hệ đào tạo do ngân sách Nhà nước cấp kinh phí chi thường xuyên cho thấy, từ năm 2018 - 2021, Trường Đại học Tân Trào đã sử dụng thanh quyết toán kinh phí chi thường xuyên theo định mức (400.000đ/sinh viên/tháng) cao hơn so với số sinh viên thực tế nhập học số tiền 11.550.000.000 đồng.
Số tiền 11.550.000.000 đồng hàng năm Trường Đại học Tân Trào đã sử dụng cho các nội dung chi thường xuyên và trích lập các quỹ.
Kết luận thanh tra nhấn mạnh, Sở Tài chính Tuyên Quang thiếu kiểm tra để Trường Đại học Tân Trào từ năm 2018 - 2021 sử dụng 11,55 tỉ đồng sai quy định.
Ký hợp đồng lao động và thanh toán tiền lương không đúng quy định
Tính đến thời điểm tháng 10/2022, Trường Đại học Tân Trào đã ký hợp đồng lao động với 53 người làm chuyên môn nghiệp vụ không đúng quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ, có trường hợp thiếu chặt chẽ.
Trong quá trình Đoàn thanh tra thực hiện công tác thanh tra, Trường Đại học Tân Trào vẫn tiếp tục hợp đồng và chi tiền lương cho các hợp đồng lao động được nêu cụ thể tại Báo cáo số 410/BC-SNV ngày 2/11/2022 của Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Văn bản số 4758/UBND-NC ngày 16/11/2022 về việc giải quyết đề nghị của Trường Đại học Tân Trào, yêu cầu khắc phục những tồn tại theo báo cáo.
Tổng số tiền đã chi trả cho các Hợp đồng lao động ký sai quy định có trường hợp thiếu chặt chẽ, không thực hiện nghiêm các kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền với số tiền chi 10.419.503.533 đồng. Trong đó, Phòng khám đa khoa 3.706.704.734 đồng; khoa Y Dược 2.751.425.475 đồng; các khoa, phòng chuyên môn khác: 3.961.373.324 đồng.
Đáng chú ý, tại khoa Y Dược , tổng số tiền đã chi trả tiền công, tiền lương, bảo hiểm xã hội cho 13 hợp đồng lao động số tiền 2.751.425.475 đồng.
Số hợp đồng lao động không đúng quy định 13 giảng viên, trong khi vị trí việc làm "giảng viên giảng dạy các bộ môn học thuộc nhóm ngành sức khỏe" được cấp có thẩm quyền phê duyệt 8 người làm việc. Khoa hiện có 6 người làm việc là viên chức.
Mức tiền lương lao động hợp đồng được đang được thực hiện chi trả cho 13 hợp đồng lao động nêu trên, người cao nhất số tiền 24,9 triệu đồng/người/tháng, người thấp nhất số tiền 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Có một số giảng viên là tiến sĩ, thạc sĩ Dược học không có tên trong danh sách theo dõi chấm công hàng ngày tại khoa Y Dược, có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội ký hợp đồng giảng dạy tại Khoa Y Dược, Trường Đại học Tân Trào đã chi trả lương hàng tháng từ những năm 2019, 2020 đến nay chưa thực hiện giảng dạy (do các lớp khối chăm sóc sức khỏe đang học các môn học đại cương, chưa học các môn chuyên ngành).
Có giảng viên nhận lương hàng tháng từ khi ký hợp đồng tháng 9/2019 đến tháng 8/2020 chưa giảng dạy đã chấm dứt hợp đồng lao động.
Ngoài 53 hợp đồng lao động tại các khoa, phòng được Sở Nội vụ kiểm tra báo cáo, còn 2 hợp đồng lao động, Trường Đại học Tân Trào ký hợp đồng lao động và thanh toán tiền lương, tiền công không đúng quy định.
Chi trùng 2 lần tiền hỗ trợ, không minh bạch trong việc thanh quyết toán tiền thu hút nguồn nhân lực
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra những sai phạm của Trường Đại học Tân Trào trong thanh toán tiền thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ giảng viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Theo đó, Trường Đại học Tân Trào đã quản lý, sử dụng, thanh quyết toán tiền thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao và hỗ trợ giảng viên đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn không đúng quy định của Luật Kế toán, luật Ngân sách Nhà nước và một số Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang, chi trùng 2 lần hỗ trợ với tổng số tiền 1.740.081.000 đồng (trong đó để ngoài sổ sách kế toán, lập chứng từ thanh quyết toán nhưng không chi tiền cho giảng viên, thu hồi tiền của giảng viên khi chuyển công tác số tiền 528.794.000 đồng).
Qua kiểm tra, xác minh và làm việc trực tiếp với các giảng viên ngày 27/9/2022 được hưởng tiền hỗ trợ có tồn tại một số nội dung sau:
Thanh quyết toán cho giảng viên không kịp thời (chúng từ chi được lập và quyết toán từ các năm 2017, 2018 nhưng một số giảng viên đến năm 2020 mới được chi trả) có trường hợp giảng viên đã bỏ việc, chuyển công tác nhưng Trường Đại học Tân Trào vẫn lập danh sách thanh toán tiền hỗ trợ.
Không minh bạch trong việc thanh quyết toán, bù trừ tạm ứng quỹ tiền mặt không rõ ràng thiếu công khai, thanh toán lòng vòng qua nhiều khâu (chuyển tiền từ tài khoản tại Kho bạc Nhà nước sang tài khoản trung gian mở tại Ngân hàng thương mại, sau đó rút tiền mặt về Trường mới chi trả, không thực hiện chuyển trực tiếp vào tài khoản cá nhân của các giảng viên) để xảy ra tình trạng một số giảng viên có kiến nghị phản ánh không được thanh toán đầy đủ.
Có một số giáo viên chỉ là hợp đồng lao động chưa là viên chức trong biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được Trường Đại học Tân Trào cử đi học nâng học cao trình độ chuyên môn trong nước (trình độ Tiến sĩ).
Trong quá trình đi học được nhà trường chi trả lương hàng tháng và chi hỗ trợ kinh phí đi nâng cao trình độ chuyên môn theo chế độ quy định tại Nghị quyết số 47/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao và hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của trường.
Sau khi có bằng Tiến sĩ, Trường Đại học Tân Trào tiếp tục làm hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí chi trả chế độ thu hút theo Nghị quyết số 34/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về cơ chế chính sách thu hút giảng viên trình độ cao và khuyến khích sinh viên cho Trường Đại học Tân Trào.
Theo quy định tại điểm b, khoản 1, mục II của chính sách hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao và hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ theo Nghị quyết số 47/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của Hội đồng Nhân dân tỉnh: "Đối với các ngành còn lại, hỗ trợ số tiền đào tạo Tiến sĩ 55 lần mức lương tối thiểu". Thực tế, nhà trường đã chi hỗ trợ 90 tháng lương tối thiểu/1 giảng viên.
Liên quan đến sai phạm này, Thanh tra tỉnh Tuyên Quang xác định, trách nhiệm sai phạm thuộc về ông Nguyễn Bá Đức - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào; ông Bùi Mạnh Dũng - Trưởng phòng Kế Hoạch - Tài vụ; ông Phạm Hồng Thuận - thủ quỹ nhà trường; bà Nguyễn Thị Duyên - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài vụ.