Sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm 2024

BHG - Sáng 10.7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp dự và chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Hà Giang có lãnh đạo Sở Tư pháp và đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh.

6 tháng đầu năm, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện thống nhất với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”; bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; các chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 292 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); các địa phương ban hành hơn 1.500 VBQPPL cấp tỉnh, 1.000 VBQPPL cấp huyện và 810 VBQPPL cấp xã. Tổ chức thẩm định 12 điều ước quốc tế; góp ý 132 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; cấp 4 ý kiến pháp lý cho các Hiệp định vay nước ngoài. Tiếp tục đổi mới hình thức phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, góp phần đưa pháp luật đến với người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm chi phí và có sức lan tỏa rộng rãi. Tập trung nguồn lực, triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Công tác Thi hành án dân sự, đã thi hành xong trên 400.000 việc, tăng 21.711 việc (tăng 5,68% so với cùng kỳ năm 2023), đạt tỷ lệ 65,24%.

Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành và địa phương đánh giá khách quan kết quả thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm. Trên cơ sở đó thảo luận về giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới tập trung vào một số nội dung: Công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục và tổ chức thi hành pháp luật; Quản lý, xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; Công tác thi hành án dân sự nhất là thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; công tác số hóa lĩnh vực hộ tịch, lý lịch tư pháp...

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Bộ và toàn ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. Tập trung thực hiện tốt Đề án số 06 và Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Tư pháp giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp đáp ứng với yêu cầu đặt ra. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bồi thường nhà nước; lý lịch tư pháp. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm; đồng thời kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc, đạt kết quả cao trong triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao...

Tin, ảnh: Văn Long

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202407/so-ket-cong-tac-tu-phap-6-thang-dau-nam-2024-8b263da/