Số công trình, đô thị xanh tăng trưởng gấp 2 lần
Số lượng công trình đạt chứng nhận xanh ở Việt Nam trong 14 năm qua liên tục tăng, riêng năm 2024 tăng trưởng mạnh với 163 công trình, gấp hơn 2 lần so với năm 2023.
Thông tin được đưa ra trong Báo cáo tổng quan thị trường công trình xanh Việt Nam 2024 do hệ thống chứng nhận Edge và Tổ chức tài chính quốc tế IFC, thành viên của Ngân hàng thế giới (World Bank) phát hành. Sự phát triển trên đang phản ánh phần nào xu hướng quan tâm đến yếu tố bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Bởi, để được công nhận là công trình xanh, ngoài các tiêu chí bền vững về xây dựng thiết kế, vật liệu thi công, các dự án cần phải đáp ứng hiệu suất môi trường, vận hành tiết kiệm năng lượng.
Đến nay, Việt Nam có 559 công trình với 13,6 triệu m2 diện tích sàn được chứng nhận xanh. Trong đó, Chứng chỉ EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) chiếm tỷ lệ lớn nhất (41,80%) tổng số lượng công trình xanh. Tiếp đó là Chứng chỉ LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) và chứng nhận Green Mark.

Việt Nam có 559 công trình với 13,6 triệu m2 diện tích sàn được chứng nhận xanh.
Cụ thể, TP.HCM diện tích sàn đạt chứng nhận xanh cao nhất, với 3,406,387m2, tiếp đó là Hà Nội với 2,161,328m2, và Bình Dương với 1,589,517m2 sàn xây dựng. Bắc Ninh và Hải Phòng xếp thứ 4 và 5 với diện tích sàn đạt chứng nhận xanh là 848.249m2 và 844.632m2.
Xếp hạng theo tỉnh thành, TP.HCM là địa phương đứng đầu về diện tích được chứng nhận xanh trong năm 2024, với 3,4 triệu m2 sàn, tiếp sau là thành phố Hà Nội, các tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Đồng Nai, Hà Nam, Long An và Bình Định. Chỉ riêng 3 địa phương dẫn đầu đã chiếm hơn một nửa tổng diện tích sàn đạt chứng nhận Xanh tại nước ta.
Theo tính toán của IFC, các công trình xanh sẽ tiết kiệm cho chủ đầu tư từ 20 - 40% chi phí vận hành mỗi tháng nhờ thiết kế thông minh, quy trình vận hành được tính toán kỹ. Nhờ vậy, công trình xanh của chung cư còn giúp người sử dụng tiết kiệm nhiều chi phí sinh hoạt từ điện, nước tới các dịch vụ công cộng khác.
Loại hình chung cư xanh vẫn đóng góp vào tăng trưởng hàng năm của thị trường công trình xanh tại Việt Nam, nhưng đang có dấu hiệu sụt giảm trong khoảng 4 năm gần đây do các tác động tiêu cực và ảnh hưởng chung lên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, báo cáo của IFC cũng ghi nhận chung cư xanh đang trên đà phục hồi với diện tích sàn chung cư xanh năm 2024 (khoảng 541.570m2) xấp xỉ mức đỉnh vào các năm 2019 và 2020.
Các công trình công nghiệp xanh được ghi nhận tăng trưởng rõ rệt và mạnh mẽ trong 2 năm gần đây khi có tham gia của loại hình nhà kho xanh (Warehouse), song song với sự phát triển đều đặn của loại hình nhà máy (Industrial Factory). Việc dịch chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam cũng như đẩy mạnh công nghiệp hóa, mở rộng sản xuất và hoạt động kho vận tại Việt Nam là lý do chính cho việc các công trình công nghiệp xanh tăng trưởng mạnh (chiếm hơn 50% diện tích sàn xanh hàng năm vào các năm 2023 và 2024).
Năm 2024 cũng chứng kiến quy mô các dự án văn phòng đạt chứng nhận Xanh nhiều nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, loại hình công trình bán lẻ bắt đầu gây chú ý trong 2 năm qua khi các chuỗi bán lẻ đang tìm cách xanh hóa các dự án của mình. Tương tự là loại hình công trình giáo dục với sự gia tăng của các dự án trường học xanh, đại học xanh tại Việt Nam tiếp cận các chứng nhận công trình xanh. Loại hình công trình lưu trú, nghỉ dưỡng xanh vẫn giữ mức tăng ổn định và đều đặn trong 4 năm gần đây.
Theo các chuyên gia, sự gia tăng công trình xanh là tín hiệu đáng mừng. Vấn đề đặt ra hiện nay là Việt Nam chưa ban hành văn ban quy phạm pháp luật về một bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh thống nhất, mà chủ yếu đang vận dụng các bộ công cụ quốc tế. Theo Tiến sĩ - Kiến trúc sư. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, công trình xanh là vấn đề địa phương nên không thể áp dụng máy móc kinh nghiệm các nước hàn đới vào Việt Nam. Hệ thống đánh giá này phải được xây dựng trên một hệ thống chứng thực rõ ràng, lấy phương thức định lượng để kiểm tra hiệu quả, đồng thời đưa ra thị trường những hạn chế và quy định, thúc đẩy nghiên cứu các yếu tố môi trường trong quá trình thiết kế, vận hành, quản lý và bảo vệ, hướng kiến trúc.
Bà Thuận đề xuất, Bộ Xây dựng sớm hoàn thiện và nâng cấp hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Nghiên cứu các tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đến vật liệu, thiết kế lắp đặt trang thiết bị công trình, đánh giá hiệu quả năng lượng của vật liệu và thiết bị, hiệu quả năng lượng của tòa nhà. Đồng thời xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chứng nhận công trình xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam; bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng cho công trình xanh.
Tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozone, Chính phủ yêu cầu: Đến năm 2030, ngành Xây dựng phải giảm 74,3 triệu tấn CO2 tương đương (chiếm 13% so với tổng lượng giảm phát thải) đối với quá trình công nghiệp và sử dụng năng lượng trong sản xuất vật liệu xây dựng, tòa nhà.
Lĩnh vực xây dựng công trình có liên quan chặt chẽ với nhiều khâu. Bởi vậy, việc phát triển công trình xanh sẽ thúc đẩy các chuỗi cung ứng vật liệu, thiết bị cũng như nguồn nhân lực tư vấn quy hoạch, thiết kế, xây dựng theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn xanh.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/so-cong-trinh-do-thi-xanh-tang-truong-gap-2-lan-ar926776.html