'Siết' đấu giá đất để ngăn sai phạm

Đại diện Bộ Tư Pháp khằng định, không 'nhân nhượng' với mong muốn hợp pháp hóa các lô đất có sai phạm đấu giá, đồng thời sắp tới sẽ triển khai hình thức đấu giá trực tuyến để minh bạch hoạt động đấu giá.

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, tháng 2/2022, Cục Bổ trợ tư pháp ban hành Kết luận thanh tra về việc tổ chức bán đấu giá tài sản của Công ty đấu giá hợp danh Đông Á. Kết luận chỉ ra hàng loạt vi phạm trong việc tổ chức bán đấu giá đối với tài sản là quyền sử dụng đất tại khu chăn nuôi xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, vào cuối tháng 9/2021.

Theo đó, trong số 48 thửa đất trúng đấu giá chỉ có 22 thửa thực hiện theo đúng pháp luật; 22 thửa đất còn lại, Công ty đấu giá hợp danh Đông Á đã cho người không đủ điều kiện đấu giá tham gia đấu giá; 4 thửa khác không đủ điều kiện đưa ra bán đấu giá.

Với những sai phạm này, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp quyết định xử phạt hành chính Công ty Đông Á tổng cộng 45 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là hủy kết quả đấu giá đối với 10 thửa đất. Cơ quan quản lý nhà nước cũng yêu cầu UBND huyện Đan Phượng có văn bản không công nhận, phê duyệt kết quả đấu giá đối với 16 thửa đất đã được Đông Á tổ chức bán đấu giá không đúng quy định của pháp luật.

 Bà Nguyễn Thị Mai, Cục phó Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp).

Bà Nguyễn Thị Mai, Cục phó Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp).

Đáng chú ý, sai phạm xảy ra tại Công ty đấu giá hợp danh Đông Á có phần trách nhiệm của UBND huyện Đan Phượng, do ban hành phương án đấu giá đất vi phạm quy định Luật Đấu giá tài sản. Vì vậy, Cục Bổ trợ tư pháp kiến nghị UBND Hà Nội xem xét trách nhiệm của lãnh đạo và cán bộ UBND huyện Đan Phượng có liên quan. Ngày 5/4/2022, UBND huyện Đan Phượng có báo cáo, đề nghị Bộ Tư pháp không hủy và không thực hiện giải pháp không công nhận kết quả trúng đấu giá các lô đất trên với lý do, những người trúng đấu giá đã chuyển nhượng, nếu hủy kết quả sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi nhiều người, phát sinh vấn đề phức tạp.

Chiều 28/10, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3, bà Nguyễn Thị Mai, Cục phó Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) khẳng định, không có chuyện Bộ Tư pháp và Cục Bổ trợ tư pháp “nhân nhượng” với mong muốn hợp pháp hóa với 26 lô đất có sai phạm đấu giá tại huyện Đan Phượng (Hà Nội)

 Khu đất đấu giá tại huyện Đan Phượng có nhiều vi phạm.

Khu đất đấu giá tại huyện Đan Phượng có nhiều vi phạm.

Theo bà Mai, sau khi kết luận thanh tra được đưa ra, trên cơ sở ý kiến của UBND huyện Đan Phượng về việc những người trúng đấu giá đất đã chuyển nhượng cho người khác, nếu hủy đấu giá sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, Cục Bổ trợ tư pháp đã cử đoàn công tác xuống làm việc và có văn bản yêu cầu UBND huyện này thực hiện đúng theo kết luận thanh tra.

Xét kiến nghị của huyện Đan Phượng về việc xử lý đối với 26 lô đất, ngày 21/9/2022, Cục Bổ trợ tư pháp đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội đề nghị quan tâm, chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra.

Chúng tôi không nhân nhượng, mà thẩm quyền hủy kết quả đấu giá hiện nay thuộc về UBND TP Hà Nội và UBND huyện Đan Phượng, không thuộc thẩm quyền của đoàn thanh tra hay của Cục Bổ trợ tư pháp.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Nguyễn Thị Mai, hình thức đấu giá trực tuyến đã được quy định trong Luật Đấu giá tài sản hiện hành và đến nay đã có 8 Doanh nghiệp đủ điều kiện đấu giá trực tuyến; có doanh nghiệp đã thực hiện đấu giá lên tới 2 ngàn tỉ. Sửa đổi Luật Đấu giá, dự thảo sẽ tiếp tục quy định hình thức đấu giá trực tuyến. “Nếu nền tảng tốt và nhân sự tốt thì hạn chế về cơ bản tiêu cực trong đấu giá tài sản vì người tham gia không tiếp xúc trực tiếp với nhau, mỗi người có 1 tài khoản, được cấp mã định danh và trả giá trên phần mềm trên mã định danh được cấp đó… Luật cũng sẽ có những quy định cụ thể khuyến khích hơn đối với đấu giá trực tuyến.

Hồng Vân

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-phap-luat/siet-dau-gia-dat-de-ngan-sai-pham-130706.html