Siết đào tạo từ xa

Từ sau ngày 12/2/2024, các ngành thuộc khối sức khỏe và sư phạm sẽ chính thức không được đào tạo từ xa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành Thông tư số 28 về Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học (ĐH) thay thế cho Thông tư số 10 ban hành năm 2017. Theo quy chế mới, các trường không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Đào tạo thực hành có ý nghĩa quan trọng trong ngành y. Ảnh: ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Đình chỉ đào tạo nếu không đáp ứng yêu cầu

Theo Thông tư 28, hình thức đào tạo từ xa là có 50% tổng khối lượng của chương trình đào tạo trở lên được thực hiện theo một hoặc kết hợp giữa các hình thức đào tạo từ xa gồm mạng máy tính và viễn thông, thư tín, phát thanh - truyền hình.

Về thời gian, chương trình đào tạo từ xa có kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa theo các tiến độ học tập khác nhau để định hướng cho người học nhưng không ngắn hơn so với hình thức đào tạo chính quy.

Thông tư cũng nêu rõ những yêu cầu tối thiểu để thực hiện đào tạo từ xa. Theo đó, cơ sở đào tạo thực hiện chương trình đào tạo từ xa đối với những ngành đã có quyết định mở ngành và đã tuyển sinh tối thiểu 3 khóa liên tục theo hình thức chính quy. Về đội ngũ giảng viên, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý, phải đủ về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu đồng thời đã được bồi dưỡng về kỹ năng, phương pháp giảng dạy và quản lý đào tạo từ xa. Ngoài ra, cơ sở đào tạo phải bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, học liệu và đáp ứng quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến đối với giáo dục ĐH của Bộ GDĐT.

Các trường sẽ bị đình chỉ đào tạo từ xa từ 6 tháng đến 1 năm nếu không đáp ứng được một trong các yêu cầu tối thiểu theo quy định.

Đảm bảo chất lượng đào tạo

Nhiều sinh viên y khoa của Trường Đại học Y Hà Nội cũng khẳng định những kiến thức, kỹ năng học được trong quá trình thực hành, thực tập tại bệnh viện là vô cùng cần thiết. PGS.TS Trần Danh Cường - Trưởng bộ môn Phụ sản (Trường ĐH Y Hà Nội) cho biết ngoài việc luôn cập nhật kiến thức mới để bài giảng phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, của ngành y và nhu cầu của người học, ông còn luôn tạo điều kiện giúp sinh viên tiếp cận các trường hợp đặc biệt trong bệnh viện để các em nắm từng ca, từng bệnh và hướng dẫn các em làm cách nào để giúp người bệnh tốt nhất.

“Dạy học thông qua các ca lâm sàng là cách khiến sinh viên nắm được bài giảng tốt nhất, dễ hình dung nhất về nghề nghiệp mình sẽ theo đuổi sau này. Đồng thời trình độ, năng lực của giảng viên, người dạy cũng được bộc lộ rõ ràng nhất thông qua các tình huống thực tế. Với cách làm này cũng giúp thúc đẩy sự thay đổi, làm mới kiến thức thường xuyên của giảng viên cũng như tìm kiếm phương pháp truyền đạt làm sao “đi vào lòng người” thay vì sở hữu khối kiến thức lớn nhưng giảng dạy nhàm chán, thiếu hấp dẫn thì cũng khó tạo ra hiệu quả trong giảng dạy” - ông Cường cho hay.

Chia sẻ quan điểm này, BS Nguyễn Trần Kiên (Trường ĐH Y Hà Nội) cho rằng, đào tạo khối ngành sức khỏe có những đặc thù riêng, không chỉ cần học trực tiếp mà nhiều khi phải cầm tay, chỉ việc tận nơi nên việc thực tập, thực hành liên tục tại cơ sở khám, chữa bệnh là cần thiết. Đơn cử, học đo huyết áp cũng cần phải được thực hành, giảng viên hướng dẫn và quan sát để biết người học đo đúng hay sai, thậm chí nhiều người phải thực hành nhiều lần mới thao tác đúng. Nếu đào tạo từ xa sẽ khó đảm bảo chất lượng.

Tương tự đối với ngành sư phạm, ngoài những kiến thức chuyên môn việc thực hành, thực tập là rất quan trọng. Bởi nhiều tình huống sư phạm xảy ra trong thực tiễn đòi hỏi những kỹ năng, phương pháp xử lý đặc biệt mà nếu đào tạo từ xa sẽ khó mà đảm bảo chất lượng.

GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội từng chia sẻ nghiên cứu về mô hình đào tạo giáo viên “lâm sàng” giống như trường y. Đó là sinh viên sư phạm được đào tạo trong chính môi trường nhà trường phổ thông, mô hình trên thế giới đã làm và ngay tại Việt Nam, những năm 1976 - 1987 đã có mô hình thực nghiệm “vừa học vừa làm” của GS Nguyễn Cảnh Toàn thực nghiệm trong 10 năm. Điều này giúp sinh viên được thực tập nhiều, rèn luyện vững về tâm lý, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, ứng xử trong môi trường học đường… trước khi tốt nghiệp, chính thức trở thành giáo viên.

Quy định mới của Bộ GDĐT nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội bởi sư phạm và sức khỏe là hai khối ngành có tính đặc thù nghề nghiệp cao, do con người thực hiện với trực tiếp tác động tới con người. Trong đó, ngành sư phạm là nghề dạy người, lao động của giáo viên được xem là lao động đặc biệt, khi đối tượng, công cụ, quy trình và sản phẩm đều do con người thực hiện và trực tiếp tác động đến con người.

Đào tạo từ xa tạo điều kiện cho mọi người có thể nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người ở mọi nơi, mọi lúc, qua đó góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội. Tuy nhiên, đào tạo từ xa vẫn còn những hạn chế, chưa thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng trong việc đào tạo đội ngũ người thầy trong bối cảnh hiện nay.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/siet-dao-tao-tu-xa-10270941.html