Shark Khoa: 'Con đường ngắn nhất để thành công là đường đến nhà sách'

Doanh nhân Lê Đăng Khoa có sở thích đi nhà sách mỗi cuối tuần. Thói quen ấy giúp anh học nhiều kiến thức mới, có nhiều gợi ý trên con đường kinh doanh.

Doanh nhân Lê Đăng Khoa. Ảnh: HTV.

Lê Đăng Khoa - Chủ tịch quỹ Le Group Ventures - là doanh nhân trẻ tuổi nhất chương trình Shark Tank Việt Nam. Anh cũng là người luôn đề cao sự học khi đồng hành cùng sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM với Quỹ học bổng Lê Đăng Khoa, hỗ trợ sinh viên liên tục 5 năm.

Doanh nhân, Đại sứ văn hóa đọc TP.HCM Lê Đăng Khoa chia sẻ với ZNews - Tri thức về vai trò của sách và việc học trên con đường phát triển bản thân.

"Sách là người thầy ai cũng có thể tiếp cận được"

- Anh từng nói rằng “con đường ngắn nhất để thành công là đường đến nhà sách”, anh có thể chia sẻ thêm về trải nghiệm của bản thân, vì sao anh có kết luận này?

- Thật ra tôi nghĩ đó là quan điểm cá nhân của tôi. Năm nay tôi 41 tuổi thì cũng bắt đầu đọc sách từ những năm tháng còn rất nhỏ, bản thân tôi suốt hơn 30 năm qua đã tìm được rất nhiều giải pháp, rất nhiều điều hay ý đẹp từ sách vở. Tôi có một sở thích là cuối tuần đi nhà sách. Thật sự đó là một thói quen đã giúp tôi học được rất nhiều kiến thức mới, những điều hay và cũng giúp cho tôi có nhiều gợi ý trên con đường kinh doanh của mình.

- Theo anh, thói quen đọc sách có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân và sự chuyên nghiệp của một người như thế nào?

- Tôi nghĩ sách là một phương tiện mình hay gọi là affordable, nghĩa là rất rẻ, rất dễ tiếp cận để cho chúng ta gần như có thể hoàn thiện lượng kiến thức của mình. Học, học nữa và học mãi, đó là một châm ngôn mà tôi rất thích. Chúng ta sống càng lâu chúng ta càng nên đọc nhiều, học nhiều.

Nó không chỉ giúp chúng ta thông minh hơn hay giỏi hơn đâu. Tôi nghĩ điều quan trọng là nó sẽ giúp chúng ta nới rộng những sợi dây xung quanh mình và cách thức chúng ta nhìn thế giới cũng thay đổi, theo hướng đúng đắn hơn, cũng như đa sắc, đa màu hơn. Bản thân tôi cảm nhận rất rõ điều đó, nên nó cũng mang lại cho tôi một niềm yêu thích vô cùng lớn đối với sách.

Doanh nhân Lê Đăng Khoa tại buổi khai mạc Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Khương Nguyễn.

- Đối với những vấn đề trong cuộc sống, trong kinh doanh, sách có phải là người người bạn/người thầy giúp anh tìm được hướng đi?

- Là một doanh nhân nên tôi chủ yếu đọc sách về kinh tế, kinh doanh, tâm lý học. Gần đây tôi thích đọc sách về lịch sử và tôn giáo. Những cuốn sách hay, có ý nghĩa với tôi thì nhiều lắm. Ví dụ, hồi trẻ thì tôi có cuốn The Outliners (Những kẻ xuất chúng), rồi Từ tốt đến vĩ đại, Chiếc lexus và cây oliu, Việt Nam sử lược…

Trong tất cả công ty của tôi đều có một kệ sách. Có những cuốn sách tôi bắt buộc các bạn nhân viên hay cấp quản lý của tôi phải đọc. Bởi vì đối với tôi, sách vở ngoài tính chất định hướng, nó còn mang rất nhiều thông tin hữu ích như những phương cách trong kinh doanh, trong đầu tư, trong tài chính. Sách là người thầy, người cô vô cùng tuyệt vời mà gần như bất cứ ai cũng có thể tiếp cận được. Vấn đề là chúng ta có đủ kiên nhẫn đủ nghị lực để đọc sách mỗi ngày hoặc thậm chí định kỳ hay không?

- Với anh, điều quan trọng trong việc đọc sách là gì?

Đọc sách giúp chúng ta nới rộng những sợi dây xung quanh mình và cách thức chúng ta nhìn thế giới cũng thay đổi, theo hướng đúng đắn hơn, cũng như đa sắc, đa màu hơn.

Doanh nhân Lê Đăng Khoa

- Đối với tôi thì sách vở là một phương tiện hữu ích. Tôi nghĩ quan trọng là tinh thần học hỏi, quan sát và khả năng tự nhận thức. Chúng ta phải biết được bản thân muốn học kiến thức gì, chúng ta đang thiếu cái gì để tìm kiếm thêm những kiến thức đó.

Những kiến thức đó không chỉ có ở trong sách. Trong thời đại công nghệ phát triển, chúng ta càng có nhiều cơ hội để tìm kiếm thông tin kết hợp với việc đọc sách, thông qua nhiều kênh khác nhau. Ngoài đọc sách ra thì bản thân tôi cũng học được rất nhiều từ kênh YouTube. Tôi nghĩ chúng ta có thể học được nhiều điều bổ ích nếu chịu khó tiếp cận với những bậc đàn anh đàn chị, những bậc cha chú để nghe chia sẻ kinh nghiệm từ họ, thông qua sách hay bất kỳ phương tiện nào khác.

Mua 3, 4 quyển sách hay một lúc để tặng

- Phong trào lì xì sách đang ngày càng phổ biến, anh nghĩ như thế nào giữa việc tặng sách và việc khuyến khích đọc sách trong cộng đồng?

- Tôi nghĩ đó là một ý tưởng trên cả tuyệt vời. Cá nhân tôi thì rất hay mua sách để sẵn ở nhà. Đặc biệt là những cuốn sách hay, tôi thường mua 3, 4 quyển một lúc để nhiều khi có khách tới nhà tôi sẽ tặng cho họ. Ở khía cạnh nào đó nó cũng là một dạng lì xì sách. Nó không nhất thiết là phải đến Tết, xuân sang mới lì xì, nhưng đầu năm là một dịp tuyệt vời để chúng ta trao tặng nhau cuốn sách.

Lê Đăng Khoa thường xuyên tặng sách, cũng thích nhận sách như một món quà. Ảnh: NVCC.

Khi những cuốn sách được trao đi, tình yêu sách từ người này có thể lan qua những người khác. Tôi nghĩ là một trong những điều mà chúng ta dễ dàng thấy được nhất, đó là tính chất phổ cập hóa về đọc sách trong toàn dân. Thứ hai nữa là chúng ta có thể tiếp sức cho một phong trào hoàn toàn mới, rất văn minh, rất hữu ích. Về bản chất, nó cũng như việc gieo những hạt giống tri thức trong cộng đồng.

- Khi tặng sách, anh sẽ chọn những cuốn sách như thế nào?

- Tôi sẽ tùy theo từng người. Ví dụ có những người bạn mà tôi biết họ đang quan tâm về vấn đề kinh doanh thì tôi sẽ chọn những cuốn sách về kinh tế, kinh doanh để tặng. Có nhiều người bạn thích về tâm lý, đời sống, lịch sử… thì mình sẽ lựa chọn những cuốn đó. Nói chúng, chúng ta nên hiểu về bạn của mình, người mà mình tặng. Mình nên đầu tư, để tâm tìm những quyển sách, những cuốn sách đẹp, tựa đề sách phù hợp với họ. Mình nên tặng người ta quyển sách làm theo mình thì ta sẽ đọc.

- Anh có thường được tặng sách không?

Chắc chắn là có rồi. Đối với tôi thì tôi thích nhận một cuốn sách hơn, đặc biệt là những cuốn sách thuộc lĩnh vực mà tôi yêu thích. Tôi nghĩ đó là món quà tuyệt vời nhất ngày Tết, dịp đầu năm.

Thanh Trần

Nguồn Znews: https://znews.vn/sach-la-mon-qua-tuyet-voi-nhat-ngay-tet-post1459982.html