Sẽ triển khai hiệu quả các cơ chế để nâng tầm hợp tác trên các lĩnh vực

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vừa trả lời báo chí sau chuyến thăm 4 quốc gia Đông Âu của Tổng Bí thư Tô Lâm, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa và kết quả nổi bật của chuyến công tác này.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

* Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Azerbaijan, Cộng hòa Belarus, dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa qua có ý nghĩa đặc biệt như thế nào?

* Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Có thể nói, chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hết sức thành công, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Bên cạnh việc mở ra chương mới cho hợp tác với các nước bạn bè truyền thống thuộc Liên Xô cũ, chuyến công tác không chỉ củng cố mà còn làm mới, định vị lại quan hệ với các nước trên nền tảng tình hữu nghị lâu đời đã được vun đắp qua các thế hệ. Chuyến thăm cũng là dịp đặc biệt để chúng ta chuyển tải thông điệp về tình cảm thủy chung, trước sau như một của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đối với các nước đã từng hết lòng ủng hộ sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của Việt Nam ngày nay. Lãnh đạo cấp cao và người dân các nước đã dành cho Tổng Bí thư Tô Lâm, phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tình cảm chân thành, sự đón tiếp nồng ấm, trọng thị với nhiều biệt lệ.

* Với ý nghĩa đặc biệt đó, chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những kết quả quan trọng nào, thưa Bộ trưởng?

* Trong thời gian 8 ngày tại 4 quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác đã có hơn 80 hoạt động dày đặc, phong phú. Chuyến công tác có những kết quả nổi bật như sau:

Thứ nhất, chuyến công tác đã góp phần triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Chúng ta đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược với Kazakhstan, Azerbaijan và Belarus, đưa tổng số nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam lên con số 37; đồng thời làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, qua đó tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, khai mở các hướng triển khai mới các lĩnh vực hợp tác cho tương xứng với tầm mức của quan hệ trong kỷ nguyên phát triển mới.

Thứ hai, Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo cấp cao các nước đều khẳng định coi trọng và đặt ưu tiên cao đối với quan hệ bạn bè hữu nghị truyền thống được “tôi luyện” qua thăng trầm của thời gian và lịch sử, nhưng vẫn luôn kề vai sát cánh trong đấu tranh giành độc lập trước đây và công cuộc phát triển đất nước ngày nay, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển khó lường.

Thứ ba, các cuộc tiếp xúc quan trọng giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với lãnh đạo cấp cao các nước đã định hình quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước trong thời gian tới, tạo nên xung lực mới không chỉ trong các khuôn khổ hợp tác truyền thống mà cả những lĩnh vực mới, nhiều tiềm năng, tương xứng với tầm vóc quan hệ được thiết lập mới.

Thứ tư, trên bình diện đa phương, trong thời gian tới, chúng ta sẽ thấy rõ hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước tại các tổ chức khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc và tổ chức khác. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Việt Nam và các nước Kazakhstan, Azerbaijan, Liên bang Nga và Belarus đã cũng đã ký khoảng 60 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp trong những lĩnh vực như: ngoại giao, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, năng lượng, giáo dục - đào tạo, hàng không…, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để quan hệ giữa Việt Nam và các nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn.

Nhân dịp tham dự lễ Kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng có các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với nguyên thủ, lãnh đạo các nước để trao đổi các ưu tiên trong phát triển quan hệ.

* Với thành công này, xin Bộ trưởng cho biết Việt Nam sẽ có những biện pháp cụ thể nào để hiện thực hóa kết quả của chuyến công tác?

* Thời gian tới, các cấp của Việt Nam và đối tác sẽ phối hợp tích cực, chặt chẽ, bám sát tinh thần các tuyên bố chung, thỏa thuận hợp tác và nhận thức chung của các lãnh đạo cấp cao, trong đó tập trung một số phương diện chính sau:

Một là, thường xuyên trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh, bao gồm thúc đẩy hợp tác giữa các chính đảng và tăng cường phối hợp hiệu quả, tích cực giữa chính phủ, quốc hội các nước, đồng thời nâng cao vai trò của các ủy ban liên chính phủ giữa Việt Nam và các đối tác.

Hai là, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác để nâng tầm hợp tác thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Sau chuyến thăm, các bên sẽ tích cực trao đổi, phối hợp để cụ thể hóa các văn kiện hợp tác đã ký kết.

Về kinh tế, thương mại, đầu tư, Việt Nam sẽ cùng các đối tác phối hợp tốt ở cả bình diện song phương thông qua cơ chế ủy ban liên chính phủ và qua cơ chế đa phương như Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), hướng tới cải thiện môi trường kinh doanh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp các bên đầu tư, kinh doanh lâu dài vào thị trường của nhau. Việt Nam cũng sẽ cùng các đối tác nghiên cứu, tìm hiểu để mở rộng, đa dạng hóa các mặt hàng xuất nhập khẩu, đồng thời phát triển kết nối giao thông, vận tải đa phương thức để tăng cường xúc tiến thương mại, bảo đảm tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của các bên...

Ba là, tăng cường giao lưu Nhân dân giữa Việt Nam và các nước thông qua các hoạt động trao đổi văn hóa, nghiên cứu, giáo dục - đào tạo, du lịch... Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục chăm lo đời sống cộng đồng người Việt Nam tại các nước và ngược lại, tạo điều kiện cho người dân các nước đến học tập, làm việc, du lịch tại Việt Nam, để các thế hệ sau hiểu và tiếp tục đóng vai trò cầu nối, vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, lịch sử giữa Việt Nam và các nước.

Bốn là, duy trì phối hợp, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế, diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc. Việt Nam sẵn sàng là cầu nối để các quốc gia tăng cường hợp tác với ASEAN và khu vực Đông Nam Á, đồng thời mong rằng các đối tác sẽ là cầu nối giúp Việt Nam tăng cường hợp tác, kết nối với các khu vực khác.

Những kết quả đạt được trong chuyến công tác sẽ là cơ sở quan trọng, là động lực và là nguồn cảm hứng để Việt Nam và các nước tiếp tục kế thừa, phát huy và nâng tầm quan hệ hữu nghị truyền thống, đóng góp vào sự phát triển của mỗi nước, vì lợi ích của Nhân dân, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Theo BÍCH QUYÊN (SGGP)

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/se-trien-khai-hieu-qua-cac-co-che-de-nang-tam-hop-tac-tren-cac-linh-vuc-131415.aspx