Sẽ có quy trình kiểm soát toàn bộ các khâu sản xuất sầu riêng

Cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho hay, đang phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để xây dựng quy trình kiểm soát chặt chẽ toàn bộ các công đoạn trong quá trình đóng gói nông sản nói chung và sầu riêng nói riêng.

Trung Quốc chấp nhận thêm hơn 800 vùng trồng

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vừa chính thức phê duyệt thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam.

Việc mở rộng danh sách này tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các địa phương và doanh nghiệp cần chủ động tận dụng cơ hội này, đồng thời bảo đảm nghiêm túc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm nhằm xuất khẩu sầu riêng một cách bền vững.

Ngày 11/7/2022, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật (KDTV) đối với quả sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã ký kết.

Ngay sau đó, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã làm việc với các địa phương trồng sầu riêng trong cả nước, phổ biến quy định, hướng dẫn xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói đạt chuẩn

Cục đã gửi hồ sơ 1.604 vùng trồng và 314 cơ sở đóng gói sầu riêng cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC); trong đó có 708 vùng trồng, 168 cơ sở đóng gói đã được phê duyệt. Do có vi phạm trong quá trình xuất khẩu, thời gian qua GACC đã tạm dừng hoạt động đối với một số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Trung Quốc vừa cấp thêm hơn 800 vùng trồng sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường nước này

Trung Quốc vừa cấp thêm hơn 800 vùng trồng sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường nước này

Từ cảnh báo và yêu cầu thị trường, hoạt động sản xuất và xuất khẩu sầu riêng đã có sự thay đổi. Thông tin từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ngày 21/5/2025, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tiếp tục phê duyệt thêm 829 vùng trồng, 131 cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Một điểm khác biệt so với các mặt hàng truyền thống khác của Việt Nam (xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu...) xuất khẩu sang Trung Quốc, là phía GACC thực hiện kiểm tra thực tế (trực tiếp hoặc trực tuyến) với tất cả các vùng trồng, cơ sở đóng gói của Việt Nam trước khi phê duyệt mã số và cấp phép xuất khẩu.

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh có thể xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia, tuy nhiên từ sau khi ký Nghị định thư sầu riêng với Trung Quốc thì có hơn 90% sản lượng sầu riêng Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường của quốc gia này.

Tuy nhiên, từ khi nhận được thông tin cảnh báo của nước bạn về phát hiện vàng O trong sầu riêng, Cục cũng đã tổ chức hội thảo với tất cả các cơ sở đóng gói nhằm quán triệt và yêu cầu các đơn vị cam kết không sử dụng bất kỳ chất nhuộm màu nào trong quá trình xử lý sầu riêng. Các cơ sở sau đó đã triển khai biện pháp vệ sinh toàn diện khu vực đóng gói để loại bỏ nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tuy vậy, để thực hiện nghiêm túc và triệt để, vẫn cần sự nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa từ các bên liên quan, đặc biệt là trong việc nâng cao nhận thức về các hành vi bị cấm và các quy định pháp luật hiện hành trong xuất nhập khẩu sản phẩm thực phẩm.

Doanh nghiệp phải chung tay quản lý vùng trồng

Hiện nay, Cục đang phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để xây dựng quy trình kiểm soát chặt chẽ toàn bộ các công đoạn trong quá trình đóng gói nông sản nói chung và sầu riêng nói riêng. Quy trình này sẽ được ban hành trong thời gian tới, với nội dung kiểm soát từ đầu vào đến trước khi sản phẩm xuất xưởng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Cục sẽ xây dựng một hệ thống kiểm soát đồng bộ từ mã số vùng trồng đến cơ sở đóng gói, nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, Cục đang soạn thảo thông tư quy định về quản lý sầu riêng từ khâu sản xuất đến trước khi xuất khẩu; và trình dự thảo công điện Chính phủ với các chỉ đạo và giải pháp tổng thể cho mặt hàng này.

Song song đó, Bộ cũng đang xây dựng kế hoạch để làm căn cứ pháp lý, kỹ thuật và khoa học, phục vụ cho quá trình đàm phán với các thị trường nhập khẩu. Mục tiêu là khơi thông các điểm nghẽn, tạo nền tảng phát triển bền vững cho ngành hàng sầu riêng – loại trái cây đang giữ vai trò chủ lực và được mệnh danh là “vua của các loại trái cây”.

Đặc thù lớn nhất của thị trường Trung Quốc là khó đoán, quy định thường thay đổi nhanh và ngay nên rất khó khăn trong ứng phó; thương nhân nước này tham gia rất sâu vào chuỗi thu mua và phân phối sầu riêng, ngay cả ở Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp, vùng trồng, cơ sở đóng gói chỉ quan tâm và coi trọng việc đăng ký cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng mà không quan tâm đến duy trì các vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật được quy định tại Nghị định thư.

Tình trạng giả mạo, mua bán mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vẫn diễn ra dẫn đến việc không thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cần. Đặc biệt, không kiểm soát được chất lượng sầu riêng.

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng cảnh báo việc thu hoạch khi trái chưa đạt độ chín sinh lý, trái non, già và chạy theo lợi nhuận dẫn đến nhiều lô hàng sau khi xuất sang Trung Quốc được phản ảnh sầu riêng bị sượng. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng, hình ảnh và thương hiệu của sầu riêng Việt Nam.

Tuyết Nhung

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/se-co-quy-trinh-kiem-soat-toan-bo-cac-khau-san-xuat-sau-rieng-post612433.antd