Hiệu quả nguồn vốn tín dụng trong tái cơ cấu nông nghiệp ở Gia Lai
Tín dụng ngân hàng đang tiếp cận nông thôn tỉnh Gia Lai, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp. Những điểm giao dịch lưu động đến tận vùng xa cùng thủ tục vay vốn ngày càng được đơn giản hóa đang mở ra cơ hội tiếp cận vốn dễ dàng hơn cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Chị Rơ Lan Thuen, người dân tộc Jarai ở làng Dọch Krót, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Krăi (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) là tấm gương vượt khó thoát nghèo. Xuất thân từ gia đình nghèo, vợ chồng chị khởi nghiệp cùng vài sào rẫy. Năm 2005, vợ chồng chị vay 30 triệu đồng từ Agribank - Chi nhánh tỉnh Gia Lai để trồng cà phê. Nhờ chăm chỉ học hỏi và lao động cần cù, 4 năm sau, vườn cà phê nhà chị thu gần 5 tấn nhân. Tích lũy được vốn, gia đình chị mở rộng sản xuất, trồng cao su, cà phê, sầu riêng. Khu vườn 7 ha cây trồng, đến nay đã có 5 ha mang lại nguồn thu nhập ổn định. Vợ chồng chị Rơ Lan Thuen đã xây được nhà mới.

Mô hình chăn nuôi bò.
Chị Thuen bày tỏ, nhờ có nguồn vốn vay ngân hàng, vợ chồng chị mới có thể đầu tư sản xuất, thoát khỏi nghèo đói: “Năm 2020, gia đình gom tiền mua thêm 2 ha rẫy cà phê vì thấy cà phê mới mua toàn những cây già cỗi, thu hoạch không có năng suất nên chúng tôi đã nhổ đi và đầu tư trồng mới. Để có thêm thu nhập trên một diện tích đất canh tác, chúng tôi tiến hành trồng xen vào cây sầu riêng nữa. Như vậy, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn trồng một loại cây”.

Nhiều hộ dân vay vốn ngân hàng trồng tiêu và cà phê.
Ông Rơ Lan Huăn, người dân tộc Jarai ở làng Cúc, xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) là điển hình vượt khó vươn lên từ hai bàn tay trắng. Trước đây, gia đình ông sống dựa vào làm lúa rẫy, săn bắt và khai thác lâm sản, thường xuyên thiếu đói, phải nhận gạo cứu trợ vào mùa giáp hạt. Cuộc sống gia đình ông có nhiều thay đổi từ khi ông đầu tư vào trồng điều, vừa được hỗ trợ giống, vừa ít tốn công chăm sóc.
Với 3 ha cây điều, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 150 triệu đồng. Có được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Agribank, ông Rơ Lan Huăn tiếp tục đầu tư trồng thêm các loại cây cao su, cà phê, sầu riêng, từng bước nâng cao thu nhập. Hiện gia đình ông còn có đàn bò 9 con.

Nông dân tỉnh Gia Lai thu hoạch cà phê.
Ông Huăn cho biết thêm, tất cả vườn cây và đàn bò hôm nay đều nhờ nguồn vốn vay ngân hàng: “Trước đây, gia đình vay bên ngân hàng 200 triệu đồng để mua giống cây cà phê, sầu riêng. Sau một thời gian chăm sóc, gia đình cũng có nguồn thu ổn định. Từ những loại cây trồng này, khi có tiền rồi, tôi cũng làm được ngôi nhà. Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho người dân chúng tôi phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống".

Từ nguồn vốn vay ngân hàng nhiều hộ đầu tư mô hình sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Hiện nay, hơn 4.270 hộ dân tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai vay vốn từ Agribank với tổng dư nợ vượt 1.000 tỷ đồng, trong đó hơn 1.200 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn vốn vay này chủ yếu đầu tư vào trồng cây công nghiệp và chăn nuôi.
Bà Nguyễn Thị Lành, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ia Grai cho biết, nhờ hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi của Nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng, nhiều hộ dân đã từng bước thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
“Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Ia Grai đã hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng này đã góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới" - bà Nguyễn Thị Lành cho biết.
Tại tỉnh Gia Lai, nguồn vốn tín dụng phát huy hiệu quả trong tái cơ cấu nông nghiệp. Dịch vụ ngân hàng đã đến gần người dân hơn nhờ việc mở điểm giao dịch lưu động, phục vụ tận các xã xa trung tâm, giúp bà con giao dịch thuận tiện, tiết kiệm chi phí và thời gian. Thủ tục vay vốn cũng được rà soát và đơn giản hóa, dễ thực hiện, phù hợp với trình độ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những thay đổi này không chỉ giúp bà con thuận tiện hơn trong giao dịch mà còn tạo điều kiện giúp mọi người dễ tiếp cận vốn vay, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Ông Đào Thanh Tịnh, Phó Giám đốc Agribank Gia Lai.
Ông Đào Thanh Tịnh, Phó Giám đốc Agribank Gia Lai cho biết, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn e ngại khi tiếp cận vốn vay do chưa quen với thủ tục ngân hàng. Từ thực tế đó, Agribank Gia Lai triển khai mô hình “một cửa” tại các điểm giao dịch cơ sở, công khai minh bạch phí và hỗ trợ người dân hoàn tất thủ tục từ đầu đến khi giải ngân. Ngân hàng cũng phối hợp với chính quyền, các hội đoàn thể ở địa phương như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và các tổ trưởng có uy tín để tuyên truyền chính sách, làm cầu nối giữa ngân hàng với người dân.
Ông Đào Thanh Tịnh cho biết thêm: “Chúng tôi ưu tiên hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ, sản phẩm tín dụng ưu đãi đặc thù như cho vay theo Nghị định 55/2015, Nghị định 116/2018, cho vay tái canh cà phê, cho vay xây dựng nông thôn mới… để hỗ trợ bà con mở rộng sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống. Chúng tôi đẩy mạnh mô hình cho vay qua Tổ vay vốn. Đây là kênh dẫn vốn hiệu quả, là nơi bà con hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay trong sản xuất".
Tính đến ngày 30/4, tỉnh Gia Lai đã thành lập 461 tổ vay vốn với 18.800 thành viên, dư nợ cho vay đạt 713 tỷ đồng. Những tổ vay vốn này đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nguồn vốn tín dụng đến tay người dân. Nhờ những cải cách mạnh mẽ trong quy trình vay vốn, người dân Gia Lai giờ đây có thể tiếp cận nguồn tín dụng dễ dàng và nhanh chóng hơn. Đây chính là động lực quan trọng giúp họ vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững và phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, việc tiếp cận vốn cũng đang góp phần vào quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương, hướng tới một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững hơn, mở ra cơ hội làm giàu cho người dân vùng cao.