Hàn Quốc: Kiểm toán phòng ngừa đối với dự án hạ tầng xã hội
Theo thống kê, ngân sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng xã hội (SOC - Social Overhead Capital) của Chính phủ Hàn Quốc đều tăng theo mỗi năm. Tuy nhiên, hiệu quả tổng thể của các dự án SOC đang bị suy giảm do nhiều nguyên nhân. Để chủ động giải quyết các vấn đề này, Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc (BAI) đã thực hiện các cuộc kiểm toán phòng ngừa đối với các dự án SOC nhằm xác định, loại bỏ yếu tố rủi ro ở từng giai đoạn trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Mô hình Phân tích rủi ro các dự án SOC. Ảnh: ST
Nhiều rủi ro
Tại Hàn Quốc, SOC bao gồm khoảng 60 loại hạ tầng thiết yếu, quan trọng đối với sự phát triển của đất nước như đường bộ, đường sắt, cảng, đập, trường học và các cơ sở phúc lợi xã hội... Do vậy, các dự án SOC thường được dành nguồn ngân sách lớn để đầu tư xây dựng. Ước tính, trong năm 2024, đã có khoảng 59.000 tỷ Won, tương đương với hơn 42,1 tỷ USD, được Chính phủ và các địa phương chi cho các dự án SOC.
"Hệ thống quản lý các dự án đầu tư quy mô lớn như SOC" là 1 trong 20 lĩnh vực rủi ro cao được xác định, tính đến năm 2024.
Tuy nhiên, ngân sách cho SOC thường được coi là khoản chi tiêu tùy ý, dựa trên quyết định của Nhà nước có thực hiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới hay không. Do cần một khoản đầu tư lớn ngay từ giai đoạn đầu xây dựng và chi phí vận hành cao, phát sinh trong thời gian dài thực hiện nên khi bắt đầu một dự án SOC, các cơ quan liên quan sẽ phải chịu một gánh nặng tài chính đáng kể. Điều đó mang lại nhiều rủi ro trong công tác quản lý của Chính phủ Hàn Quốc.
Để hạn chế điều này, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai “Hệ thống Đảm bảo dự án” cho các dự án SOC. Theo đó, một tổ chức độc lập sẽ kiểm tra các yếu tố rủi ro ở từng giai đoạn của dự án. Chỉ khi các rủi ro của một giai đoạn được loại bỏ, ngân sách cho giai đoạn tiếp theo mới được phê duyệt.
Tương tự như Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ Hoa Kỳ (GAO), BAI xác định các lĩnh vực rủi ro cao và đánh giá rủi ro trong tương lai từ góc độ trung hạn. 20 lĩnh vực rủi ro cao đã được xác định tính đến năm 2024, trong đó có “Hệ thống quản lý các dự án đầu tư quy mô lớn như SOC”.
Theo BAI, số lượng các khoản đầu tư vào SOC của Chính phủ Hàn Quốc đang tăng lên hằng năm, tuy nhiên, hiệu quả tổng thể của các dự án SOC lại bị suy giảm do ngày càng có nhiều dự án SOC được miễn đánh giá tính khả thi, dẫn đến nhiều dự án không khả thi hoặc không mang lại hiệu quả như mong đợi. Bên cạnh đó, nhiều dự án bị trì hoãn so với kế hoạch ban đầu do quản lý kém hiệu quả hoặc do các khiếu nại dân sự làm cản trở tiến độ.
Ba chiến lược kiểm toán đối với các dự án SOC
Để chủ động giải quyết các rủi ro này, BAI thực hiện các cuộc kiểm toán phòng ngừa nhằm xác định và loại bỏ các yếu tố rủi ro của các dự án SOC ở từng giai đoạn trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, BAI đã áp dụng ba chiến lược kiểm toán chính đối với các dự án SOC.
Một là, kiểm toán phòng ngừa để kiểm soát rủi ro ở từng giai đoạn xây dựng dự án SOC: BAI loại bỏ các rủi ro trước khi chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo. Điều này giúp ngăn chặn các vấn đề như chất lượng thi công kém, lãng phí ngân sách, tai nạn…
Thứ hai, tập trung kiểm toán các dự án thuộc danh mục “rủi ro cao”: BAI sử dụng phương pháp giám sát định lượng và định tính để xác định các dự án có mức độ rủi ro cao nhất và ưu tiên kiểm toán các dự án này.
Thứ ba, tận dụng nguồn lực kiểm toán nội bộ trong các tổ chức công để mở rộng phạm vi kiểm toán: Đối với các dự án SOC không thể kiểm tra toàn diện do hạn chế về nguồn lực kiểm toán, BAI phối hợp với các đơn vị kiểm toán nội bộ trong các tổ chức công để thực hiện kiểm toán. Điều này giúp giảm thiểu những lỗ hổng kiểm toán có thể xảy ra.
Năm 2022, BAI đã thiết lập Hệ thống Kiểm toán tích hợp (IAS - Integrated Audit System) để thực hiện ba chiến lược kiểm toán trên, qua đó, giúp tối ưu hóa nguồn lực kiểm toán, tăng cường hiệu quả giám sát và đảm bảo các dự án SOC được thực hiện một cách minh bạch và hiệu quả.
Bên cạnh đó, để tăng cường kiểm tra rủi ro ở từng giai đoạn của các dự án SOC, BAI còn sử dụng thêm một số công cụ kiểm toán như: Mô hình Phân tích rủi ro nhằm định lượng điểm rủi ro của từng dự án SOC, Cẩm nang kiểm toán xây dựng, Đội ngũ hỗ trợ kiểm toán kỹ thuật, Mô hình kiểm toán hợp tác cho dự án SOC...
Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện thành công kiểm toán các dự án SOC, đại diện BAI cho biết, trước tiên, cần tập trung lựa chọn dự án mục tiêu để kiểm toán. Với Mô hình Phân tích rủi ro, sau khi tiến hành phân tích và giám sát rủi ro, BAI sẽ ưu tiên kiểm toán các dự án được phân loại là rủi ro cao.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản trị hợp tác trong kiểm toán công. Do các dự án SOC có thể phát sinh rủi ro ở nhiều giai đoạn khác nhau bởi nhiều cơ quan thực hiện, nguồn lực kiểm toán bị hạn chế nên cần phải thiết lập mô hình hợp tác với các đơn vị kiểm toán nội bộ trên cơ sở xây dựng niềm tin; phát hiện và phổ biến các trường hợp hợp tác thành công; cung cấp hỗ trợ thể chế...
BAI liên tục cải tiến, nâng cấp các công cụ thiết kế kiểm toán SOC như mô hình phân tích rủi ro và mô hình kiểm toán hợp tác, để thích ứng với những thay đổi trong chính sách SOC và công nghệ xây dựng. Đồng thời, BAI đầu tư mạnh mẽ hơn vào việc hỗ trợ các đơn vị kiểm toán nội bộ, nâng cao năng lực kiểm toán, nhằm tối ưu hóa hiệu quả kiểm toán và quản lý rủi ro trong các dự án SOC.
Những yếu tố trên sẽ giúp hệ thống kiểm toán của BAI hoạt động hiệu quả hơn, đảm bảo tính minh bạch và tối ưu hóa nguồn lực kiểm toán trong các dự án cơ sở hạ tầng xã hội./.