Sẽ có mắt sinh học tinh hơn mắt người

Với việc cấy ghép mắt giả sinh học trực tiếp, các nhà khoa học đã lấy lại ánh sáng cho một phụ nữ Tây Ban Nha bị mù trong 16 năm. Dự án mở ra triển vọng mang lại ánh sáng cho hàng triệu người mắc bệnh mù lòa trong tương lai.

Nữ bệnh nhân mù 16 năm nhìn được nhờ mắt sinh học

Nữ bệnh nhân Bernardeta Gomez (57 tuổi) người Tây Ban Nha bị mù 16 năm do bệnh thần kinh thị giác do độc tố đã phá hủy các bó dây thần kinh liên thông mắt với não khiến bà bị mù hoàn toàn. Sau 16 năm sống trong bóng tối, giờ đây, bà Gomez đã nhìn thấy cửa sổ nhà mình nhờ một con mắt bionic do nhà thần kinh học người Tây Ban Nha công tác tại ĐH Miguel Hernandez (UMH) - TS. Eduardo Fernandez phát triển. Hệ thống Fernandez đang nghiên cứu tại UMH là hệ thống mắt giả sinh học (Bionic Eye) bao gồm nhiều chi tiết khác nhau.

Trước tiên là một cặp kính được gắn camera kết nối máy tính. Máy tính chuyển nguồn cấp dữ liệu video trực tiếp của máy ảnh thành tín hiệu điện tử. Tín hiệu này sau đó được gửi qua một cáp đến một cổng ở phía sau hộp sọ của nữ bệnh nhân Gomez. Cổng đó kết nối với một bộ cấy trong vỏ thị giác não của Gomez. Quá trình này hoàn thành trong 6 tháng trước để kiểm chứng khả năng tương tác của mắt sinh học trước khi quyết định tháo bỏ 100 điện cực đã được cấy ghép. Vì vậy, trong thời gian này, Gomez phải đến phòng thí nghiệm 4 lần/tuần để kiểm tra độ phân giải của hệ thống với thế giới xung quanh. Những gì Gomez nhìn thấy đã giúp bà đủ để xác định các chữ cái, ánh sáng và con người.

TS. Fernandez cho hay, hiện ông và các cộng sự tiếp tục nghiên cứu để ngăn chặn cấy ghép xuống cấp khi nó nằm trong cơ thể và thử nghiệm toàn bộ hệ thống trên nhiều người nữa. “Dự kiến sẽ cấy ghép thêm cho 5 người mù khác và ở động vật như mèo, khỉ và xa hơn là mang lại ánh sáng cho hơn 36 triệu người trên toàn thế giới bị mù, giúp họ đỡ bị thiệt thòi”, TS. Fernandez kỳ vọng.

Mắt sinh học giúp mang lại ánh sáng cho người mù.

Mắt sinh học giúp mang lại ánh sáng cho người mù.

Sẽ có thế hệ mắt sinh học tinh hơn cả mắt người

Fernandez không phải là nhà khoa học duy nhất phát triển mắt bionic mà trước ông đã có những nỗ lực tương tự như của TS.BS phẫu thuật Alex Shortt ở Bệnh viện Mắt Optegra (OEH), Anh cùng các cộng sự, cho ra đời một con mắt sinh học hiệu quả, có cả dây thần kinh thị giác, thậm chí có khả năng nhìn được cả vào ban đêm.

TS. Ziyong Fan ở Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HUSK) vừa tiết lộ rằng, trong tương lai, khoa học sẽ cho ra đời nhiều bộ phận giả, trong đó có mắt giả sinh học có tầm nhìn tốt hơn mắt người thật. Thực chất đây là một võng mạc nhân tạo ba chiều có chứa một dải dày đặc dây nano cực nhạy ánh sáng. Một nghiên cứu mới của TS. Ziyong Fan vừa được công bố trên tạp chí Nature cuối tháng 5/2020, cho ra đời một mô hình mới mắt giả sinh học siêu nhạy. Mắt được lót một lớp màng oxit nhôm cong với các cảm biến siêu nhỏ làm từ perovskite, vật liệu nhạy quang từng được sử dụng trong pin mặt trời.

TS. Ziyong Fan cho biết, hiện tại, nhóm đề tài của ông vẫn đang làm việc, chưa chứng minh được đầy đủ tiềm năng về độ phân giải nhưng chắc chắn độ tinh tường của mắt nhân tạo HUSK có thể nhìn thấy các vật thể nhỏ và khoảng cách xa. Hiện nhóm đề tài còn rất nhiều việc phải làm để kết nối nó với hệ thống thị giác của con người. Hy vọng tương lai không xa, mắt bionic của HUSK sẽ có mặt trên thị trường, trả lại ánh sáng cho hàng triệu người, giúp họ có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Khắc Hùng

((Theo TRC/Futurism))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/se-co-mat-sinh-hoc-tinh-hon-mat-nguoi-n175275.html