Sau tết, giá thực phẩm 'neo' cao

Sau tết Nguyên đán, hơn 20.000 đồng/mớ rau cải, vài nhánh rau thơm cũng tiêu tốn hàng chục nghìn đồng. Không chỉ có giá rau, củ, quả tăng mà giá các loại thịt, thực phẩm chế biến cũng có xu hướng tăng nhẹ so với trước tết.

Theo ghi nhận của phóng viên, từ ngày 11/2 (tức ngày mùng 2 Tết) một số chợ dân sinh đã bắt đầu hoạt động phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đến ngày 15/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), dù đã qua đợt nghỉ tết nhưng giá thực phẩm vẫn “neo” ở mức cao.

Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn thành phố Lào Cai, các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã được bày bán phong phú trở lại. Giá một số mặt hàng tăng “cao điểm” nhất vào ngày mùng 2 và mùng 3 Tết, đến ngày mùng 5 thì bắt đầu “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, dù giá đã giảm nhưng so với ngày thường thì vẫn được coi là mức giá “trên trời”.

Thực phẩm tươi, thực phẩm chế biến tăng giá sau tết. (Ảnh minh họa)

Giá rau cải bắp hiện đang ở mức 15.000 – 18.000 đồng/kg. Các loại rau cải ăn lá có giá 30.000 – 35.000 đồng/kg. Khoai tây, su hào, cà rốt có giá 20.000 đồng/kg. Cà chua được bán với giá 25.000 đồng/kg. Ngô ngọt 10.000 – 15.000 đồng/bắp. Dù đã “hạ nhiệt” nhưng các loại rau gia vị vẫn đang ở mức rất cao, gấp 2 – 3 lần so với ngày thường như: Hành, mùi, thì là, ớt... có giá 60.000 – 80.000 đồng/kg (những ngày tết có giá lên tới 100.000 đồng/kg). Giá các loại thịt, thực phẩm chế biến cũng tăng so với ngày thường, mức tăng khoảng 10.000 – 20.000 đồng/kg.

Chị Đào Thanh Thùy, tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt, giò tại chợ Kim Tân, thành phố Lào Cai lý giải: “Đầu năm, giá thực phẩm tăng bởi lý do là người dân ít đi chợ và chi phí nhân công sơ chế, chế biến phải trả cao hơn ngày thường. Người bán hàng cũng ít hơn ngày thường nên hàng hóa khan hiếm hơn. Năm nào dịp tết giá thực phẩm cũng tăng nhưng sau đó giảm dần, thường thì ngoài mùng 6 tháng Giêng sẽ bắt đầu ổn định trở lại”.

Người dân mua các loại rau xanh tại khu vực chợ Kim Tân, thành phố Lào Cai.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều tiểu thương giải thích nguyên nhân giá các loại rau tăng là do trước tết thời tiết rét đậm, nhiều loại rau, đặc biệt là rau gia vị bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ rau xanh những ngày ngay sau tết cũng tăng mạnh do người tiêu dùng đang dần từ bỏ thói quen tích trữ rau xanh. Trong khi đó, nhiều tiểu thương vẫn đang tạm “nghỉ chợ”, người bán ít, đặc biệt là các chợ đầu mối mới chỉ lác đác một số tiểu thương “khai xuân” khiến nguồn cung các loại thực phẩm từ các “vựa” rau sụt giảm, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung tại chỗ nên nguồn hàng trở nên “khan hiếm”, đẩy giá rau, củ, quả tại khu vực đô thị tăng cao.

Anh Nguyễn Văn Tiến thuộc số ít tiểu thương tại chợ đầu mối Châu Úy "khai xuân sớm" - từ ngày mùng 6 tháng Giêng.

Anh Nguyễn Văn Tiến (thành phố Hà Nội) là tiểu thương kinh doanh các loại hoa quả tại chợ đầu mối Châu Úy (phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai). Chiều muộn mùng 6 tháng Giêng, anh Tiến bắt đầu mở cửa kinh doanh trở lại sau 1 tuần nghỉ tết. Tại cửa hàng của anh Tiến, lượng hoa quả bày bán chưa nhiều, giá bán sỉ các loại quả tương đương trước tết. Anh Tiến cho biết: “Sau tết, người đi chợ bắt đầu tăng nhưng tại chợ Châu Úy mới có một vài tiểu thương mở cửa bán hàng. Cửa hàng của tôi thường “đổ sỉ” nên giá vẫn tương đương so với trước tết, còn tiểu thương bán lẻ tại chợ hầu như chưa bán hàng trở lại nên giá bán lẻ cao hơn. Tôi nghĩ khoảng mùng 10 tháng Giêng thì hoạt động kinh doanh sẽ khôi phục hoàn toàn, trở về như ngày thường".

Do nhu cầu sử dụng rau xanh của người dân cao nên giá các mặt hàng rau, củ tại các chợ đầu mối, đặc biệt tại các “chợ xép”, "chợ cóc" tăng.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thủy (phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai) nói: “Thực phẩm giờ đắt gấp 2, có loại gấp 3 so với trước tết. Tôi chỉ mua ít rau cải mà cũng tiêu tốn 20.000 đồng, trong khi ngày thường lượng rau này có giá chỉ 7.000 đồng. Chanh thì giá còn “giật mình” hơn. Mùng 3 Tết, tôi mua chanh với giá 100.000/kg, đến hôm nay có giảm nhưng vẫn ở mức 80.000 đồng/kg, trong khi ngày thường dù trái vụ cũng chỉ 35.000 đồng/kg. Cùng lượng rau thơm, rau sống, nếu trước tết tôi mua với giá 15.000 đồng thì giờ phải trả tới 50.000 đồng”.

Nhiều tiểu thương vẫn đang nghỉ tết nên "khan nguồn hàng" là một trong những nguyên nhân đẩy giá thực phẩm tươi sống tăng cao.

Trước tết Nguyên đán, Sở Công Thương đã vận động, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị chủ động sản xuất, dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường. Cùng với đó, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường, nhất là về lĩnh vực giá, chất lượng sản phẩm, vấn đề về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, nguồn cung các loại hàng hóa thiết yếu, trong đó có lương thực, thực phẩm sản xuất trong tỉnh đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và du khách.

Tuy nhiên sau tết, tại khu vực đô thị, nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong khi tiểu thương trở lại chợ kinh doanh còn ít nên hàng hóa tạm thời khan hiếm, điều này khiến giá rau xanh, thực phẩm tươi sống tăng khá cao trong những ngày đầu năm mới. Nhiều loại rau được nhập bán với giá gấp đôi ngày thường mà lượng tiêu thụ vẫn cao. Giá các loại thực phẩm dự kiến sẽ dần “hạ nhiệt” và trở lại mức giá bình thường vào khoảng trung tuần tháng Giêng.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/sau-tet-gia-thuc-pham-neo-cao-post379887.html