Sầu riêng rớt giá, roi lên ngôi
Sầu riêng - loại trái cây từng 'làm mưa làm gió',đã 'lao dốc không phanh' khi đang vào mùa thu hoạch, do xuất khẩu gặp trở ngại. Trong khi đó, quả mận (roi) lại gây 'sốt' với mức giá tăng cao bất ngờ.

Sầu riêng là loại cây mất khá nhiều công chăm sóc để có thể ra trái như ý.
Sầu riêng lao dốc vì "ách" xuất khẩu
Đang vào chính vụ thu hoạch, anh Nguyễn Văn Đồng (Lâm Đồng) như "ngồi trên lửa" khi giá sầu riêng Ri6 tại vườn bất ngờ rơi xuống chỉ còn 35.000 - 40.000 đồng/kg, bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Dù trái đã đến ngày hái, nhưng thương lái vẫn ngần ngại thu mua, khiến anh chỉ còn biết bán lẻ cho tiểu thương với giá 45.000 đồng/kg loại đẹp, thấp hơn nhiều so với mức đặt cọc trước đó là 60.000 đồng/kg.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại các vùng chuyên canh sầu riêng ở Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre. Giá sầu riêng Ri6 tại vườn dao động 35.000 - 40.000 đồng/kg, còn giống Monthong (Thái Lan) cũng không khá hơn, giảm chỉ còn 60.000 - 70.000 đồng/kg, trong khi năm ngoái từng có thời điểm lên tới 200.000 đồng/kg. Giá sầu riêng "rớt" mạnh khiến nhiều vựa ngừng hoạt động, số còn lại chỉ thu mua cầm chừng cho thị trường nội địa.

Nhiều nhà vườn tại các tỉnh phía Nam như ngồi trên lửa vì sầu riêng rớt giá.
Ông Vương Tiến Huy, một chủ vựa sầu riêng lớn tại Đắk Lắk cho biết, năm ngoái mỗi ngày ông gom khoảng 30 tấn sầu riêng cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng từ tháng 3 năm nay, đơn hàng đột ngột dừng lại. Hiện ông chỉ thu mua được 3 - 4 tấn/ngày để phục vụ khách trong nước.
"Tình hình càng thêm căng thẳng khi các thương lái cũng “rút quân”. Giá mua tại kho hiện chỉ cao hơn giá tại vườn khoảng 10.000 đồng/kg, không đủ chi phí nhân công và vận chuyển. Trong khi đó, quy trình kiểm dịch từ phía Trung Quốc ngày càng khắt khe khiến rủi ro xuất khẩu tăng cao", ông Vương Tiến Huy cho biết.
Còn theo ông Vũ Văn Duy, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu nông sản AnDeend, sở dĩ giá sầu riêng giảm mạnh là do Trung Quốc siết kiểm tra chất lượng trái cây nhập khẩu từ đầu năm nay. Nếu trước đây, mỗi lô họ chỉ kiểm tra khoảng 10% thì hiện nay đã nâng lên 100%. Thời gian xét nghiệm kéo dài khiến hàng bị ùn ứ tại cửa khẩu, nhiều lô hàng đến nơi đã nứt, hỏng do chờ quá lâu. Một số doanh nghiệp từng cố gắng hoàn tất kiểm định nhưng vẫn phải bán lỗ trong nước (thấp hơn 40% so với giá mua vào) vì không thể thông quan.

Sầu riêng được bày bán khá nhiều tại hệ thống siêu thị tại TP Hồ Chí Minh.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng, trước đây, thủ tục thông quan chỉ mất 1 - 2 ngày, nay kéo dài 5 - 7 ngày. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng trái cây. Doanh nghiệp đang kiến nghị rút ngắn thời gian xét nghiệm còn 3 - 4 ngày, đồng thời đề xuất tăng số trung tâm kiểm định trong nước và đàm phán với Trung Quốc để công nhận kết quả kiểm tra tại Việt Nam, giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, nông dân và nhà sản xuất cần phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho sản phẩm. Nếu nông dân không kiểm soát từ gốc, từ phân bón đến quy trình trồng trọt thì nông sản Việt sẽ mãi loay hoay trước rào cản kỹ thuật từ các thị trường khó tính.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt kỷ lục 3,3 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng kim ngạch rau quả của cả nước. Nhưng chỉ trong hai tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu sầu riêng tụt xuống còn 52,7 triệu USD, giảm 69% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch từ Trung Quốc giảm 83%, chỉ còn 27 triệu USD.
Từ vị trí “ngôi vương”, sầu riêng rơi xuống hạng ba sau thanh long và chuối. Nếu không tháo gỡ sớm các vướng mắc, mục tiêu 3,5 tỷ USD xuất khẩu sầu riêng trong năm nay có thể đổ vỡ.
Roi hồng, roi xanh giá cao ngất ngưởng
Trong khi nông dân trồng sầu riêng lao đao vì giá giảm mạnh thì thị trường lại chứng kiến sự “lên ngôi” ngoạn mục của roi hồng MST và roi xanh đường. Hai loại trái cây nội địa đang "gây sốt" trên các nền tảng mạng xã hội.

Roi hồng MST đang gây sốt mạng xã hội khi có giá bán cao ngất ngưởng, lên tới 250.000 đồng/kg. Ảnh: MXH.
Trên các kênh Facebook, Zalo, TikTok... những lời rao bán mận xuất hiện dày đặc với mức giá khiến nhiều người sửng sốt. Theo đó, roi hồng MST VIP (loại 4 trái/kg) đang được chào bán với giá từ 170.000 - 200.000 đồng/kg và loại 1 khoảng 140.000 đồng/kg. Nếu mua theo set 5kg, khách hàng phải trả khoảng 600.000 đồng/set. Trong khi đó, roi xanh đường có giá lên đến 250.000 đồng/kg, cao ngang ngửa nhiều loại trái cây nhập khẩu từ Mỹ, Úc.
Lý giải về mức giá “chạm nóc”, anh V.V.H một chủ shop bán roi trên mạng xã hội cho biết, đây đều là roi tuyển chọn, có nguồn gốc từ Sóc Trăng, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Do canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo độ ngọt, giòn và mẫu mã đẹp nên sản phẩm có giá trị cao.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hoàng Minh, chủ đại lý thu mua trái cây miền Tây tại TP Hồ Chí Minh, loại roi này tuy có thể thu hoạch quanh năm nhưng sản lượng lại thấp nên cung không đủ cầu. Hiện roi chưa tuyển chọn được thu mua tại vườn với giá 22.000 - 26.000 đồng/kg, còn loại đẹp vào khoảng 50.000 - 70.000 đồng/kg. “Dù thị trường tiêu thụ mạnh nhưng tôi chỉ cung cấp được khoảng 100 kg/tháng cho các tiểu thương ở chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền vì sản lượng tại vườn không nhiều”, ông Hoàng Minh cho biết thêm.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dù roi hồng MST có số lượng ít nhưng việc giá roi được đẩy lên cao tới 250.000 đồng/kg là vô lý, bởi giá thu mua tại vườn chỉ vài chục ngàn đồng. Thông thường, chỉ có những loại quả đầu mùa hoặc khan hiếm do xuất khẩu được giá mới được bán ở thị trường với giá cao. Chẳng hạn như sầu riêng có thời điểm lên tới gần 300.000 đồng/kg do sốt hàng hay vải thiều cũng có lúc lên tới hơn 100.000 đồng/kg do đầu mùa. Tuy vậy sau đó các loại quả này đều trở lại mức giá bình thường. Do vậy, ông Nguyên cho rằng, giá roi quá cao như hiện nay chủ yếu do các hội nhóm đẩy giá từ việc nắm bắt tâm lý tò mò của người tiêu dùng.

Roi xanh đường đang gây sốt mạng xã hội với giá cao ngất ngưởng. Ảnh: MXH
Trước sức hút của roi hồng MST, nhiều nhóm "roi hồng MST" đã được thành lập trên mạng xã hội, thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm thành viên tham gia. Tại đây, mọi người trao đổi, mua bán cây giống, quả hay chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc loại roi này, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến giống roi mới. Tuy nhiên, ông Đặng Phúc Nguyên khuyến cáo, loại quả này dù có nhiều ưu điểm nhưng roi là loại trái cây "ăn chơi" và có thời gian bảo quản ngắn nên các địa phương cần cân nhắc, tránh việc trồng ồ ạt mà không có đầu ra ổn định có thể dẫn đến nguy cơ cung vượt cầu.
"Trong khi ngành sầu riêng chật vật tìm đầu ra, thì trái roi nội địa âm thầm vươn lên nhờ kiểm soát chất lượng và cách tiếp cận thị trường linh hoạt kích thích tính tò mò của người tiêu dùng. Câu chuyện trái ngược này một lần nữa cho thấy, nông sản Việt không thiếu tiềm năng, vấn đề là cách ứng xử với thị trường và chuỗi cung ứng có đủ “miễn nhiễm” với rủi ro hay chưa", ông Nguyên nhận định.