Sáp nhập tỉnh: Việt Nam còn bao nhiêu tỉnh, thành là phù hợp?
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, bạn đọc VietNamNet cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi sáp nhập các tỉnh thành để bớt gánh nặng chi thường xuyên, đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú vừa ký ban hành Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.
Bộ Chính trị giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện). Đồng thời định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đơn vị hành chính cấp tỉnh phải đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích, dân số, số đơn vị hành chính cấp huyện. Cụ thể, tỉnh miền núi diện tích từ 8.000 km2, dân số 0,9 triệu; tỉnh còn lại diện tích 5.000 km2, dân số 1,4 triệu. Thành phố trực thuộc trung ương diện tích 1.500 km2, dân số 1 triệu. Tất cả tỉnh, thành phải có từ 9 huyện trở lên.

Năm 2008, Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính thông qua việc sáp nhập tỉnh Hà Tây và một số địa bàn của Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Ảnh: Hoàng Hà
Căn cứ vào tiêu chí trên, hiện nay toàn quốc có 10 tỉnh, thành chưa đạt chuẩn về diện tích, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện. Cụ thể, Bắc Kạn dân số ít nhất cả nước, chỉ 0,3 triệu; Đăk Nông 0,68 triệu; Tuyên Quang 0,8 triệu. Các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu không đáp ứng cả 3 tiêu chí.
Chia sẻ với VietNamNet, bạn đọc Phạm Thu Thủy cho rằng, việc sáp nhập các tỉnh, thành không đáp ứng tiêu chí về diện tích, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết.
“Ngân sách hiện nay chi cho hoạt động thường xuyên của bộ máy hành chính là quá lớn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách đầu tư cho sự phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội”, bạn đọc Phạm Thu Thủy cho hay.
Đồng tình sáp nhập các tỉnh, bạn đọc Trần Văn Chiến cho rằng, việc ‘trả lại tên’ các tỉnh như những năm trước đây là hợp lý. Ngoài ra, việc sáp nhập tỉnh, thành cũng sẽ giảm được gánh nặng chi tiêu cho bộ máy hành chính. Với số tiền tiết kiệm chi thường xuyên có thể đầu tư xây dựng các tỉnh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Còn theo bạn đọc Nguyễn Duy Minh, cùng với việc sắp xếp các bộ ngành, năm 2025 là 'thời điểm vàng' để Trung ương và các địa phương làm quyết liệt trong việc sắp xếp các tỉnh, thành.
“Nếu so với các nước lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc thì đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành của chúng ta là quá nhiều. Nếu có thể thì sáp nhập chỉ còn 38 tỉnh, thành như trước kia là phù hợp”, bạn đọc Nguyễn Duy Minh nêu quan điểm.
Theo bạn đọc Hùng Đinh, nhân dân rất đồng tình với yêu cầu sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Bởi trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, nhân dân, lãnh đạo các tỉnh thành không còn phải đi lại nhiều. Phần lớn thủ tục hành chính có thể thực hiện trên môi trường mạng. Còn lãnh đạo các các cấp có thể chỉ đạo, điều hành qua các phiên họp trực tuyến.
“Tôi cho rằng, việc sắp xếp lần này càng gọn gàng càng tốt. Việt Nam chỉ cần dưới 20 tỉnh, thành. Đồng thời với đó là chúng ta phải bỏ ngay cấp trung gian quận, huyện”, bạn đọc Hùng Đinh gợi ý việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Cùng quan điểm trên, bạn đọc Nguyễn Quân hoàn toàn ủng hộ việc sáp nhập tỉnh, thành. Nêu ví dụ Trung Quốc rất rộng lớn nhưng chỉ có 34 tỉnh, thành; còn Mỹ có 50 bang; trong khi Việt Nam diện tích nhỏ nhưng lại có 63 tỉnh, thành, điều này gây tốn kém ngân sách, ảnh hưởng đến điều hành, quản lý.
Ủng hộ việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành, bạn đọc Giang Lê cho rằng, kế hoạch cần phải thực hiện ngay thì mới có nguồn lực để đầu tư xây dựng, đất nước mới chuyển mình rõ rệt.
Ngoài ra, bạn đọc Giang Lê còn cho rằng, cùng với quá trình sáp nhập tỉnh, thành, là phải đẩy mạnh số hóa mọi thủ tục hành chính. Như vậy, mới có nguồn lực đầu tư phát triển.
“Việc sáp nhập tỉnh, thành ban đầu chắc chắn có những khó khăn, vướng mắc nhưng nếu làm được, bộ máy hành chính sẽ bớt gánh nặng, tương lai đất nước sẽ tốt đẹp hơn”, bạn đọc Giang Lê nói.
Theo bạn đọc Dương Quốc Thắng, đất nước muốn đi nhanh, tiến xa trong kỷ nguyên mới thì bộ máy hành chính phải gọn nhẹ, hoạt động thực sự hiệu quả. Hiện nay, bộ máy của chúng ta quá cồng kềnh, nhiều tầng nấc quản lý. Điều này làm suy giảm hiệu quả hoạt động của cả hệ thống; lãng phí nguồn ngân sách…
Do vậy, theo bạn đọc Dương Quốc Thắng, việc tính toán sáp nhập các tỉnh thành và xóa đơn vị hành chính trung gian cấp huyện là chủ trương hoàn toàn chính xác, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước.
Cùng với đó, bạn đọc Dương Quốc Thắng đề xuất tăng cường ứng dụng hiệu quả khoa học, công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành để có thể vận hành hiệu quả chính quyền 3 cấp.