Sắp cưới nhưng chưa vội mua vàng

Giá vàng cao, nhiều cô dâu, chú rể 'bấm bụng' mua vàng cưới trong khi có những cặp đôi quyết chờ vàng hạ giá rồi mới mua.

Cuối tháng 6 này, Hoài Thương (28 tuổi, Đà Nẵng) sẽ kết hôn. Tuy nhiên, cho đến giờ, cô vẫn chưa mua nhẫn và trang sức cưới. Bởi lẽ, giá vàng vẫn còn cao, Thương muốn quan sát thêm để quyết định đâu là món trang sức vừa đẹp vừa phù hợp với túi tiền của hai vợ chồng.

Giá vàng tăng trong thời gian gần đây cũng làm nhiều cặp đôi phải “cân đo đong đếm” trong việc sắm vàng làm trang sức cưới.

“Bớt một sợi dây chuyền”

Trọng Nhân (30 tuổi) và Ngọc Hân (26 tuổi) kết hôn vào cuối năm 2023, thời điểm mà vàng ở mốc 75 triệu đồng/lượng. “Vàng tăng làm đám cưới của mình bị vỡ kế hoạch”, Trọng Nhân chia sẻ với Tri thức - Znews.

 Trọng Nhân và Ngọc Hân kết hôn vào thời điểm mà vàng ở mốc 75 triệu đồng/lượng. Ảnh: NVCC.

Trọng Nhân và Ngọc Hân kết hôn vào thời điểm mà vàng ở mốc 75 triệu đồng/lượng. Ảnh: NVCC.

Theo anh, hai vợ chồng đã tính toán khá kỹ lưỡng cho đám cưới. Cả hai lên kế hoạch chi 350 triệu để đãi tiệc, 30 triệu cho trang sức cưới và 120 triệu để dựng rạp, thuê xe, mua trang phục, quay phim…

“Kế hoạch ban đầu của hai vợ chồng là chi khoảng 30 triệu cho trang sức cưới. Tuy nhiên, chúng mình không tính đến việc giá vàng tăng gần 10 triệu đồng từ khi lên kế hoạch đến khi thực hiện”, Trọng Nhân kể. Kết quả, vợ anh phải bớt đi một sợi dây chuyền trong bộ trang sức cưới để tránh chi tiêu ngoài kế hoạch.

Giá vàng tăng cũng ảnh hưởng đến việc chọn nhẫn cưới của Hồng Phú (25 tuổi) và chồng là Văn Hậu. Cả hai vừa tổ chức hôn lễ vào ngày 25/5 tại TP.HCM. Trước đó, hai vợ chồng đã mua một cặp nhẫn cưới trị giá 15 triệu đồng.

 Hồng Phú và Văn Hậu vừa làm đám cưới trong ngày 25/5. Ảnh: NVCC.

Hồng Phú và Văn Hậu vừa làm đám cưới trong ngày 25/5. Ảnh: NVCC.

“Lúc mua nhẫn cưới thì hai vợ chồng cũng cân nhắc khá kỹ về giá cả cho vừa túi tiền. Cuối cùng, chúng mình quyết định mua một cặp nhẫn trơn, giá rẻ mà thiết kế lại nhẹ nhàng, dễ chịu”, Hồng Phú nói thêm cô không thích những trang sức bằng vàng vì “không hợp gu”.

Tương tự, Hạ Đan (29 tuổi) cũng cân nhắc khá nhiều trước khi quyết định “xuống tiền” cho một cặp nhẫn cưới khi kết hôn vào năm 2022. “Ban đầu chị gái mình khuyên là không nên mua nhẫn quá đắt tiền. Một là vàng trong thời điểm đó cũng hơn 60 triệu/lượng. Hai là nhẫn cưới thì mang giá trị tinh thần là chủ yếu”.

Sau khi thảo luận với chồng, Hạ Đan mua một cặp nhẫn bạch kim với giá khoảng 20 triệu/cặp. Tuy nhiên, hai vợ chồng quyết định đây là khoản chi duy nhất cho trang sức cưới của họ. Còn lại, “gia đình hai bên cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu”.

Nhiều bạn trẻ bớt mặn mà với vàng

Nhắc đến chuyện cho - nhận, Anh Thư (chuyên viên truyền thông, TP.HCM) chia sẻ với Tri thức - Znews rằng bạn trai chưa bao giờ tặng vàng cho cô trong suốt 4 năm yêu nhau. Bởi lẽ, Thư luôn dặn bạn trai không mua vàng làm quà tặng trong dịp đặc biệt, dù đó là kỷ niệm hay ngày sinh nhật.

“Mình sẽ thích người yêu tặng bạc hơn là vàng vì, theo mình, bạc trông sang trọng và phù hợp với lứa tuổi của cả hai. Thêm nữa là giá vàng biến động, mua hôm nay nhưng không chừng ngày mai lại lỗ”, Anh Thư giải thích.

Cùng suy nghĩ với Anh Thư, Hồng Phú cho biết cặp nhẫn cưới 15 triệu cũng là món trang sức vàng đầu tiên cô mua sau gần 3 năm. “Nếu có tiền dư thì mình chỉ mua bạc hoặc đá quý chứ không thích màu ánh kim của vàng. Trang sức bạc thường trang nhã và có giá cả phải chăng hơn”, Phú nhấn mạnh.

 Theo Hội đồng vàng Thế giới (WGC), nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức trong năm 2023 của người Việt đã giảm giảm đáng kể. Ảnh: Chí Hùng.

Theo Hội đồng vàng Thế giới (WGC), nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức trong năm 2023 của người Việt đã giảm giảm đáng kể. Ảnh: Chí Hùng.

Hiện nay, Hoài Thương đang bàn bạc với chồng để quyết định ngân sách cho đám cưới sắp tới. Cả hai vẫn chưa quyết định được đâu là số tiền phù hợp cho cặp nhẫn cưới của mình. “Còn khoảng một tháng nữa sẽ tới đám cưới của chúng mình. Mình muốn đợi giá giảm thêm chút nữa để vừa mua được nhẫn đẹp vừa hợp túi tiền”, Thương phân tích.

Theo Hội đồng vàng Thế giới (WGC), nhu cầu tiêu thụ vàng trong năm 2023 của người Việt đã giảm 6% so với năm 2022, từ mức 59,1 tấn xuống còn 55,5 tấn. WGC đánh giá nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức tại Việt Nam đã giảm đáng kể, tới 16% so với 2022, xuống còn 15 tấn.

Ngoài chuyện giá cả, giới trẻ ngày nay cũng không tha thiết đầu tư, tích lũy vàng mà ưu tiên gửi tiết kiệm, kinh doanh hoặc tham gia các kênh đầu từ khác, ví dụ như cổ phiếu. Điều này cũng làm suy giảm nhu cầu tiêu thụ vàng ở một số quốc gia có truyền thống “trọng vàng” như Việt Nam.

Đức An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/sap-cuoi-nhung-chua-voi-mua-vang-post1477464.html