Sản xuất công nghiệp tăng trưởng 8,4%
Ngành sản xuất công nghiệp tăng mạnh trở lại sau một năm khó khăn nhờ vào sự bứt phá của các ngành chế biến, chế tạo và năng lượng.
Năm 2024 dần khép lại với nhiều tín hiệu tích cực từ nền kinh tế trong nước, trong đó có sự đóng góp lớn của ngành sản xuất công nghiệp.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng ước tính tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức tăng khiêm tốn 0,9% của cùng kỳ năm 2023. Bằng với mức tăng của năm 2022 – thời điểm GDP tăng hơn 8%, theo Tổng cục Thống kê.
Riêng tháng 11, chỉ số IIP tăng 2,3% so với tháng trước và tăng mạnh 8,9% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm.
Ngành chế biến, chế tạo và năng lượng dẫn dắt tăng trưởng
Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò đầu tàu trong 11 tháng qua với mức tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung của IIP. Điều này sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Trong đó, lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25,6%, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,7%, sản xuất xe có động cơ tăng 18,3%.
Ngành sản xuất và phân phối điện cũng tăng mạnh 10,2% trong 11 tháng, đóng góp 0,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,6%, cho thấy sự cải thiện trong cơ sở hạ tầng và dịch vụ công nghiệp.
Ngược lại, ngành khai khoáng tiếp tục là lực cản lớn với mức giảm 7,3% trong 11 tháng, làm giảm 1,2 điểm phần trăm của mức tăng chung. Đặc biệt, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm sâu 12,2%, trong khi khai thác than giảm 5,3%.
Sự suy giảm này cho thấy áp lực lớn từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt và thách thức tìm kiếm những mỏ dầu mới, cùng nhu cầu yếu trên thị trường quốc tế trong năm nay trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực ghi nhận mức tăng mạnh, như ô tô (tăng 22,4%), thép thanh và thép góc (tăng 21,7%), và xăng dầu (tăng 15,9%). Tuy nhiên, một số sản phẩm như khí đốt thiên nhiên dạng khí (giảm 17,8%) và điện thoại di động (giảm 4,2%) phản ánh sự chững lại ở một số phân khúc.
Lực lượng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp đến ngày 01/11/2024 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu ở ngành chế biến, chế tạo.
Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ghi nhận mức tăng lao động mạnh nhất (5,3% so với cùng kỳ), phản ánh sự gia tăng niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Xét theo địa phương, chỉ số IIP ở 60 đơn vị tăng và giảm ở 3, phản ánh sự không đồng đều giữa các khu vực.
Trong đó, các tỉnh có chỉ số sản xuất của ngành chế biến, chế tạo tăng cao như Phú Thọ tăng 42%, Lai Châu tăng 40%, Bắc Giang tăng 28% và Quảng Nam tăng 21%. Điều này đã góp phần phát triển mạnh ngành sản xuất công nghiệp tại các tỉnh thành này.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/nganh-san-xuat-cong-nghiep-tang-truong-84-d38317.html