Sẵn sàng vận hành bộ máy đơn vị hành chính mới sau sắp xếp
Từ ngày 1/1/2025, các đơn vị hành chính mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của các địa phương và của tỉnh. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này đã hoàn tất. Các địa phương đã sẵn sàng vận hành bộ máy hành chính mới, bảo đảm phục vụ người dân ngày một tốt hơn.
Theo Nghị quyết số 1318/NQ-UBTVQH15 ngày 10/12/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Ninh Bình thực hiện sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện (hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư); sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 18 đơn vị hành chính cấp xã mới. Sau khi sắp xếp, tỉnh Ninh Bình còn 7 ĐVHC cấp huyện (gồm 5 huyện và 2 thành phố) và 125 ĐVHC cấp xã (101 xã, 18 phường và 6 thị trấn).
Để đảm bảo việc sắp xếp diễn ra đúng quy định, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, triển khai các bước theo đúng quy trình. Trình tự xây dựng Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh được triển khai thực hiện đảm bảo khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch; trình tự, thủ tục đúng quy định của pháp luật; đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân trong tỉnh và đã nhận được sự đồng thuận rất cao trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. 99,45% cử tri thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư tán thành việc thành lập thành phố Hoa Lư; trên 95% cử tri các đơn vị thực hiện sắp xếp, đồng thuận với phương án sắp xếp (2 đơn vị tỷ lệ cử tri nhất trí đạt 100%).
Trước thời điểm vận hành bộ máy mới, các địa phương đã khẩn trương rà soát hồ sơ quản lý nhà nước, dữ liệu công dân, sẵn sàng cho việc bàn giao và tiếp nhận các hồ sơ liên quan, cùng với những thay đổi về tên gọi, con dấu.
Có mặt tại Bộ phận một cửa xã Ninh Giang - địa phương trở thành phường trực thuộc thành phố Hoa Lư theo Nghị quyết số 1318 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi nhận thấy không khí làm việc khẩn trương, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ nơi đây.
Đồng chí Vũ Thị Phương Thu, công chức Thống kê xã Ninh Giang cho biết: Tôi cũng như nhiều cán bộ, công chức của xã rất phấn khởi khi xã Ninh Giang được nâng cấp từ xã lên phường. Để chuẩn bị cho việc thay đổi về tên gọi, chúng tôi đã tập trung thực hiện số hóa hồ sơ, hoàn thiện lưu trữ các thông tin lưu trữ trên dịch vụ công và đến thời điểm hiện tại, việc số hóa hồ sơ đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng cho ngày 1/1/2025 phường Ninh Giang chính thức đi vào hoạt động được thông suốt.
Chị Trần Thị Thu Hà ở thôn La Mai (Ninh Giang) cho biết: Tôi đến bộ phận một cửa xã để làm công chứng sơ yếu lý lịch cho con trai và nhận thấy tinh thần làm việc tận tâm, trách nhiệm của các cán bộ nơi đây. Tôi đã được giải thích cặn kẽ về thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí do thay đổi địa giới đơn vị hành chính. Vì vậy, tôi rất yên tâm. Tôi mong muốn khi trở thành phường trực thuộc thành phố Hoa Lư, Ninh Giang sẽ có điều kiện phát triển hơn nữa, nhất là phát triển thương mại, dịch vụ, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Với tinh thần trách nhiệm cao, thời gian qua, các đơn vị thuộc diện sắp xếp đã triển khai Nghị quyết số 1318 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng lộ trình và bảo đảm duy trì hoạt động thông suốt, không gây xáo trộn hay gián đoạn, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Đồng chí Cao Trường Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Mô chia sẻ: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 90, ngày 28/8/2023, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, đáp ứng được nguyện vọng, sự đồng thuận, ủng hộ rất cao của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện. Huyện đã chỉ đạo các địa phương thuộc diện sắp xếp tập trung kiểm kê tài sản liên quan đến các phòng, ngành, đơn vị, rà soát cơ sở vật chất, điều kiện làm việc để sau sắp xếp, ĐVHC mới sớm đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo mọi hoạt động được diễn ra liên tục, thông suốt. Công tác bàn giao, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, cơ sở vật chất của ĐVHC cũ và mới cũng được thực hiện đảm bảo, không để gián đoạn các nhiệm vụ chính trị.
Đồng chí Nguyễn Văn Lộc, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thượng (Yên Mô) cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xã Mai Sơn hợp nhất với xã Khánh Thượng lấy tên đơn vị hành chính mới là xã Khánh Thượng. Được sự quan tâm của Huyện ủy và với tinh thần chủ động, khẩn trương, trách nhiệm, thời gian qua, Đảng bộ hai xã đã tập trung chỉ đạo hoàn tất rà soát hồ sơ sổ sách, tài chính, dữ liệu công dân, hồ sơ Đảng, đảng viên. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Mô cũng đã quyết định sáp nhập Đảng bộ xã Mai Sơn vào Đảng bộ xã Khánh Thượng.
Sau khi sáp nhập, Đảng bộ xã Khánh Thượng có 855 đảng viên sinh hoạt ở 34 chi bộ. Ngay sau Lễ công bố quyết định sáp nhập Đảng bộ xã Mai Sơn vào Đảng bộ xã Khánh Thượng, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Khánh Thượng đã tập trung chỉ đạo triển khai ngay các công việc để tổ chức kỳ họp HĐND xã lần thứ nhất để bầu các chức danh HĐND, UBND xã đảm bảo tiêu chuẩn, dân chủ, khách quan và đúng quy định. Bên cạnh đó, Đảng ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc bố trí công tác, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định.
“Quá trình thực hiện nhiệm vụ của ĐVHC mới chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, với quyết tâm cao cùng sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, Đảng ủy xã Khánh Thượng sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, những kết quả, kinh nghiệm quý báu và truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cán bộ qua các thời kỳ của hai xã Khánh Thượng và Mai Sơn đã tạo dựng để xây dựng hệ thống chính trị từ xã đến chi bộ, thôn xóm ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì sự phát triển của Đảng bộ và nhân dân xã Khánh Thượng sau khi sáp nhập” - đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thượng khẳng định.
Với tinh thần khẩn trương, hiệu quả, các địa phương thuộc diện sắp xếp đã tiến hành thành lập, sáp nhập tổ chức bộ máy các tổ chức đảng, tổ chức chính trị-xã hội… Đồng thời đặc biệt quan tâm thực hiện phương án bố trí, giải quyết cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp ĐVHC. Các địa phương cũng xây dựng phương án giải quyết các trụ sở công dôi dư theo quy định.
Sắp xếp ĐVHC nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tạo không gian phát triển mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là những giá trị tốt đẹp của con người và vùng đất Cố đô, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh, bền vững của tỉnh trong thời kỳ mới. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự đồng thuận của Nhân dân và sự quyết tâm của các cấp chính quyền, tin tưởng các ĐVHC mới sau sắp xếp sẽ có sự đột phá trong chặng đường phía trước, góp phần cùng cả tỉnh hiện thực hóa khát vọng với mục tiêu đưa Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, góp phần cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.