Sản phẩm OCOP khẳng định vị thế cho hợp tác xã

Từ việc chú trọng xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng cho các sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã (HTX) đã mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng lợi nhuận cho thành viên, thúc đẩy HTX phát triển ổn định, bền vững.

Sản phẩm vú sữa tím của HTX Nông nghiệp Trinh Phú ở xã Trinh Phú, huyện Kế Sách được sản xuất theo quy trình VietGAP (quy mô 49ha) không chỉ được thị trường trong nước đón nhận mà còn xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trong tháng 10/2023, Sóc Trăng chọn 5 HTX thí điểm để triển khai Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó HTX Nông nghiệp Trinh Phú với mô hình đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế, chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản.

Theo ông Hồ Văn Hội - Giám đốc HTX Nông nghiệp Trinh Phú, trên tinh thần đổi mới tư duy và phương thức sản xuất để cho ra sản phẩm trái vú sữa tím chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, quá trình trồng, chăm sóc trái đều theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu chọn giống, phân bón đến thu hoạch. Nhờ thực hiện quy trình sản xuất sạch, an toàn nên đầu ra sản phẩm vú sữa luôn ổn định. Năm 2020, trái vú sữa tím của HTX đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Hiện HTX có 23 thành viên, ước tính sản lượng trái năm nay đạt từ 1.000 - 1.200 tấn. Bên cạnh việc liên kết doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ, HTX còn cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở các tỉnh, thành, như: Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang. Từ năm 2022, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp thu mua vú sữa tím xuất khẩu từ 100 - 200 tấn/vụ/năm.

Ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách còn có HTX Bưởi Thành Công. HTX có 38 thành viên với diện tích canh tác là 50ha. Năm 2020, có 2 sản phẩm là bưởi da xanh và bưởi năm roi của HTX được Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh xếp hạng 4 sao. Trong quá trình sản xuất, các thành viên áp dụng quy trình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, nhờ đó sản phẩm bưởi đã được nâng lên, sản lượng đạt từ 12 - 15 tấn/ha. Hiện HTX đang liên kết với Công ty Cổ phần Vinagreenco tiêu thụ 1.100 tấn bưởi để cung cấp cho các siêu thị trong cả nước. Nhờ giá cả ổn định, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận trên 1ha trồng bưởi của các thành viên trung bình trên 200 triệu đồng/năm.

Huyện Kế Sách (Sóc Trăng) có 4 sản phẩm OCOP của các chủ thể là HTX nông nghiệp được xếp hạng 4 sao. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách, huyện có 4 sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao gồm: bưởi năm roi Kế Thành; bưởi da xanh Kế Thành (HTX Bưởi Thành Công), vú sữa tím Trinh Phú (HTX Nông nghiệp Trinh Phú) và vú sữa tím Xuân Hòa (HTX Nông nghiệp Quyết Thắng). Từ khi phát triển các sản phẩm OCOP, người dân địa phương yên tâm gắn bó hơn với các loại cây trồng đặc sản của địa phương, bởi thị trường tiêu thụ được mở rộng, đầu ra của sản phẩm cũng được đảm bảo. Nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm OCOP, khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ở thị xã Ngã Năm, HTX Vĩnh Kiên với diện tích canh tác cây mãng cầu gai khoảng 200ha, cho sản lượng khoảng 500 tấn/năm. Thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX còn đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ cao trong khâu chế biến sản phẩm trà mãng cầu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể trà mãng cầu “Vĩnh Kiên”. Hiện nay, trà mãng cầu Vĩnh Kiên được bán rộng rãi ở thị trường trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hiện nay trên địa bàn tỉnh có 189 sản phẩm OCOP của hơn 100 chủ thể được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, có 21 chủ thể OCOP là HTX. Nhờ đầu tư nâng chất sản phẩm, nhiều sản phẩm OCOP của các HTX đã có mặt trên thị trường và được người tiêu dùng quan tâm, ưa chuộng, như: khô cá dứa 1 nắng, mãng cầu ta Lai Hòa, thanh long ruột đỏ Hoàng Vũ, nhãn xuồng Vĩnh Châu do các HTX ở Vĩnh Châu sản xuất; các loại trái cây như vú sữa tím, bưởi năm roi, bưởi da xanh ở Kế Sách; trà mãng cầu ở Ngã Năm; tinh dầu chanh sả, thanh nhãn, nhãn xuồng tím ở Cù Lao Dung; gạo Thanh Cường của Thạnh Trị; cao linh chi, trà linh chi ở thành phố Sóc Trăng…

Đồng chí Thạch Phước Tài - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Sóc Trăng chia sẻ: “Từ khi triển khai Chương trình OCOP, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi về tư duy trong sản xuất, thúc đẩy các thành viên đổi mới, sáng tạo, đưa sản phẩm nông nghiệp phát triển, giá trị nông sản của HTX được nâng cao so với trước khi chưa tham gia OCOP. Việc đạt chứng nhận OCOP cũng đã giúp các HTX khẳng định chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện các HTX đã chủ động giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các kênh bán hàng truyền thống, sàn thương mại điện tử, liên kết với doanh nghiệp, công ty đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước”.

XUÂN NGUYÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/soc-trang-tiem-nang-va-phat-trien/san-pham-ocop-khang-dinh-vi-the-cho-hop-tac-xa-69124.html