Sân khấu kịch: Cần những tiếng nói mới

'Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2024' do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đăng cai, phối hợp tổ chức vừa bế mạc. Những huy chương, giải thưởng đã được trao để tôn vinh những người làm sân khấu.

Nhưng liên hoan cũng để lại nhiều suy ngẫm, làm thế nào để sân khấu kịch, với lịch sử hơn 100 năm, thu hút nhiều khán giả hơn nữa. Sân khấu kịch, hơn bao giờ hết, cần sự đổi mới và sáng tạo trong tư duy của chính những người làm sân khấu.

Ngôn ngữ nào thì cũng phải chạm đến trái tim khán giả

“Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2024” diễn ra từ ngày 11/6 đến ngày 26/6/2024 tại Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Tham gia Liên hoan có hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên kịch nói trên toàn quốc thuộc 19 đơn vị nghệ thuật công lập và ngoài công lập đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng,... Tại Liên hoan, công chúng sẽ được thưởng thức 23 vở diễn đặc sắc, ghi dấu ấn của các đơn vị nghệ thuật thông qua hình thức thể hiện và đề tài phong phú, được đánh giá là đã thực sự đi vào đời sống, có sự đóng góp mới trong tiến trình phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói.

Vở “Vòng tròn bội bạc” của Nhà hát Kịch Hà Nội giành giải Vàng.

Vở “Vòng tròn bội bạc” của Nhà hát Kịch Hà Nội giành giải Vàng.

Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức đã trao Huy chương vàng cho 3 vở diễn: “Đêm trắng” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Vòng tròn bội bạc” (Nhà hát Kịch Hà Nội) và “Bắt quỷ” (Đoàn Kịch nói Hải Phòng). Đáng chú ý, vở “Đêm trắng” của tác giả Lưu Quang Hà, do NSND Xuân Bắc đạo diễn, thể hiện hình tượng Bác Hồ trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí.

Tác phẩm “Vòng tròn bội bạc” của tác giả Chu Lai, do NSND Trung Hiếu đạo diễn, kể về những người bước ra từ chiến tranh và đối mặt với cuộc sống hiện thực cũng tàn khốc, gian nan không kém... Với vở kịch này, nhà văn Chu Lai cũng nhận giải Tác giả xuất sắc.

Ban tổ chức cũng trao Huy chương bạc cho 5 vở diễn, trong đó có vở “Búp bê” của Sân khấu LucTeam (Hà Nội).

Cảnh trong vở “Búp Bê” của đạo diễn, NSND Trần Lực.

Cảnh trong vở “Búp Bê” của đạo diễn, NSND Trần Lực.

Đạo diễn, NSND Trần Lực chia sẻ, anh khá bất ngờ khi vở “Búp bê” được đánh giá cao tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc lần này, vì nội dung vở kịch không nằm trong những đề tài mà liên hoan ưu tiên. Đạo diễn Trần Lực chia sẻ: “Thông báo của Ban tổ chức ưu tiên những vở đề tài chống tham nhũng, cách mạng hoặc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Vở “Búp bê” của chúng tôi nói về những vấn đề của xã hội đương đại với trí tuệ nhân tạo AI nên mục đích của thầy trò Lucteam Theatre là tham gia liên hoan lần này để giới thiệu tới những người làm sân khấu ở Việt Nam và khán giả (nếu có, vì thường thì các liên hoan sân khấu kể cả điện ảnh đều vắng người xem) về một phương pháp sân khấu mới mà chúng tôi đang theo đuổi: Ước lệ - Biểu hiện”.

Điều đáng nói là “Búp bê” của sân khấu Lucteam được khán giả đón nhận nồng nhiệt, khán phòng 1.200 chỗ của Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc chật kín chỗ. Họ thích thú với những nhân vật trong vở. “Điều đó chứng tỏ rằng, sân khấu dù được thể hiện bằng bất cứ ngôn ngữ nào thì cũng phải chạm đến trái tim của khán giả. Nghệ thuật sân khấu hay vì yếu tố mở trong sáng tạo. Nếu sân khấu không đổi mới, không ngừng sáng tạo sẽ đánh mất khán giả. Tôi rất mừng vì Hội đồng nghệ thuật của Bộ Văn hóa đã cởi mở đón nhận những luồng gió sáng tạo mới. Các đơn vị nghệ thuật nhìn thấy sự cởi mở đó cũng phải tự thay đổi, mang lại sự tươi mới cho sân khấu, từ đó thu hút khán giả”.

Cảnh trong vở “Đêm Trắng” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Cảnh trong vở “Đêm Trắng” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Anh cũng chia sẻ thêm, đề tài chống tham nhũng là một đề tài hấp dẫn, được điện ảnh, văn chương thể hiện rất tốt. Vậy sân khấu phải làm thế nào để chinh phục được đề tài đó? “Theo tôi, đề tài không phải là vấn đề của sân khấu, quan trọng là cách kể như thế nào, sự sáng tạo của nghệ sĩ ra sao để sân khấu không ngừng thay đổi và chạm đến trái tim khán giả mới là điều cần bàn”, NSND Trần Lực nói.

Cần những sáng tạo mới cho sân khấu

Phát biểu tại Lễ Bế mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh: "Liên hoan lần này có nhiều vở diễn đạt chất lượng cả về nghệ thuật và hấp dẫn công chúng, đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ đến từ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên và thiết kế mỹ thuật... Ở các vở diễn này, chúng ta thấy được sức sáng tạo, luôn bám sát những vấn đề của cuộc sống đương đại đúng như thế mạnh của loại hình Kịch nói. Với cái nhìn tổng quan về Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024, có thể thấy sân khấu Kịch nói đang có nhiều thay đổi, đã có nhiều cái mới về nội dung và hình thức. Tôi nhất trí với đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật tại Liên hoan lần này".

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông trao giải vàng cho các đơn vị.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông trao giải vàng cho các đơn vị.

NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Liên hoan nhận định: “Điểm sáng của liên hoan sân khấu kịch lần này là đã xuất hiện một số kịch bản đề cập những vấn đề xã hội đương thời, tạo ra "mảnh đất" cho đạo diễn khai thác, gieo trồng để tạo mùa gặt bội thu. Từ Liên hoan, đã tìm thấy những vở diễn làm bùng nổ cảm xúc của người xem như “Đêm trắng” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Vòng tròn bội bạc” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Bắt quỷ” (Đoàn Kịch nói Hải Phòng)...

Tuy nhiên, theo NSND Trần Ngọc Giàu, Liên hoan cũng bộc lộ một số hạn chế, đó là: hầu hết kịch bản được viết từ khá lâu, không có kịch bản xuất xứ từ trại sáng tác kịch bản, kịch bản của tác giả trẻ càng hiếm; ít kịch bản khai thác những vấn đề nóng bỏng của xã hội hôm nay; một số vở không tìm được hình thức mới cho nội dung cũ; thiếu vắng sự sáng tạo trong thiết kế sân khấu của một số vở diễn; nhiều vở chưa chú trọng đầu tư cho yếu tố âm nhạc trong vở diễn...

Các nghệ sĩ nhận giải tại “Liên hoan kịch nói toàn quốc - 2024”.

Các nghệ sĩ nhận giải tại “Liên hoan kịch nói toàn quốc - 2024”.

Liên hoan Kịch nói toàn quốc khép lại, những huy chương, giải thưởng đã được trao cho các nghệ sĩ. Nhưng có lẽ, điều quan trọng còn lại sau mỗi kỳ liên hoan, đó là làm thế nào để sân khấu kịch, với lịch sử hơn 100 năm vẫn có thể sáng đèn hàng đêm và trở thành một món ăn hấp dẫn khán giả trong thời đại hôm nay. Đó là câu hỏi lớn được đặt ra, bởi lâu nay, rất nhiều tác phẩm dành giải tại các liên hoan nhưng rơi vào tình trạng “đắp chiếu” vì thiếu vắng khán giả.

Sân khấu kịch, có lẽ vẫn cần đổi mới hơn nữa, mang đến những món ăn mới mẻ để kéo khán giả đến rạp. NSND Trung Anh cũng từng chia sẻ về nỗi trăn trở trước thực trạng sân khấu kịch đang dần đi xa những giá trị chuẩn mực mà anh và các thế hệ vàng của sân khấu đã tạo dựng nên. Sân khấu đánh mất khán giả, do chính những người làm sân khấu hôm nay không chịu thay đổi bởi rõ ràng, sân khấu vẫn có sự hấp dẫn riêng của một loại hình nghệ thuật mà điện ảnh hay văn chương không thay thế được.

Tại Lễ Bế mạc, Ban tổ chức đã trao 3 Huy chương vàng cho các vở diễn: “Đêm trắng” của Nhà hát Kịch Việt Nam, “Vòng tròn bội bạc” của Nhà hát Kịch Hà Nội, “Bắt quỷ” của Đoàn Kịch nói Hải Phòng.

Ban tổ chức cũng trao 5 Huy chương bạc cho các vở diễn; trao 32 Huy chương vàng và 49 Huy chương bạc cho các diễn viên; trao giải Tác giả xuất sắc cho nhà văn Chu Lai với vở diễn “Vòng tròn bội bạc”; trao giải Đạo diễn xuất sắc cho NSND Trần Lực với vở diễn “Búp bê”; trao giải Họa sĩ xuất sắc cho NSND Đỗ Doãn Bằng với vở diễn “Bến nước thời gian”.

Mỹ Trân

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/san-khau-kich-can-nhung-tieng-noi-moi-i736064/