Sân bay thứ hai của Hà Nội nên xây ở đâu?

Muốn xác định vị trí cụ thể của sân bay thứ hai này sẽ cần có những nghiên cứu hết sức kỹ càng, đặc biệt là địa hình, khí hậu thủy văn, vùng trời trong mối tương quan với các đường bay với Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài...

Nghiên cứu kỹ vị trí sân bay thứ hai ở Hà Nội

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo Bộ Chính trị, hiện nay hai sân bay Gia Lâm và Hòa Lạc chỉ phục vụ hoạt động quân sự, tương lai sẽ phục vụ cả dân dụng. Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai ở Hà Nội, trong đó tính toán kỹ về sự phù hợp và tác động đến kinh tế xã hội của thủ đô, các địa phương lân cận để xác định địa điểm.

TP Hà Nội cần ưu tiên triển khai sớm việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Riêng việc đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi xuyên tâm qua khu trung tâm thành phố Hà Nội, qua ga Hà Nội theo đề xuất của Ban Cán sự đảng Chính phủ, đề nghị tiếp tục nghiên cứu cẩn trọng, đánh giá tính khả thi, hiệu quả cũng như sự phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch mạng lưới đường sắt.

Hà Nội cần nghiên cứu kỹ vị trí xây sân bay thứ hai.

Hà Nội cần nghiên cứu kỹ vị trí xây sân bay thứ hai.

Sân bay Gia Lâm được người Pháp xây dựng năm 1935, khánh thành một năm sau, ban đầu vừa là sân bay dân dụng và quân sự. Tháng 10/1954, Việt Nam tiếp quản sân bay và sau đó chỉ có hoạt động bay quân sự. Sân bay Hòa Lạc nằm ở huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, có 3 đường băng, mỗi đường bay dài khoảng 2.200 m.

Theo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065, cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô tại khu vực phía Nam của trục cao tốc Tây Bắc- Quốc lộ 5B, giữa cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đường sắt Thống nhất Bắc- Nam và trục giao thông kinh tế phía Nam, thuộc địa bàn một số xã của huyện Ứng Hòa (TP. Hà Nội). Thời gian dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ 2 vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050.

Nguyên Thứ trưởng Xây dựng Trần Ngọc Chính cho rằng Hà Nội là Thủ đô của đất nước 100 triệu dân, dân số theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung cũng sẽ tăng lên 12-13 triệu nên việc xây dựng sân bay thứ hai là cần thiết. Tuy nhiên, làm sân bay diện tích lên đến 1.300-1.500 ha thì phải quy hoạch từ bây giờ để giữ đất, vì chỉ 5 năm nữa sẽ không còn đất để xây. Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô cần xác định chính xác vị trí xây dựng sân bay thứ hai.

Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc với 30 cảng đến năm 2030 và hình thành 33 cảng đến năm 2050 công bố tháng 7/2023. Vùng Thủ đô Hà Nội dự kiến bổ sung cảng nội địa thứ hai để hỗ trợ sân bay Nội Bài khi đạt quy mô khoảng 100 triệu hành khách mỗi năm, đáp ứng mục tiêu hình thành hai trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế tầm cỡ khu vực tại vùng Hà Nội và TPHCM.

Nên xây sân bay thứ hai ở đâu?

TS. Trần Đình Bá, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, Hà Nội rất cần thiết có thêm 1 sân bay nữa để xử lý các vấn đề như quá tải ở sân bay Nội Bài, khi gặp các sự cố khẩn cấp, các tình huống thời tiết bất thường, tai nạn hay thậm chí là khủng bố. Các thủ đô trên thế giới như Hoa Kỳ, Nga, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan – Malaysia …. đều có í nhất 2 sân bay.

Hiện tượng quá tải hàng không diễn ra thường xuyên tại Sân bay Nội Bài cho thấy sự cần thiết phải có thêm sân bay. Vấn đề là vị trí xây dựng ở đâu? Việc tìm vị trí dự kiến đặt sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô là cần thiết, song cần nghiên cứu khảo sát để chọn vị trí tối ưu, đúng luật hàng không dân dụng Việt Nam, đúng quy định của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế.

TS. Trần Đình Bá cho biết, ông từng đề xuất Việt Nam nên khai thác các sân bay quân sự vốn có, mở rộng ra, trang bị hiện đại hơn chính là cách làm hiệu quả và nhanh nhất. Xu thế sân bay lưỡng dụng trên giới rất nhiều, họ khai thác cả dân dụng và quân sự để tiết kiệm và hiện đại hóa sân bay hoạt động cho cả ngày – đêm và trong điều kiện chiến tranh.

TS. Trần Đình Bá cho rằng, sân bay Gia Lâm đang bị lãng quên và để lãng phí tài nguyên, trong khi hoàn toàn có thể phát huy công năng của nó. Ngoài ra có thể tận dụng sân bay quân sự Hòa Lạc, vừa tiết kiệm vốn đầu tư vừa có thời gian thi công nhanh. Hà Nội còn có sân bay Bạch Mai từ thời Pháp - cũng là sân bay nhỏ nhưng ít người biết đến.

"Trước đây tôi đã từng đề xuất giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất bằng cách đưa sân bay Biên Hòa – một sân bay quân sự vào để khai thác, nhưng không được lắng nghe. Hệ quả là đến nay, sân bay Tân Sơn Nhất quá tải nặng nề, đến mức phải giải cứu. Tôi tin rằng việc chuyển đổi sân bay Gia Lâm thành sân bay lưỡng dụng chắc chắn mang lại giá trị kinh tế, xã hội, đồng thời vẫn đảm bảo an ninh quốc phòng, là một lựa chọn tốt trong việc giảm tải cho sân bay Nội Bài, trước khi xây dựng sân bay thứ 2 của Hà Nội", TS. Trần Đình Bá nêu quan điểm.

Việc lựa chọn sân bay thứ hai của Hà Nội ở đâu, theo các chuyên gia cần nghiên cứu kỹ, thận trọng và làm sớm. Muốn xác định vị trí cụ thể của sân bay thứ hai này sẽ cần có những nghiên cứu hết sức kỹ càng, đặc biệt là địa hình, khí hậu thủy văn, vùng trời trong mối tương quan với các đường bay với Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài...

Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc quy hoạch một sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô là định hướng, tầm nhìn phát triển hàng không cho tương lai nhằm giải quyết trường hợp sân bay Nội Bài bị quá tải. Vì theo tính toán, đến năm 2050 sản lượng khách qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài là khoảng 100 triệu lượt, khi đó dù đã mở rộng cảng hàng không này thì cũng khó đáp ứng được nhu cầu phát triển. Vì vậy, phải tính tới việc xây dựng sân bay số 2 tại Hà Nội.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/san-bay-thu-hai-cua-ha-noi-nen-xay-o-dau-169240526073317342.htm