Sài Gòn tân tiến, hiện đại hóa từ hơn một thế kỷ trước

'Hiện đại hóa' là khái niệm ra đời từ khi có cách mạng công nghiệp ở châu Âu. Trong thế kỷ XVIII và XIX, theo chân các pháo hạm phương Tây, cách mạng công nghiệp được 'xuất khẩu' sang các nước Á Đông. Nhiều thành thị và quốc gia phong kiến bỗng chốc được hiện đại hóa bằng các nguồn lực ngoại nhập, kéo theo và hợp cùng các nguồn lực nội địa.

Trong đó, với Sài Gòn và Việt Nam, một chương sử mới đầy bi tráng được bắt đầu từ ngày 17.2.1859, sau khi thành Gia Định thất thủ trước liên quân Pháp và Tây Ban Nha. Kể từ đấy, song song với cuộc chiến đấu giành độc lập, Sài Gòn còn là nơi mở đầu việc tiếp nhận những thành tựu của cách mạng công nghiệp, thực thi nhiều quan niệm và thiết chế mới mẻ từ kinh tế thị trường và xã hội tự do.

Đô thị quy hoạch đàng hoàng, trật tự

Từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp và cộng đồng bản địa đã tạo dựng một Sài Gòn cách tân, khác xa thời phong kiến. Có thể nhận ra Sài Gòn nhanh chóng thoát khỏi khuôn khổ của một thành thị phong kiến qua nhiều bản đồ quy hoạch và bản đồ thực địa Sài Gòn có niên đại từ 1862 cho đến 1955, vẫn đang được bảo quản tốt tại các kho lưu trữ ở Pháp và Việt Nam. Các kỹ sư công binh Pháp và sau này là các kiến trúc sư Paris cùng với cộng sự Việt đã hoàn chỉnh thiết kế Sài Gòn hiện đại đúng theo tiêu chuẩn một thành phố châu Âu thời kỳ công nghiệp hóa.

Đó là một đô thị có đầy đủ các phân khu chức năng, được xếp đặt đâu ra đấy, bao gồm hành chính, thương mại-văn hóa, cảng, chợ đầu mối và giao thông đầu mối hợp cùng các khu dân cư, công viên, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, nhà máy, doanh trại quân đội...

Các con đường Sài Gòn đều được viền bởi cây xanh. Khu vực nào cũng có công viên, mảng xanh lớn nhỏ. Thành phố có công viên trung tâm rộng lớn (vườn Tao Đàn), như dạng vườn Luxembourg của Paris, Hyde Park của London và Central Park của New York.

Sài Gòn - “bà đỡ” của các nghệ thuật mới. Bức ảnh kỷ niệm các diễn viên, thầy tuồng, nhà bảo trợ trong vở cải lương lần đầu tiên biểu diễn ở Nhà hát thành phố ngày 18.11.1918. Ảnh chụp ngay trước cửa Nhà hát. Chú thích ảnh cho biết trong số diễn viên có nhiều người là nhà văn, nhà báo, doanh nhân. Ảnh: Flickr

Sài Gòn đầu thế kỷ XX có nhiều kiến trúc, cảnh quan thể hiện đường nét phương Tây nhưng vẫn hòa quyện các yếu tố phương Đông địa phương nhiệt đới. Các đường phố ngay ngắn đi cùng các trục sông nước có sẵn dẫn đến các giao lộ và quảng trường thuận tiện. Quy hoạch Sài Gòn hiện đại đi vào đời sống bằng những quy định chặt chẽ về địa ốc, xây dựng, vệ sinh, môi trường.

Ngay cả vấn đề trồng cây xanh hay lát đá vỉa hè cũng phải được đưa ra tranh luận tại Hội đồng thành phố.

“Công nghiệp không khói”

Điều thú vị, ngay từ đầu, công nghiệp nổi bật của Sài Gòn là “công nghiệp không khói”. Đó là các dịch vụ cảng ngoại thương và đóng tàu có từ 1860, giao thông - vận tải, tàu biển đi châu Âu từ 1863, tàu biển Nam - Bắc 1872, xe điện nội đô 1879, xe lửa liên tỉnh 1886, tàu thủy đi Campuchia, Lào, Thái Lan từ 1889, xe đò liên tỉnh 1913, máy bay Sài Gòn - Paris từ 1931...

Từ Sài Gòn, các hãng buôn và nhà băng nhiều quốc gia tụ về điều hành kinh doanh toàn Đông Dương, liên thông châu Âu và các châu lục khác.

Đáng lưu ý là Cảng Sài Gòn, ngay khi khai trương ngày 18.2.1860, đã là cảng tự do, hàng hóa ra vào không bị đánh thuế xuất nhập khẩu. Song hành với các dịch vụ trên là các dịch vụ thương mại và tài chính - ngân hàng. Các ngành kinh tế tân kỳ này khai thác nhanh chóng vựa lúa gạo, nông sản và sau này thêm cao su, khoáng sản, hàng thủ công, hàng tiêu dùng của Nam Kỳ và Việt Nam cho xuất khẩu và thị trường nội địa sung mãn.

Từ Sài Gòn, các hãng buôn và nhà băng nhiều quốc gia tụ về điều hành kinh doanh toàn Đông Dương, liên thông châu Âu và các châu lục khác. Chợ Bến Thành cùng Ga Sài Gòn (1914) và các tòa nhà ngân hàng đồ sộ tại khu vực Cầu Mống - Hàm Nghi- Nguyễn Công Trứ có từ 1920 - 1930, chính là các biểu tượng tiêu biểu cho các hoạt động thương mại và tài chính tầm cỡ của Sài Gòn trước đây. Đặc biệt, công nghiệp và dịch vụ thông tin - truyền thông hoàn toàn mới mẻ với người Việt, với “Nhà dây thép” hình thành đầu tiên tại Sài Gòn năm 1860 sau đó tỏa đi các tỉnh.

Trong khi ấy, các nhà máy in và báo chí công cộng đã xuất hiện từ 1863. Và rồi, ngay từ năm 1871, Việt Nam đã “nối mạng thông tin” với thế giới qua đường cáp tín hiệu truyền qua biển từ Sài Gòn - Hồng Kông - Singapore - Paris - London.

Sài Gòn - cái tên không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vị trí Sài Gòn được ghi trên bản đồ hàng hải Thái Bình Dương của Úc năm 1944 - 1946. Hình chụp lại từ sưu tập bản đồ tại Úc. Ảnh: Phúc Tiến

Bên cạnh các ngành “công nghiệp không khói” nói trên, các nhà máy công nghiệp quy mô xuất hiện đầu tiên ở Sài Gòn là các nhà máy xay xát gạo, cơ khí, điện lực, sửa chữa tàu xe, phần lớn đặt ở Chợ Lớn và các khu ngoại ô thời ấy. Doanh nhân người Việt ở Sài Gòn ra đời từ nền tảng công nghiệp dịch vụ, công nghiệp tiểu thủ, cùng học hỏi và cạnh tranh quyết liệt với các doanh nhân già dặn người Pháp, Hoa, Ấn, Âu Mỹ và Nhật.

Các công ty cổ phần đầu tiên của người Việt ra đời năm 1908 tại Sài Gòn, ngân hàng đầu tiên do người Việt làm chủ là Việt Nam Ngân hàng năm 1927, hiên ngang đặt trụ sở trên đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ) gần bên Thương Xá Tax.

Nối kết chặt chẽ kinh tế - khoa học - văn hóa

Sài Gòn hiện đại - ngay từ đầu không phải là một thành phố thương mại đơn thuần. Thảo cầm viên Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1864, khác với Botanical Garden của Singapore, không chỉ là vườn thực vật và khu ươm trồng giống cây. Đó còn là Sở thú và công viên giải trí công cộng. Từ 1891, Sài Gòn có một tòa nhà Bưu điện được thiết kế như một cung điện mỹ lệ. Phía trước tòa nhà có bảng tên vinh danh các nhà phát minh khoa học, rất khác lạ với kiến trúc của các nhà bưu điện thông thường.

Cùng năm đó, Viện Pasteur Sài Gòn ra đời là chi nhánh hải ngoại đầu tiên của Viện Pasteur Paris, thực hiện các nghiên cứu sinh học và y tế. Trước 1945, tại thành phố đã có các viện nghiên cứu nông nghiệp, thực vật, dược phẩm là các cơ sở đầu tiên để hình thành Viện Khoa học kỹ thuật Đông Dương. Cũng tại đây, năm 1906, ra đời Trường Cơ khí Á châu (nay là Trường Cao Thắng) là trường dạy kỹ thuật đầu tiên của Việt Nam.

Từ thập niên 1920, Viện Đại học Đông Dương (thiết lập tại Hà Nội năm 1907) đã mở chi nhánh trường Luật và trường Dược ở Sài Gòn.

Sài Gòn còn là đô thị đầu tiên ở Đông Dương có Nhà hát lớn (1900), Thư viện công cộng (1902), Bảo tàng (1917). Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phố Catinat (nay là Đồng Khởi) không chỉ là phố cà phê - nhà hàng - khách sạn quý phái mà còn là phố ký giả và văn nhân với một loạt tòa báo, nhà in, nhà sách đứng chân. Người Sài Gòn rất tự hào là “bà đỡ” cho những ngành nghệ thuật mới như tiểu thuyết, đờn ca tài tử, cải lương, kịch nói, nhiếp ảnh, điện ảnh và kinh doanh biểu diễn.

Sài Gòn - “bà đỡ” của các doanh nghiệp năng động. Hình quảng cáo các sản phẩm xà bông và mỹ phẩm xuất khẩu mang tên Cô Ba của hãng Trương Văn Bền - một doanh nghiệp Việt ở Sài Gòn ra đời những năm 1920. Ảnh sưu tầm của Huỳnh Minh Hiệp

Thành phố trung tâm và cư dân quốc tế

Sài Gòn có gần 50 năm là thủ đô toàn Nam Kỳ (khi Pháp chưa quản lý toàn cõi Việt Nam). Sau đấy, lại có 15 năm (1887-1902) là thủ đô Liên bang Đông Dương, khi thực thể này mới thành lập. Nhiều cơ quan hành chính, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục cấp quốc gia và liên bang được hình thành và phát triển từ Sài Gòn.

Khi “thủ đô chính trị” chuyển ra Hà Nội, Sài Gòn giữ vị trí “thủ đô kinh tế”, như vai trò New York so với Washington DC. Năm 1948, trong hoàn cảnh chiến tranh, chính quyền Bảo Đại đặt Sài Gòn làm thủ đô của Việt Nam. Từ 1954 - 1975, Sài Gòn là thủ đô của một nửa Việt Nam dưới vĩ tuyến 17.

Người Sài Gòn rất tự hào là “bà đỡ” cho những ngành nghệ thuật mới như tiểu thuyết, đờn ca tài tử, cải lương, kịch nói, nhiếp ảnh, điện ảnh và kinh doanh biểu diễn.

Dân số Sài Gòn cuối thế kỷ XIX bắt đầu vào khoảng 50.000 người, đến năm 1945 xấp xỉ 500.000. Đó là một dân số vừa phải nhưng là một cộng đồng quốc tế gồm đông đảo người Việt, Minh hương (Hoa lai Việt) , Khmer, Chàm là cư dân bản địa, nay có thêm cộng đồng “da trắng” (Pháp, Tây Ban Nha, Âu Mỹ), cộng đồng châu Á (Ấn Độ, Malay, Trung Hoa, Nhật , Philippines).

Cuối thế kỷ XIX, tại Sài Gòn đã có lãnh sự quán của Tây Ban Nha, Anh, Mỹ, Hà Lan, Áo - Hung, Ý, Đức, Trung Hoa và Nhật. Các nhà kinh doanh nước ngoài đến Sài Gòn mở công ty không chỉ từ Pháp mà còn từ nhiều nơi trên thế giới. Tên Sài Gòn xuất hiện trên bản đồ giao thương, hàng hải và hàng không từ Âu sang Á, từ Á sang Mỹ, từ Úc lên Đông Á như một điểm không thể thiếu trong chuỗi cung ứng kho vận và hàng hóa toàn cầu.

Hành chính năng động và minh bạch

Lúc đầu, Pháp tách Sài Gòn và Chợ Lớn thành hai thành phố để dễ quản trị nhưng sau đó đến 1930 đã nhập cả hai vào một. Khi thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn - theo kiểu Pháp được chính thức thành lập (15.6.1865), chính quyền Nam Kỳ thông qua tổ chức Dinh Thượng Thơ (Bộ Nội vụ), từ 1864 - 1888, kiêm quản hành chính các mặt của cả hai và toàn Nam Kỳ. Bộ máy này nguyên thủy biên chế chưa đến 20 người nhưng làm nhiều công việc lớn lao như một cơ quan liên bộ, liên ngành.

Tuy nhiên, từ 1869 Sài Gòn đã bắt đầu có chế độ thị trưởng và Hội đồng thành phố. Trong 13 đại biểu đầu tiên, có một đại biểu người Việt là nhà bác học Trương Vĩnh Ký. Hội đồng thành phố có quyền tranh luận và giám sát các chủ trương xây dựng và chi phí của chính quyền. Biên bản các cuộc tranh luận và quyết định của Dinh Thượng Thơ và Hội đồng thành phố đều được đăng tải trên Gia Định Báo (tồn tại 1865- 1910).

Người Sài Gòn tiên phong kinh doanh tài chính. Bố cáo của Việt Nam Ngân hàng trên báo Lục tỉnh tân văn 22.8.1938. Ảnh sưu tầm của Huỳnh Minh Hiệp

Tòa thị chính Sài Gòn thuở mới khai sanh, đặt tạm tại tòa nhà Wang Tai (nay là tòa nhà Hải quan), về sau do tiết kiệm kinh phí mới dần dần xây dựng và hoàn thành (1898 - 1909), người dân quen gọi là Dinh Xã Tây. Cả hai tòa nhà Dinh Thượng Thơ (nay ở 59-61 Lý Tự Trọng), Dinh Xã Tây (86 Lê Thánh Tôn) nằm kề bên nhau, đều là những kiến trúc đẹp, thân thiện. Cả hai xứng đáng là biểu tượng song đôi thú vị về lịch sử hành chính quốc gia và hành chính đô thị hiện đại.

Một Sài Gòn thanh xuân và tân tiến về nhiều mặt như thế may mắn vẫn còn đó, đang nhắc nhở các thế hệ ngày nay, phải mau chóng hoàn thành công nghiệp hóa đất nước, mau chóng phát huy các giá trị thăng hoa của các thế hệ trước. Đã sắp tròn 20 năm đầu của thế kỷ XXI, không thể để trễ hơn!

Phúc Tiến

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/sai-gon-tan-tien-hien-dai-hoa-tu-hon-mot-the-ky-truoc-16744.html