Sách Ngữ văn lớp 6: Phụ huynh ngán ngẩm vì bài thơ 'Bắt nạt' gieo vần với 'trêu mù tạt', 'dễ lây'
Nhiều phụ huynh bày tỏ sự bức xúc về chất lượng sách giáo khoa lớp 6 và không hiểu vì sao trong bài thơ 'Bắt nạt' lại gieo vần với 'trêu mù tạt', 'dễ lây'...
Những ngày qua, nhiều phụ huynh đã lên mạng xã hội bày tỏ sự bức xúc về chất lượng sách Ngữ văn lớp 6 và bài thơ “Bắt nạt” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, bài thơ “Bắt nạt” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh nằm trong sách Ngữ văn lớp 6 (tập 1), thuộc bộ sách giáo khoa “Kết nối tri thức với cuộc sống” do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành. Bài thơ được trích từ tập thơ “Ra vườn nhặt nắng” (Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2017, tr24-25).
Bài thơ gồm 8 khổ, mỗi khổ 4 dòng, nội dung xuyên suốt nói về những mặt tiêu cực, không tốt của việc đi bắt nạt người khác và khuyên các em học sinh không nên bắt nạt các bạn yếu thế hơn mình.
Tuy nhiên, khi đọc bài thơ này, các phụ huynh nhận thấy chất lượng rất tệ và tỏ ra bức xúc, ngán ngẩm về cách gieo vần của tác giả.
Các phụ huynh dẫn chứng khổ thơ thứ 2, thứ 3, thứ 6 và bày tỏ sự khó hiểu khi tác giả gieo vần “bắt nạt” với “trêu mù nạt”, “dễ lây”, rồi cả nhảy híp hóp cho hay!?
Cụ thể, trong bài thơ “Bắt nạt”, tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh viết: “Tại sao không học hát/ Nhảy híp hóp cho hay?/ Thời gian trong một ngày/ Đâu để dành bắt nạt”.
“Sao không ăn mù tạt/ Đối diện thử thách đi/ Thử kẻ yếu làm gì; Sao không trêu mù tạt?”.
“Đừng bắt nạt mèo, chó/ Đừng bắt nạt cái cây/ Đừng bắt nạt ai cả/ Vì bắt nạt dễ lây”.
Các phụ huynh cho rằng, việc “bắt nạt” được đem ra so sánh, nhận xét với những cụm từ như “trêu mù tạt”, “bắt nạt dễ lây” chưa đạt được độ thuyết phục về cấu tứ, hình thức, ngôn từ và nhịp điệu.
"Chưa kể, việc sử dụng hình ảnh ẩn dụ “mù tạt” - một loại gia vị cay nồng, khó ăn, nhằm liên tưởng đến hành vi bắt nạt trong cuộc sống là không hợp lý, bởi lẽ các em học sinh ở lứa tuổi này, chưa có đủ kiến thức để hiểu được dụng ý so sánh như vậy", một số phụ huynh nhận xét.
Bên cạnh đó, không ít phụ huynh còn cho rằng, bài thơ có dụng ý khích bác con trẻ có tính hiếu thắng, hiếu chiến sẵn sàng khiêu khích bạn bè khi tác giả viết: “Bạn nào bắt nạt bạn/ Cứ đưa bài thơ này/ Bảo nếu cần bắt nạt/ Thì đến gặp tớ ngay”.
Hay tại khổ thơ cuối, tác giả viết: “Bị bắt nạt quen rồi/ Vẫn không thích bắt nạt/ Vì bắt nạt rất hôi” được đánh giá rằng sử dụng ngôn từ gây khó hiểu, không có giá trị về ý nghĩa.
Theo các phụ huynh, “bắt nạt” là một hành vi xấu cần lên án, tẩy chay. Việc phổ cập hành vi này trong sách giáo khoa, từ đó truyền tải những thông điệp tốt đẹp đến học sinh là cần thiết, mang tính giáo dục cao. Tuy nhiên, cách truyền tải thông điệp của tác giả thông qua bài thơ “bắt nạt” không được lòng phần lớn phụ huynh.
Nhiều ý kiến nhận định bài thơ thiếu sự mạch lạc, logic, thậm chí sử dụng những câu từ vô tri, so sánh khập khiễng, ảnh hưởng đến quá trình học tập, tiếp thu kiến thức thông tin của trẻ em. "Đây là những hạt sạn rất lớn đối với một tác phẩm được chọn đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy cho học sinh", một phụ huynh nhận xét.