Ryông Srê làm tằm
Ryông Srê, tổ dân phố còn khó khăn của thị trấn Đinh Văn, tổ dân phố duy nhất nằm trong Chương trình 30a của huyện Lâm Hà, nơi sinh sống của những con người hiền lành, chân chất đang trên đà thay đổi. Từ cây lúa, cây cà phê, người Ryông Srê đã học trồng dâu, nuôi tằm và đang mải miết lên nong, lên né, tăng thu nhập gia đình từ những con kén trắng tinh.
Anh K’Tiêu, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ dân phố Ryông Srê chia sẻ, đây vốn là một thôn nhỏ, chỉ có 180 hộ dân. Đất canh tác nông nghiệp của thôn ít, lại cằn cỗi, thứ đất pha sét khô, lổn nhổn sỏi khiến cây cà phê trồng chậm lớn, năng suất không cao. Có ít ruộng nước, bà con canh tác lúa nước, thu thóc về ăn quanh năm. Nơi có thủy lợi, nước đủ, lúa có thể trồng 2 vụ/ năm. Nơi chưa có mương máng dẫn nước về, bà con trồng một vụ nhờ vào nước trời. Anh cũng bảo, nhờ giống mới, kỹ thuật canh tác mới do cán bộ nông nghiệp chuyển giao, cây lúa của người Ryông Srê cho năng suất ổn định, nhà nào cũng thu mấy chục bao/vụ, không còn lo đói. Nhưng đất ít, thu lúa chỉ đủ ăn, những chi tiêu khác trong gia đình như cho con đi học, mua sắm vật dụng, xây sửa nhà…, bà con không đủ thu nhập. Nên cái nghèo còn lởn vởn trên nhiều nóc nhà.
Và, người Ryông Srê thay đổi, chuyển sang trồng cây dâu. Hộ anh K’Tiêu là một trong những hộ tiên phong trồng dâu nuôi tằm. Vượt qua được nỗi sợ đói của ngày xưa, anh mạnh dạn chuyển đổi 4 sào lúa nước 1 vụ sang trồng dâu. Được hỗ trợ giống dâu siêu cành, siêu lá, được tập huấn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, trực tiếp đi tham quan, học hỏi tại các gia đình đang nuôi tằm, anh và gia đình tin tưởng sẽ thành công. Và không phụ lòng người, vài năm trở lại đây, với giá kén ổn định và 4 sào dâu, anh K’Tiêu nuôi trung bình 1 hộp trứng/ tháng, thu được 15 triệu đồng, một con số đáng kể nơi vùng quê nghèo Ryông Srê. Với nguồi thu đều đặn từ tằm, anh K’Tiêu có đủ chi phí để nuôi 4 người con ăn học, trong đó có 3 người đang học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhìn những người tiên phong như anh K’Tiêu, nhiều gia đình Ryông Srê cũng dám thay đổi. Gia đình anh chị K’Tư - K’Đeo vốn sống nhờ suất lương của người chồng đang đi làm công nhân cho một doanh nghiệp. Người vợ ở nhà lo con cái, chăm vườn cà phê. Đất cằn cây xấu, thu cà phê không được bao nhiêu, anh chị quyết tâm phá bỏ cà phê già cỗi năng suất thấp, chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm. Nhờ những người như gia đình anh K’Tiêu chỉ kỹ thuật, anh chị cũng nuôi nửa hộp tằm/lứa, gối đầu thường xuyên. Mỗi tháng, tiền thu từ tằm giúp trang trải chi phí sinh hoạt trong nhà, lương của anh được để dành cho những việc khác. Chị K’Đeo chia sẻ: “Nuôi tằm không vất vả nhiều, như nhà tôi là nuôi tằm trên giàn sắt, bớt được công thay phân. Chỉ cần hái dâu mất vài tiếng/ngày, một người làm là đủ. Chỉ hơi khó khăn vào mùa nắng, dâu ít nên chỉ nuôi ít tằm. Mùa mưa thì nhà nào cũng nuôi nhiều hơn, thu nhập cao hơn”.
Ở tổ dân phố với nhân khẩu ít, đất ít như Ryông Srê, trồng dâu nuôi tằm là hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, anh K’Bin - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn đánh giá. Vì vậy, lãnh đạo thị trấn Đinh Văn động viên bà con Ryông Srê chuyển đổi các ruộng lúa nước, diện tích cà phê kém năng suất sang trồng dâu. Chỉ cần trồng 2-3 sào dâu, mỗi gia đình đều cho thu nhập trên 10 triệu/tháng. Thị trấn Đinh Văn thường xuyên tập huấn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, hỗ trợ các hộ chuyển đổi 500 ngàn đồng/sào để bà con có nguồn vốn ban đầu, mua phân bón cho cây dâu. Với những hộ khó khăn, thị trấn có những hỗ trợ để bà con mua giàn sắt, né, các công cụ phục vụ nghề tằm. Anh K’Bin khẳng định, vượt qua được những nếp canh tác truyền thống, người Ryông Srê đang chuyển sang cây dâu con tằm, mang lại thu nhập ổn định, giúp gia đình ngày một vươn lên khá giả hơn.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202208/ryong-sre-lam-tam-3130389/