Rút kinh nghiệm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất
Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, vụ án có nhiều vi phạm về thủ tục tố tụng và xem xét, đánh giá chứng cứ nên cần rút kinh nghiệm.
Ngày 16-5 vừa qua, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa các nguyên đơn là vợ chồng ông H với các bị đơn là vợ chồng ông V.

Hình minh họa. Ảnh: YC
Nội dung vụ án cần rút kinh nghiệm
Vợ chồng bà T có một thửa đất hơn 1.300m². Năm 2000, vợ chồng bà T tặng vợ chồng ông H một phần thửa đất (180m² đất) và đã được cấp giấy chứng nhận.
Sau khi chồng mất, bà T nhận thừa kế quyền sử dụng đất còn lại và đã tách thành 4 thửa đất và tặng cho cả 4 thửa đất. Trong đó, có một thửa tặng cho vợ chồng ông P, một thửa đất tặng cho vợ chồng ông H.
Cho rằng vợ chồng ông P trong quá trình sử dụng đất đã lấn sang thửa đất của ông H (sau đó chuyển nhượng lại cho vợ chồng ông V) nên vợ chồng ông H khởi kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận đã cấp cho vợ chồng ông V và yêu cầu vợ chồng ông V trả lại đất đã lấn chiếm.
Xử sơ thẩm tháng 9-2024, TAND tỉnh Q tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông H. Xử phúc thẩm tháng 2-2025, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án về cho tòa sơ thẩm để giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, vụ án có vi phạm về thủ tục tố tụng và xem xét, đánh giá chứng cứ.
Cụ thể, về tố tụng, mặc dù vợ chồng ông P có địa chỉ đầy đủ trong hồ sơ vụ án, nhưng quá trình giải quyết vụ án, tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành ủy thác cho tòa án có thẩm quyền để lấy lời khai của vợ chồng ông P là vi phạm Điều 105 BLTTDS năm 2015.
Cạnh đó, bản án sơ thẩm tuyên xử buộc vợ chồng ông H tháo dỡ, di dời tường rào phía sau bên hông nhà, tiếp giáp với thửa đất vợ chồng ông V... và buộc vợ chồng ông V phải hỗ trợ tháo dỡ, di dời số tiền hơn 11 triệu đồng cho vợ chồng ông H. Tuy nhiên, nội dung nêu trên không thuộc thẩm quyền xem xét của tòa án vì không có đương sự nào yêu cầu là vi phạm nguyên tắc cơ bản về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự quy định tại Điều 5 BLTTDS năm 2015.
Trong quá trình giải quyết vụ án không có ai yêu cầu hủy giấy chứng nhận đã cấp cho ông H. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận của vợ chồng ông H còn có nhiều thủ tục, không riêng gì chữ ký tại "đơn đề nghị cấp đổi". Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Q cũng chưa có ý kiến gì đối với giấy chứng nhận này.
Thế nhưng tòa án cấp sơ thẩm cũng chưa xác minh, làm rõ về giấy chứng nhận nêu trên với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Q. Vì vậy, chưa có căn cứ xác định giấy chứng nhận đã cấp cho vợ chồng ông H có xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự hay không. Việc bản án sơ thẩm chỉ căn cứ vào kết luận giám định chữ ký của ông H tại "đơn đề nghị cấp đổi", không phải là chữ ký của ông H để hủy giấy chứng nhận đã cấp cho ông H là chưa có cơ sở.
Về xem xét, đánh giá chứng cứ, trong phần đất vợ chồng ông H được tặng cho có một cạnh tiếp giáp Quốc lộ 1A. Tuy nhiên, khi giải quyết vụ án tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét, đo đạc tất cả các thửa đất có nguồn gốc của vợ chồng bà T đã tách thửa và tặng cho có đúng với mốc giới, vị trí, theo hồ sơ địa chính hay không; các cạnh tiếp giáp đường Quốc lộ 1A có bị dịch chuyển mốc giới so với hồ sơ gốc thửa đất của vợ chồng bà T hay không; có bị tịnh tiến hay không.
Trong khi đó, sơ đồ kèm theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ cho thấy kích thước, diện tích các thửa đất đều không trùng khớp với nội dung các giấy chứng nhận đã cấp. Vì vậy, cần phải xem xét thẩm định đo đạc hiện trạng toàn bộ thửa đất của ông vợ chồng bà T mới có cơ sở xác định nguyên nhân biến động của thửa đất.
Do có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và thu thập, đánh giá chứng cứ chưa toàn diện, đầy đủ mà ở cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của vợ chồng ông H, hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm.
Nguồn PLO: https://plo.vn/rut-kinh-nghiem-vu-an-tranh-chap-quyen-su-dung-dat-post851459.html