Rủi ro của nền kinh tế còn tương đối lớn

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024. Qua báo cáo của Chính phủ, các ĐBQH, các chuyên gia kinh tế đều rất ấn tượng trước tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay ước tăng 5,66%, cao nhất từ năm 2020 đến nay, cùng với đó, các chỉ tiêu đều có sự phục hồi. Tuy nhiên nếu nhìn vào báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế thì vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức cho nền kinh tế.

-GDP quý I tăng 5,66%, tăng cao nhất từ năm 2020 đến nay.

- Xuất nhập khẩu - động lực tăng trưởng của nền kinh tế cũng dần lấy lại đà tăng trưởng khi 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tăng 15%, ước tính xuất siêu 8,4 tỷ USD.

- Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 4 đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn 1,81% cùng kỳ năm 2023.

- 4 tháng qua, sản xuất công nghiệp ước tính tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước.

Những con số này cho thấy, sức mạnh nội tại của nền kinh tế đã được phát huy. Tuy nhiên, theo các chuyên gia vẫn còn đó những thách thức, trở ngại và khó khăn.

Năm 2024 là năm “nước rút”, vì vậy, các chuyên gia mong muốn, Quốc hội sẽ bàn thảo, cùng Chính phủ tìm ra các giải pháp hiệu quả điều hành nền kinh tế, tăng cường năng lực nội sinh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát. Nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp về chính sách thuế, tiếp cận vốn, hỗ trợ lãi suất...

Bên cạnh đó, sức khỏe của doanh nghiệp cũng đáng lo ngại khi 4 tháng đầu năm, cả nước có hơn 86 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, bình quân một tháng có gần 22 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Do vậy Chính phủ cần nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục kip thời.

Sáng 23/5, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022. Những tồn tại của nền kinh tế hay sức khỏe của doanh nghiệp cũng như chính sách điều hành để ổn định kinh tế vĩ mô sẽ được các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng để tìm ra những giải pháp bứt phá giúp hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Diệu Huyền

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/rui-ro-cua-nen-kinh-te-con-tuong-doi-lon-223090.htm