Rộn ràng đón Tết té nước ở các quốc gia Đông Nam Á

Là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất, Tết té nước ở một số quốc gia Đông Nam Á đang là lựa chọn của nhiều du khách trên thế giới. Bởi Tết té nước mang tính chất cộng đồng rộng rãi, tất cả đều cùng hòa vào những điệu nhảy, ca hát, té nước và tận hưởng niềm vui bất tận trong làn nước mát, cầu chúc cho năm mới nhiều may mắn.

Hàng năm cứ vào trung tuần tháng Tư, Tết té nước được diễn ra tại nhiều quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Có tên gọi khác nhau ở mỗi quốc gia như Bunpimay ở Lào, Chol Chnam Thmay ở Campuchia và Việt Nam, Songkran ở Thái Lan và Thingyan ở Myanmar…, nhưng Tết té nước tại các quốc gia này đều có chung hình thức tổ chức.
Sau đó là những lễ nghi mang đậm sắc thái tôn giáo tại đền chùa, mọi người đổ ra đuờng, dùng xô, chậu, vòi nước hay súng nước tha hồ té nước vào nhau, sau đó còn té nước vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất.

Vào những ngày này ở thủ đô Viêng Chăn, khắp phố phường như được khoác lên “chiếc áo mới” vàng óng ả và tràn ngập sắc màu của hoa Dokkhoun, loài hoa báo hiệu năm mới đã về trên đất nước Triệu Voi. Khuôn viên các ngôi chùa cũng được trang hoàng cờ, hoa rực rỡ. Những pho tượng Phật được các nhà sư rước ra đặt ở sân để người dân và du khách tới thực hiện nghi lễ tắm Phật. Họ tin rằng nghi lễ này sẽ mang lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, cũng là cách để bày tỏ lòng tôn kính và đức tin với đức Phật, qua đó giúp con người hướng thiện.

Người dân Lào thực hiện nghi lễ tắm Phật. Ảnh: TTXVN

Người dân Lào thực hiện nghi lễ tắm Phật. Ảnh: TTXVN

Những người dân tộc Khmer tại Lào hay người Lào ở Việt Nam cũng đều đã đón Tết trong không khí vui tươi, luôn hướng về cội nguồn, lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo. Trong đó có lễ buộc chỉ màu vào cổ tay với ý nghĩa đem lại sự bình an, may mắn cho người được buộc chỉ. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động khác như phóng sinh cá, chim, rùa; lễ rước Nàng Chúa xuân (Nang Sangkhane); đua thuyền...
Trong khi đó, người dân "đất nước Chùa Tháp" đã đón kỳ nghỉ Tết cổ truyền Choul Chnam Thmey an lành, phấn khởi, dù điều kiện thời tiết có phần nóng bức, khắc nghiệt. Các đường phố ở Phnom Penh được trang hoàng lộng lẫy nhưng vắng hơn thường lệ, bởi người dân Thủ đô lần lượt về quê nhà để sum họp với gia đình và tham gia các hoạt động đón Tết theo phong tục truyền thống Campuchia.

Tại Thái Lan, Songkran năm nay ở Chiang Mai càng trở nên đặc biệt, vì mới đây Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vừa đưa lễ hội này vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và tỉnh Chiang Mai cũng được Bộ Văn hóa Thái Lan chọn là một trong 5 tỉnh có nền văn hóa biểu tượng nhất đất nước.
Chuỗi các sự kiện được tổ chức trong dịp lễ hội là sự kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và các hoạt động giải trí Songkran đương đại. Tuy nhiên, lễ hội còn nhằm mục đích thúc đẩy nền kinh tế và du lịch của địa phương.

Biểu diễn múa sạp tại “Đại lễ hội nước thế giới Songkran 2024” ở Thái Lan. Ảnh: TTXVN

Biểu diễn múa sạp tại “Đại lễ hội nước thế giới Songkran 2024” ở Thái Lan. Ảnh: TTXVN

Ngày giao thừa Thingyan là thời điểm bắt đầu của nhiều hoạt động tôn giáo ở Myanmar. Vào trước khi trời tối, những cuộc vui bắt đầu với âm nhạc, hát múa,…Rồi sau một hiệu lệnh, là một phát súng thần công được khai hỏa và mọi người đổ ra đường với các hũ nước, vừa cầu nguyện vừa đổ nước lên mặt đất. Đây là thời điểm nóng nhất trong năm nên việc dội nước như thế này được nhiều người hưởng ứng.
Trong những điệu múa, tiếng trống, tiếng nhạc rộn ràng, người dân nước sở tại và cả khách du lịch nước ngoài, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, già trẻ, gái trai, các tầng lớp xã hội, ngôn ngữ… đều cùng hưởng chung niềm vui, niềm hạnh phúc của một ngày hội Tết té nước trọn vẹn.

Giáo viên ở một trường học tại thủ đô Viêng Chăn trong lễ hội té nước. Ảnh: PV TTXVN

Giáo viên ở một trường học tại thủ đô Viêng Chăn trong lễ hội té nước. Ảnh: PV TTXVN

Nguồn Báo Ảnh Việt Nam

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/158073/ron-rang-don-tet-te-nuoc-o-cac-quoc-gia-dong-nam-a