'Rốn lũ' Chương Mỹ, Hà Nội: Cuộc sống đảo lộn

Trong khoảng 15 năm trở lại đây, đã có 4 lần nước tràn qua đê hữu sông Bùi gây ngập lụt nhiều xã của huyện Chương Mỹ, Hà Nội (lụt các năm 2008, 2017, 2018 và 2024). Nguyên nhân được cho là do tình trạng 'lũ lùi' từ sông Hồng, sông Đáy...

 Nước lũ sông Bùi vẫn bao vây nhiều thôn ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: DUY NGHĨA

Nước lũ sông Bùi vẫn bao vây nhiều thôn ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: DUY NGHĨA

Đến ngày 31-7, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn còn 20 thôn, xóm bị ngập từ 0,5-2m. Trong đó, khoảng 7.410 nhân khẩu ở vùng bị ngập cần được cứu trợ, 4.329 trường hợp cần sơ tán. Trong số các xã bị ngập thì 3 khu vực bị ngập nặng nhất là: xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến và thôn Bùi Xá (thị trấn Xuân Mai).

Thôn Nhân Lý là nơi ngập sâu nhất của xã Nam Phương Tiến vì nằm giáp sông Bùi, nhiều chỗ nước vẫn ngập gần mái nhà. Con đường bê tông chạy dọc thôn còn ngập gần 2m, hầu hết các hộ dân phải đi lại bằng thuyền. Ở thôn Nam Hài, chị Nguyễn Thị Thảo cho biết, nước lũ sông Bùi đã “bao vây” làng từ ngày 24-7 đến nay. Hầu như hoạt động sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt, làm nghề mộc, xây dựng…) đều phải ngưng trệ. Chị Nguyễn Thị Hằng cho biết thêm, các gia đình ở nhà cấp 4 thì nước ngập vào lưng nhà đã được sơ tán đi nơi khác.

Bà Nguyễn Thị Bảy (xã Tân Tiến) cho biết: “Hàng ngày, bà con bên các xóm ngập bơi thuyền sang, rồi lấy xe máy, xe đạp gửi ở nhà tôi để đi làm”. Để giúp bà con dễ dàng di chuyển, ông Bùi Ngọc Bình, trưởng thôn Nam Hài đã sáng chế một xuồng tôn có bánh, rồi dùng chính chiếc máy cày của ông để kéo xuồng, ngày ngày đều đặn lội nước, đưa đón bà con di chuyển từ vùng ngập Nam Phương Tiến sang bên xã Tân Tiến để đi chợ, nhận hàng cứu trợ.

Nhiều người cho biết, ngoài một phần hàng cứu trợ của các tổ chức, nhà hảo tâm và chính quyền, hầu hết các gia đình trong vùng ngập luôn có khoản dự phòng để trang trải, nên hầu như không gia đình nào bị đói.

Ngày 31-7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã yêu cầu thành lập ngay Ban Chỉ đạo xử lý, khắc phục lũ lụt tại 3 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và Thạch Thất, do Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm trưởng ban.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Nội, những ngày qua, mưa lớn trên diện rộng, xuất hiện lũ trên sông Bùi và sông Tích, làm ảnh hưởng các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và Thạch Thất. Huyện Chương Mỹ có 11 xã và 1 thôn với tổng nhân khẩu là 141.000 người bị ảnh hưởng lũ lụt. Huyện Quốc Oai, có 1.900 người bị ảnh hưởng lũ tại xã Đông Yên, Hòa Thạch.

Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, đến sáng 31-7, mưa lũ đã làm ngập 6,1km đê thuộc địa bàn 10 xã. Ngoài ra, đê hữu sông Bùi có hiện tượng rò rỉ qua chân tường kè thôn Đùng (xã Tốt Động) khoảng 200m; 103 cầu, cống, đập bị hư hỏng; khoảng 1.500ha lúa, hoa màu bị ngập từ 40% trở lên cùng khoảng 1.600ha thủy sản.

 Nước lũ sông Bùi đến ngày 31-7 vẫn “bao vây” nhiều thôn ở xã Nam Phương Tiến. Ảnh: DUY NGHĨA

Nước lũ sông Bùi đến ngày 31-7 vẫn “bao vây” nhiều thôn ở xã Nam Phương Tiến. Ảnh: DUY NGHĨA

Câu hỏi nhiều người quan tâm là tại sao nhiều ngày qua vùng này không có mưa lớn, nhưng nhiều thôn xóm ven sông Bùi vẫn bị ngập và trở thành ốc đảo ngay ở ngoại thành Hà Nội?

Một cán bộ từng công tác ở Bộ NN-PTNT trao đổi với PV Báo SGGP, hiện tượng ngập lụt ở một số khu dân cư ven sông Tích và sông Bùi trong 10-15 năm qua chủ yếu là do hiện tượng “lũ lùi” khi các hồ thủy điện xả mạnh để ứng phó mưa, lũ ở thượng nguồn. Khi nước sông Hồng dâng cao sẽ đẩy nước sông Đáy dâng theo, đồng thời các sông Tích, sông Bùi cũng bị ngưng trệ, nghẽn dòng... Bởi các sông Bùi và Tích đều đổ ra sông Đáy, còn sông Đáy nhận nước của sông Hồng.

Ngoài ra, ngập lụt nặng ở khu vực các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ (Hà Nội) còn do cộng hưởng mưa lớn, nước từ khu vực “rừng ngang” ở Lương Sơn (Hòa Bình) và huyện Ba Vì (Hà Nội) đổ về. Thêm nữa, một số xã và khu dân cư nằm ở bên bờ hữu sông Bùi đã được quy hoạch là vùng phân lũ sông Bùi, sông Tích để bảo vệ bên bờ tả (phía nội đô Hà Nội). Do đó, cơ sở hạ tầng ở bên bờ hữu cũng không được đầu tư với chức năng chống chịu ngập.

Sụt lún, sạt lở hàng loạt ở miền Bắc

Từ đêm 30 đến ngày 31-7, nhiều nơi ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc tiếp tục xảy ra mưa lớn. Cập nhật số liệu từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đến 18 giờ 45 ngày 31-7 (tính trong 2 ngày), mưa lũ đã làm 7 người thiệt mạng tại 5 tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên, Điện Biên, Bắc Giang và trên 200 điểm sạt lở giao thông với khối đất đá, bê tông bị sụt, sạt, lở hơn 24.000m3, 41 ngôi nhà ở tỉnh Thái Nguyên phải di dời khẩn cấp...

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo, tình trạng mưa gió ở khu vực Việt Bắc và Tây Bắc của miền Bắc còn kéo dài đến ngày 2-8 (có thể mưa 250mm). Lũ trên sông Hồng tại Yên Bái đang lên cao.

*Chiều 31-7, thủy điện Khe Bố (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) bắt đầu xả lũ điều tiết hồ chứa. Trước đó, ngày 30-7 và sáng 31-7, các thủy điện Chi Khê (huyện Con Cuông), Nậm Mô (huyện Kỳ Sơn), Bản Ang (huyện Tương Dương) cũng tiến hành xả lũ.

Cùng ngày, Sở GTVT Nghệ An cho biết, Bộ GTVT vừa công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục hư hỏng quốc lộ 16 (đoạn qua dốc Chuối, xã Châu Kim, huyện Quế Phong). Theo Bộ GTVT, các đợt mưa lũ tại tỉnh Nghệ An đã gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông quốc lộ 16 đoạn qua dốc Chuối, có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của người, phương tiện tham gia giao thông.

NGUYỄN QUỐC - DUY CƯỜNG

PHÚC HẬU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ron-lu-chuong-my-ha-noi-cuoc-song-dao-lon-post751957.html