Rõ ràng, chặt chẽ, không tạo kẽ hở khi áp dụng
Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) chiều qua, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, một số quy định còn mang tính định tính, do đó, cần xem xét điều chỉnh để các quy định được rõ ràng, chặt chẽ hơn, không tạo ra sự lạm dụng khi áp dụng vào thực tiễn.
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc): Nội dung đã rõ, đã chín cần quy định cụ thể ngay trong Luật

Ảnh: Quang Khánh
Việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền là cần thiết như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rất cụ thể. Tuy nhiên, trong Tờ trình của Chính phủ thì sự cần thiết chưa rõ và chưa thể hiện tính cấp bách, cấp thiết phải sửa Luật này. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu làm rõ hơn.
Về tính minh bạch của dự thảo Luật, còn nhiều điều, khoản giao Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản quy định chi tiết, hoặc hướng dẫn thực hiện. Đề nghị với những nội dung đã rõ, đã chín, đã qua kiểm nghiệm thực tế thì cần quy định cụ thể ngay trong Dự án Luật này để bảo đảm tính minh bạch của Luật.
Về phạm vi điều chỉnh, khoản 2 Điều 1 quy định: việc phòng, chống hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nội dung này đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống khủng bố, nên cần quy định rõ ràng, cụ thể, làm rõ hình thức rửa tiền được quy định tại các luật liên quan có gì chồng chéo, mâu thuẫn hay không?
Tại điểm c, khoản 2, Điều 9, dự thảo Luật về nhận biết khách hàng có quy định, tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng trong trường hợp có nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền. Cần làm rõ hơn những hoạt động như thế nào được coi là rửa tiền? Ngoài ra, khoản 3 của Điều này cũng quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính phải nhận biết khách hàng trong 5 trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, nội dung để nhận biết khách hàng không được quy định cụ thể. Do đó cần quy định cụ thể về nội dung này, bảo đảm dự án Luật đạt được sự chặt chẽ, nhất quán.
Liên quan đến dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, khoản 5 và khoản 6 Điều 31 quy định về thời gian ngắn và thời gian dài. Vậy thời gian bao lâu là ngắn và bao lâu là dài? Dài - ngắn ở đây là định tính. Do vậy, cần nghiên cứu thêm các quy định có tính định lượng.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa rửa tiền

Ảnh: Trung Thành
Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay trong bối cảnh quốc tế và bối cảnh phát triển của nước ta đã thay đổi rất nhiều. Ngay việc nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, thì có hàng loạt nội dung mới của Công ước quốc tế cũng như các điều ước quốc tế đã cam kết, cũng như việc nước ta đang tiếp tục thực hiện cải cách thể chế để hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Theo tôi, đối với hoạt động rửa tiền mang tính chất rất đặc thù, thì khi thiết kế, các quy định về biện pháp “phòng” có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng để ngăn chặn các hành vi rửa tiền và giảm thiểu tối đa khả năng các hành vi vi phạm có thể xảy ra. Do đó, cần tập trung quy định đầy đủ các nội dung để phòng ngừa hoạt động rửa tiền, song phải rõ ràng, chặt chẽ và không tạo ra kẽ hở, không tạo ra sự lạm dụng khi áp dụng.
Cụ thể, về các biện pháp trì hoãn giao dịch (Điều 44), tôi đề nghị, làm rõ thế nào là “có cơ sở hợp lý để nghi ngờ” tại Điểm a, Khoản 1, Điều 44? Nếu không quy định rõ sẽ dễ cảm tính, dẫn đến dễ bị lạm dụng khi được thông qua. Theo tôi, cần quy định cụ thể ngay trong Luật, bảo đảm không hạn chế quyền con người và phù hợp với quy định tại Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, cần có những quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm, điều kiện trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản, niêm phong và phong tỏa, tạm giữ tài sản để minh bạch, rõ ràng, tránh lạm quyền trong các biện pháp và các hoạt động phòng, chống rửa tiền.
Về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị (Điều 17), tôi băn khoăn với quy định tại Khoản 1: cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị là người giữ chức vụ cấp cao trong các cơ quan, tổ chức của nước ngoài và tổ chức quốc tế. Theo tôi, trên thực tế nếu định nghĩa "cá nhân có ảnh hưởng chính trị" thì chắc không chỉ dừng lại những người đương nhiệm, giữ chức vụ cấp cao mà một số cá nhân có thể đã nghỉ hưu nhưng vẫn có ảnh hưởng chính trị rất cao và những cá nhân như vậy vẫn là đối tượng có thể có trong hoạt động rửa tiền. Do đó, tôi đề nghị, cần cân nhắc, quy định kỹ để làm sáng tỏ, bảo đảm tính nội hàm, không phải chỉ là cá nhân có ảnh hưởng chính trị đương nhiệm; đồng thời làm rõ nội hàm "cấp cao".
ĐBQH Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương): Quy định dấu hiệu đáng ngờ vẫn mang tính định tính, khó xác định

Ảnh: Hồ Long
Tại Điều 24, dự thảo Luật quy định đối tượng báo cáo là doanh nghiệp siêu nhỏ, cá nhân phải ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền (quy định tại các Điểm a, b, c, đ, e và g, Khoản 1). Với loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ có quy mô không lớn vẫn phải thực hiện 6/10 nội dung về ban hành quy định nội bộ, thì tính hình thức của quy định này khá cao, không cần thiết, không hiệu quả, tốn kém chi phí xã hội. Do đó, nên giao Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản mẫu, mang tính chất tham khảo cho các doanh nghiệp sẽ phù hợp hơn.
Đối với quy định về dấu hiệu đáng ngờ, Điều 27, dự thảo Luật quy định một số dấu hiệu đáng ngờ cơ bản như: khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sử dụng thư tín dụng và các phương thức tài trợ thương mại khác có giá trị lớn bất thường, tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường; khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn; thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không đầy đủ, không chính xác… Tuy nhiên, việc quy định dấu hiệu đáng ngờ trong một số ngành, lĩnh vực vẫn mang tính định tính, khó xác định. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể, rõ ràng, không quy định chung chung để bảo đảm tính thống nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tính khả thi của Luật.
Ngoài ra, nhằm thực hiện tốt chức năng về phòng, chống rửa tiền, dự thảo Luật đã quy định áp dụng biện pháp tạm thời là trì hoãn giao dịch tại Điều 44, và quy định phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản tại Điều 45. Tuy nhiên quyền sở hữu, quyền định đoạt của cá nhân chủ sở hữu đã được quy định tại Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015. Do đó, để tránh tình trạng lạm dụng hoặc áp dụng các biện pháp tạm thời một cách tùy tiện, thiếu căn cứ pháp lý, bảo đảm tính chính xác khi áp dụng các biện pháp tạm thời, thì cần nghiên cứu, bổ sung quy định về tính chịu trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, tránh lạm quyền.
Liên quan đến quy định về đánh giá rủi ro quốc gia, dự thảo Luật mới chỉ đánh giá rủi ro quốc gia, chưa đánh giá rủi ro ngành. Đề nghị bổ sung đánh giá rủi ro ngành và chú ý xây dựng các chính sách tổng thể cấp quốc gia, xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, rà soát, sửa đổi cập nhật ban hành khung pháp lý về tài chính ngân hàng dựa trên chuyển đổi số hiện nay; bổ sung quy định hướng dẫn về tiêu chí, thang điểm rủi ro khách hàng cao, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kiểm soát chặt chẽ giao dịch thanh toán quốc gia.
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phòng, chống rửa tiền, Luật hiện hành có quy định về nội dung này trong Điều 6. Theo đó, phòng, chống rửa tiền là trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan nhà nước. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định, dự thảo Luật không quy định vấn đề này. Do đó, cần giải thích tại sao lại không quy định nội dung này? Đề nghị bổ sung quy định về chính sách của Nhà nước về phòng, chống rửa tiền vì đây là một trong những nội dung quan trọng của dự luật.