Rèn kỹ năng sống ở New Zealand
Một ngày chủ nhật không mấy đẹp trời của tháng 4-2023, thay vì cho các con đi siêu thị, đi chơi, vợ chồng chị Vũ Kim Anh và anh Andrew sống ở Hataitai, TP.Wellington, New Zealand (NZ) lại đùm túm đưa 2 cậu con trai là Jonas (4 tuổi) và Athur (gần 2 tuổi) đến khu vực bên hông Bảo tàng Te Papa, bởi nơi đây đang diễn ra Ngày hội triển lãm các phương tiện cứu hỏa, cứu hộ cứu nạn của thành phố.
Dù từ sáng sớm bầu trời Wellington đã mưa lâm râm và khu vực triển lãm nằm ngoài trời, nhưng rất nhiều ông bố bà mẹ vẫn đội mưa đưa con đến tham dự bởi ý nghĩa thiết thực của chương trình này. Đây là một trong những phương thức giúp các em tiếp cận, tìm hiểu, có khái niệm hoặc hiểu biết sâu hơn về công tác cứu hỏa, cứu hộ cứu nạn; phải làm gì, ứng phó thế nào khi gặp sự cố... Và các bé đến ngày hội đã nhanh chóng hòa nhập bằng sự tò mò đầy thú vị.
Câu chuyện 4 em bé sống sót một cách kỳ diệu 5 tuần trong rừng rậm Amazon một lần nữa dấy lên câu chuyện về giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ em, nhất là trẻ em Việt Nam vốn đang được gia đình và học đường “ủ” quá kỹ. Nhưng giáo dục như thế nào, ra sao, hiệu quả đến đâu... là cả một quá trình dài chứ không thể chỉ nói muốn là được. Trong đó, cần phải có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, mà cách làm như ở NZ là một mô hình đáng tham khảo.
Có thể nói, triển lãm tập trung hầu như đầy đủ các loại hình phương tiện cứu hộ cứu nạn của NZ, từ chiếc xe cứu thương với tiếng còi đặc trưng, chiếc xe cứu hỏa màu đỏ truyền thống cho đến chiếc trực thăng cấp cứu - phương tiện mà không phải ai cũng có dịp trải nghiệm. Trẻ em vây quanh các loại phương tiện ấy, nghe các cô chú phụ trách giảng giải về trường hợp hoạt động, cách vận hành, nhân tiện còn “khuyến mãi” về cách di chuyển khi xảy ra đám cháy, phải làm gì khi có người bị tai nạn, khi gặp sự cố gọi cấp cứu hay cảnh sát bằng số điện thoại nào... Với hàng vạn câu hỏi “tại sao” của các em, các cô chú lúc nào cũng tươi cười, hóm hỉnh và kiên nhẫn trả lời từng câu một, không bỏ qua bất kỳ bé nào. Thậm chí, một số em dạn dĩ còn được các cô chú bế lên cho ngồi ở vị trí lái hoặc các ghế ngồi khác, khiến “khán giả” hớn hở cười khanh khách vì thích thú. Nhiều em sau khi tham dự ngày hội đã bày tỏ ước muốn lớn lên sẽ làm cảnh sát cứu hỏa, cứu hộ vì quá ấn tượng.
Ở NZ, việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ em không là trách nhiệm của riêng tổ chức, cá nhân nào mà là sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Với nhà trường, đây là một phần bắt buộc trong chương trình học do Bộ Giáo dục quy định (Core Education Curriculum), diễn ra trong suốt quãng đời học tập của học sinh. Theo đó, các em được dạy các kỹ năng ứng phó với tai nạn như đuối nước, hỏa hoạn, động đất..., cách sơ cấp cứu nạn nhân, cách liên hệ cảnh sát, nhân viên y tế...
Đặc biệt, tất cả học sinh các trường từ tiểu học đến đại học đều được huấn luyện kỹ năng ứng phó trong trường hợp bị khủng bố. Đừng tưởng với một đất nước hiền hòa như NZ, khủng bố chỉ là chuyện ở tận đâu đâu, học kỹ năng ứng phó khủng bố chỉ để “chơi cho vui”. Ngày 15-3-2019, tại TP.Christchurch đã xảy ra vụ xả súng tại 2 đền thờ Hồi giáo khiến 27 người thiệt mạng. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cảnh sát Christchurch đã thông báo khẩn đến tất cả các trường học trong vùng, và các trường triển khai ngay quy trình ứng phó khủng bố đã được luyện tập trước đó như: đóng cửa lớp học (ở những trường có hệ thống cửa tự động thì cửa sẽ được khóa từ bên trong, ngăn người bên ngoài xâm nhập vào), kéo kín rèm cửa phòng học và tắt hết đèn, thiết bị chiếu sáng; học sinh nằm rạp xuống sàn, tránh xa cửa sổ và cửa ra vào hoặc tìm cách nấp sau các vật cản như bàn ghế, tắt chuông và chế độ rung điện thoại; giáo viên trấn an học sinh, giữ cho các em bình tĩnh và nhắc nhở về các lối thoát hiểm, dặn dò các em làm theo hướng dẫn của người phụ trách...
Về phía xã hội, cộng đồng thì những hoạt động kiểu như Ngày hội triển lãm phương tiện cứu hỏa, cứu hộ cứu nạn được tổ chức thường xuyên ở tất cả các thành phố, khu vực trong cả nước nhằm giúp trẻ em thêm kiến thức, hiểu biết về kỹ năng sống. Và với gia đình, trách nhiệm của các bậc cha mẹ đó là tạo điều kiện cũng như khuyến khích con cái tham gia các hoạt động nói trên. Nhiều gia đình còn tổ chức hoạt động dã ngoại, cắm trại vào các dịp cuối tuần, ngày lễ, nghỉ hè để tăng cường kỹ năng sống, trong những dịp đó các em học cách dựng lều, nấu ăn ngoài trời. “Level” cao hơn, một số gia đình tổ chức cho con học cách đi rừng, chẳng hạn như tham gia tuyến du lịch đến hồ Rotomairewhenua nằm ở TP.Nelson. Với chuyến đi này, các em di chuyển trong khu vực Vườn quốc gia Nelson khoảng từ 2-4 ngày, trong thời gian này sẽ học được cách đi rừng, xem phương hướng, phân biệt động thực vật, ý thức bảo tồn các loài rong tảo, sống đơn giản với lượng thức ăn, nước uống tối thiểu... Và phần thưởng cho mấy ngày vất vả là được ngắm nhìn hồ nước Rotomairewhenua trong nhất thế giới.