Rào cản thỏa thuận hòa bình Israel - Palestine

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây khẳng định, Washington không còn coi các khu định cư Do Thái là 'không phù hợp với luật pháp quốc tế'. Tuyên bố trên được cho là đi ngược lại quan điểm của chính quyền Mỹ trước đây, coi việc xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây là một trong những rào cản nghiêm trọng cho thỏa thuận hòa bình Israel-Palestine.

Vẫn xây khu định cư dù bị phản đối

Theo Le Monde, trong hơn 50 năm qua, Israel đã tiến hành xây dựng các khu định cư trên vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Ban đầu, việc xây dựng khá ít nhưng kể từ năm 1970, các khu định cư đã dần dần mọc lên ở Bờ Tây. Tuy nhiên, các công trình này không được Nhà nước Israel khi đó công nhận nên bị bỏ hoang và được quân đội bảo vệ. Sau khi Israel và Palestine ký Hiệp định Oslo năm 1993, Tel Aviv cam kết không xây dựng thêm các khu định cư mới tại Bờ Tây.

Kể từ năm 2009, khi ông Benjamin Netanyahu lên làm Thủ tướng Israel, 10 trong số các khu định cư bỏ hoang đã được hợp pháp hóa, điều này đồng nghĩa chúng được Nhà nước Israel công nhận. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế vẫn bác bỏ việc tồn tại các khu định cư ở Bờ Tây. Đến năm 2012, Israel thúc đẩy chương trình xây dựng khu định cư. Theo thống kê của Hiệp hội Peace Now, cho đến nay, Israel đã xây dựng 144 khu định cư ở Bờ Tây.

Cũng theo Peace Now, kể từ năm 2007, trung bình mỗi năm có 13.800 người Do Thái đến sinh sống tại các khu định cư ở Bờ Tây, cao hơn nhiều so với 12.000 người mỗi năm trong khoảng thời gian 1997-2007. Tính đến cuối năm 2018, tổng số người Do Thái định cư tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng vào khoảng 449.000 người.

 Khu định cư Psagot mà Israel đang xây dựng ở Bờ Tây. Ảnh: Le Monde.

Khu định cư Psagot mà Israel đang xây dựng ở Bờ Tây. Ảnh: Le Monde.

Điều đáng nói là Israel xây dựng các khu định cư bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế cũng như phớt lờ các nghị quyết của LHQ. Kể từ năm 1967, Hội đồng bảo an LHQ đã thông qua một loạt nghị quyết phản đối Israel xây các khu định cư ở Bờ Tây, như: Nghị quyết số 242 (năm 1967), 338 (năm 1973), 446 (năm 1979), 452 (năm 1979), 465 (năm 1980), 476 (năm 1980), 478 (năm 1980), 1397 (năm 2002) ), 1515 (năm 2003) và 1850 (năm 2008)… Tháng 12-2016, LHQ thông qua Nghị quyết số 2334 lên án việc Israel chiếm đóng Bờ Tây và tấn công thường dân.

Quan điểm đảo ngược của Washington

Năm 1978, chính quyền Tổng thống Mỹ Jimmy Carter xác định, việc Israel lập các khu định cư dân sự là “không phù hợp luật pháp quốc tế”. Quan điểm này thay đổi vào năm 1981 khi Tổng thống Ronald Reagan không coi đây là “bất hợp pháp”. Kể từ đó, Mỹ dùng cụm từ “không hợp lệ” thay vì “bất hợp pháp” để mô tả các khu định cư nói trên và luôn bảo vệ Tel Aviv tại LHQ. Song, tiền lệ này bị phá vỡ với lá phiếu trắng của chính quyền Tổng thống Barack Obama năm 2016 giúp thông qua nghị quyết LHQ xác định Israel “vi phạm trắng trợn” luật pháp quốc tế và yêu cầu Tel Aviv ngừng xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ Palestine.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã thay đổi một loạt chính sách đối với vấn đề giữa Israel và Palestine, công nhận Jerusalem, thánh địa gây tranh cãi giữa Israel và Palestine, là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán đến thành phố này. Ngoài ra, ông cũng quyết định đóng cửa văn phòng của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ở Washington và chấm dứt hỗ trợ tài chính cho người Palestine cũng như cho Cơ quan làm việc và cứu trợ của LHQ cho người tị nạn Palestine.

Với tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 18-11 vừa qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump không chỉ cho thấy họ tiếp tục “cùng phe” với đồng minh Do Thái mà đây có thể là cử chỉ “giúp đỡ” Thủ tướng Benjamin Netanyahu cố gắng duy trì quyền lực sau hai cuộc bầu cử không hồi kết.

Tuy nhiên, động thái mới của chính quyền của Tổng thống Donald Trump không chỉ chống lại LHQ, đối đầu với Palestine mà còn đặt Mỹ vào thế bất hòa với hầu hết đồng minh châu Âu và thế giới Arab. Bên cạnh đó, tuyên bố ngày 18-11 còn đẩy Washington rời xa nỗ lực giải quyết xung đột 70 năm qua giữa Israel và Palestine mà họ đóng vai trò trung gian.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/rao-can-thoa-thuan-hoa-binh-israel-palestine-603155