Quyết tâm cao, nỗ lực vượt khó
Trong bối cảnh khó khăn chung, ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Phước gặp không ít trở ngại nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, ngành đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Đây là tiền đề, động lực để ngành thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, đặc biệt là sớm đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống.
Nhiều kết quả nổi bật
Giám đốc Sở TN&MT Trần Văn Hướng cho biết: Điểm nổi bật đầu tiên là công tác chuyển đổi số, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu phần mềm ngành TN&MT theo đúng định hướng, lộ trình đề ra. Công tác cải cách thủ tục hành chính có bước tiến bộ so với trước; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, ý kiến, kiến nghị của cử tri, người dân, doanh nghiệp được quan tâm, thực hiện tốt. Cùng với đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được đẩy nhanh tiến độ. Đó là thực hiện quy định của cấp trên trong việc phân cấp, phân quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh và các chi nhánh trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giúp cắt giảm thời gian và đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nhiệp.
Giám đốc VPĐKĐĐ tỉnh Nguyễn Thìn Bảy cho hay, nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân tốt hơn, vừa qua, VPĐKĐĐ tỉnh đã thành lập tổ tư vấn và chăm sóc khách hàng. Sau 2 tháng hoạt động, tổ tư vấn đã thăm nắm các vấn đề phản ánh của người dân và trên cơ sở đó chỉ đạo, chấn chỉnh các chi nhánh trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời đề ra các giải pháp phục vụ người dân tốt hơn.
Việc phân cấp, phân quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giúp giải quyết hồ sơ cho người dân nhanh hơn, giảm từ 3-5 ngày, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn tăng. 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đạt 99,86%, tăng 0,41% so với năm 2023.
Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh
NGUYỄN THÌN BẢY
Một số hạn chế cần khắc phục
Giám đốc Sở TN&MT Trần Văn Hướng thẳng thắn nhìn nhận, ngành vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Đó là việc chỉ đạo công tác phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm chưa đảm bảo tiến độ đề ra; công tác làm giàu dữ liệu ngành TN&MT đã được quan tâm nhưng cũng có những dữ liệu chưa được làm sạch, đảm bảo đúng tiến độ; công tác giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương hoặc một số hồ sơ phức tạp vẫn còn chậm so với yêu cầu. Tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi và tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.
Ngoài những tồn tại, hạn chế được chỉ ra, tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Sở TN&MT tổ chức vừa qua, các địa phương trong tỉnh còn nêu những khó khăn đối với công tác quản lý nhà nước. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng Lê Văn Chung cho biết, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực TN&MT cần có quy định phù hợp trong việc lắp đặt các trạm quan trắc tự động tại trại chăn nuôi heo, nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn, tránh tình trạng xả thải trộm ra môi trường. Ngoài ra, cần quy định thẩm quyền về quản lý đất san lấp. Hiện nay, nhu cầu của người dân, kể cả các công trình xây dựng của Nhà nước rất cần đất sỏi phún để san lấp mặt bằng, tuy nhiên hiện Phú Riềng chưa có quy hoạch mỏ đất. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác đất trái phép, ảnh hưởng đến quản lý tài nguyên của huyện, tỉnh cũng như làm thất thu ngân sách. Vấn đề này cần có cơ chế, phân cấp cho huyện hoặc tỉnh quản lý, đặc biệt là quy hoạch vùng huyện, vùng tỉnh để quy hoạch các mỏ đất, mỏ đá trên địa bàn.
Sớm đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, từ nay đến cuối năm 2024, ngành TN&MT còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, ưu tiên triển khai Luật Đất đai 2024 để luật sớm đi vào cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đồng Xoài Ngô Hồng Khang cho biết: Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1-8. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết, trong đó 1 nghị định về giá đất, 1 nghị định về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Hiện thành phố đã triển khai cho các đơn vị, phòng, ban liên quan tập trung nghiên cứu các văn bản, quy định mới khác với Luật Đất đai 2013. Từ đó vận dụng, áp dụng kịp thời luật cũng như nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành của UBND tỉnh để đảm bảo việc thi hành Luật Đất đai 2024.
Chúng tôi tập trung triển khai Luật Đất đai 2024 trên 3 phương diện. Đó là đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức của ngành; tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi triển khai trên địa bàn tỉnh để đảm bảo Luật Đất đai 2024 được thực hiện nghiêm túc, góp phần sử dụng hiệu quả giá trị nguồn lực đất đai.
Giám đốc Sở TN&MT TRẦN VĂN HƯỚNG
Cùng với đó, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị với Trung ương và làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện tăng cường công tác phối hợp xác định giá và đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo thu ngân sách của tỉnh. Tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch tỉnh; thông qua kế hoạch sử dụng đất tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 cấp huyện; sửa đổi, bổ sung bảng giá các loại đất giai đoạn 2020-2024 trên địa bàn tỉnh.
Ngành cũng tập trung tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện công vụ, giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm việc chấp hành quy định pháp luật về TN&MT đối với các tổ chức, cá nhân, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm. “Vừa qua, chúng tôi đã khảo sát 439 người dân trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến ngành. Kết quả phản hồi của người dân rất khả quan nên sẽ tiếp tục phát huy. Đồng thời, tiếp tục khảo sát, nếu có phản ánh phục vụ chưa tốt, chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý ngay” - Giám đốc Sở TN&MT Trần Văn Hướng cho biết.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/12/161292/quyet-tam-cao-no-luc-vuot-kho