Quyết liệt phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã ghi nhận 92 ca bệnh mắc sốt xuất huyết, trong đó 78 ca có yếu tố dịch tễ xâm nhập từ tỉnh khác, 14 ca không phát hiện yếu tố xâm nhập, còn 37 ca đang theo dõi điều trị, không ghi nhận ca bệnh diễn biến xấu chuyển nặng. Hiện đang là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh phát triển, dễ bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue. Ngành y tế đã và đang đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Từ ngày 10 -18/10, huyện Bảo Yên đã ghi nhận 7 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, 3 trường hợp đã khỏi và 4 trường hợp đang điều trị.

Bà Hoàng Thị Hòe, Bản 2 Là, xã Xuân Thượng có hiện tượng sốt, đau đầu, đau nhức cơ khớp nên đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên khám. Kết quả kiểm tra cho thấy bà Hòe nhiễm vi rút sốt xuất huyết. Một trường hợp khác là anh Ngô Bình Nguyên, xã Vĩnh Yên. Anh Nguyên đi làm ở Hà Nội, khi bạn cùng phòng mắc sốt xuất huyết, anh trở về nhà, sau đó cũng có hiện tượng sốt, đau nhức cơ thể và được người nhà đưa đến bệnh viện khám. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết, anh Nguyên được đưa đến điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại Bảo Yên.

Bác sỹ Hoàng Văn Đoàn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên chia sẻ: Chúng tôi đã tiếp nhận điều trị 6 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Các bệnh nhân đều có triệu chứng điển hình của bệnh như: sốt, đau đầu, nhức hai hố mắt, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, khớp… Thời điểm này, chúng tôi tăng cường khử khuẩn, yêu cầu bệnh nhân ngủ màn. Cán bộ y tế tuyên truyền cho người nhà bệnh nhân theo dõi sức khỏe các thành viên trong gia đình, thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Bà Bùi Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bảo Yên trực tiếp tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cho bà con.

Trung tâm Y tế huyện Bảo Yên đã quyết liệt vào cuộc, chỉ đạo các trạm y tế xã tiến hành điều tra dịch tễ, xác minh ca bệnh, giám sát chặt chẽ các hộ gia đình xung quanh bán kính 200m nhà bệnh nhân, đặc biệt là người nhà người bệnh nhằm phát hiện sớm các ca mắc mới. Cán bộ trạm y tế lập danh sách người ở cùng nhà với bệnh nhân, thực hiện phun hóa chất diệt véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue xung quanh nhà các bệnh nhân và phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra, giám sát véc tơ truyền bệnh tại thôn, bản có ổ dịch.

Người dân được phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Ngày 18/10, xã Kim Sơn (Bảo Yên) ghi nhận 1 ca mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân đã được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, sáng 20/10, UBND xã Kim Sơn đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Bảo Yên tổ chức đồng loạt ra quân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Xã Kim Sơn (Bảo Yên) ra quân thực hiện chiến dịch phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện tuyên truyền cho bà con cách nhận biết bệnh sốt xuất huyết, cách phòng tránh và chăm sóc người bệnh; ngâm màn chống muỗi cho các hộ dân và phun khử khuẩn quanh khu vực. Các đoàn thể tích cực vào cuộc phối hợp với bà con phát quang bụi rậm. Các hộ dân cùng tham gia dọn vệ sinh nhà ở, chuồng trại; thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ..., lật, úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Bà Bùi Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bảo Yên chia sẻ: Các hộ lân cận sẽ được theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ ngày khởi phát của ca bệnh. Những người tiếp xúc gần cũng được tuyên truyền tự theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh, đặc biệt là sốt và thông báo ngay cho cán bộ y tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức phun hóa chất phòng, chống véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue lần 2, cách lần 1 từ 7 - 10 ngày, tiếp tục phun lần 3 nếu xuất hiện thêm ca mắc mới tại ổ dịch. Để phòng, chống dịch sốt xuất huyết rất cần sự chung tay của cộng đồng trong tham gia vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy, nơi trú ngụ sinh sản của muỗi.

Chuẩn bị dung dịch phun hóa chất diệt muỗi.

Phun hóa chất diệt muỗi tại hộ dân lân cận gia đình có ca bệnh.

Trong số 92 ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay có 14 ca bệnh nội địa, trong đó: Thành phố Lào Cai 6 ca, Bảo Yên 5 ca và thị xã Sa Pa 3 ca. 78 ca bệnh có yếu tố xâm nhập, trong đó: Thành phố Lào Cai 28 ca; Bảo Thắng 15 ca, Bảo Yên 9 ca, Sa Pa 8 ca, Văn Bàn 7 ca, Mường Khương 6 ca, Bát Xát 2 ca và Si Ma Cai 2 ca, Bắc Hà 1 ca.

Tại thành phố Lào Cai, từ đầu năm đến nay ghi nhận rải rác 26 ca sốt xuất huyết. Bệnh nhân đều được theo dõi, điều trị kịp thời và khỏi bệnh, không có trường hợp nặng. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa thành phố đang điều trị 9 trường hợp. Là địa bàn giao thông thuận lợi, phát triển giao thương và du lịch, di biến động dân cư lớn nên nguy cơ lây nhiễm dịch sốt xuất huyết rất cao. Thành phố Lào Cai cũng đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân theo dõi sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất, Sở Y tế tỉnh đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Tổ chức triển khai mạnh mẽ hơn nữa các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy và chuẩn bị sẵn sàng hóa chất, máy phun, đảm bảo dự trữ tối thiểu tại tuyến huyện, sử dụng ngay khi dịch bệnh xảy ra.

Người dân vào cuộc vệ sinh môi trường, khơi thông cống, rãnh, phát quang bụi rậm.

Các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, thị xã, thành phố khi có ca bệnh nhập viện thông tin ngay cho đơn vị y tế dự phòng cấp để phối hợp điều tra, giám sát ca bệnh; đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, chuẩn bị sẵn sàng khu vực điều trị, cách ly, sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân trong trường hợp nặng.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây truyền từ người này sang người khác nếu như bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. Bệnh nhẹ có thể gây phát ban, sốt cao, bệnh nặng có thể gây chảy máu, giảm huyết áp đột ngột, thậm chí tử vong. Bởi vậy, khi có triệu chứng bệnh, người dân cần chủ động đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp phòng dịch, như ngủ màn, vệ sinh nơi ở và chung tay tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường ở khu dân cư.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/quyet-liet-phong-chong-dich-sot-xuat-huyet-post375030.html