Báo động căn bệnh khiến nhiều người 'chết đuối trên cạn'
Rất nhiều người chủ quan khi mắc bệnh phổi mô kẽ, đến viện muộn hoặc bỏ qua điều trị, khi được phát hiện thì đã muộn. Tỷ lệ bệnh nhân mắc phổi mô kẽ khoảng 6-7% tổng số bệnh nhân trong Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, được ví như bệnh 'chết đuối trên cạn' khi có tỷ lệ tử vong cao, điều trị suốt đời, chi phí tốn kém.
Tuy nhiên, các trường hợp này hầu hết đều nặng, có những trường hợp tử vong vì chủ quan không điều trị hoặc được phát hiện muộn.
Cách đây 2 năm, anh H.T.C, 42 tuổi, xuất hiện triệu chứng ho, đi khám ở phòng khám tư và kê đơn thuốc uống nhưng không khỏi. Một thời gian sau, anh có biểu hiện khó thở, sau đó ho và khó thở tăng dần, đau ngực. Sau 4 tháng ho khan không dứt, thở rít, đau cơ, anh đến Bệnh viện Phổi Trung ương thăm khám. Các bác sĩ chẩn đoán anh mắc xơ phổi kẽ, tiến triển ác tính. Từ ban đầu thở được khí phòng, nhưng hơn 1 năm sau, anh C phải sống bằng thở oxy và không đo được chức năng hô hấp.
TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, bệnh phổi mô kẽ hay còn gọi bệnh phổi kẽ là nhóm bệnh gây ra các tổn thương ở khoảng kẽ của phổi. Các tổn thương viêm/xơ dẫn đến hạn chế quá trình trao đổi khí, gây biểu hiện khó thở. Hầu hết các trường hợp tiến triển thành xơ phổi, là tổn thương không thể hồi phục. Đặc biệt, với trường hợp xơ phổi tự phát thì suy giảm chức năng phổi tiến triển và không hồi phục, thời gian sống khi chẩn đoán là 2-3 năm. Xơ phổi tự phát gây suy giảm chức năng phổi và tiên lượng xấu hơn nhiều loại ung thư.
Bệnh phổi kẽ có tiên lượng rất xấu, 50% ca bệnh tử vong sau 2,5 năm phát hiện bệnh, có trường hợp tử vong sau vài tháng; 20% bệnh nhân sống thêm 5 năm. So với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển ác tính nhiều hơn. Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, nếu bệnh nhân được phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm và được điều trị hiệu quả thì tỷ lệ sống trên 5 năm khoảng 80%, có trường hợp phát hiện ở giai đoạn muộn cũng có thể sống trên 3 năm.
Theo các bác sĩ, triệu chứng ban đầu của bệnh phổi kẽ là khó thở, ho (ban đầu ho khan, sau có thể ho ra máu), thở rít, đau ngực. Các triệu chứng ngoài phổi có thể kể đến là đau cơ, xương, mệt mỏi, đau khớp, sốt, phù, kho mắt, khô miệng, da nhạy cảm với ánh sáng… Đây là bệnh khó chẩn đoán, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác liên quan đến phổi nên dễ bị bỏ qua. Đặc biệt, bệnh phải điều trị suốt đời, thuốc điều trị hiện nay rất đắt, vì vậy quyết định điều trị bệnh cần phải chính xác. Bệnh phổi kẽ giai đoạn muộn, để cứu sống người bệnh chỉ có ghép phổi.
Theo BS Bích Ngọc, bệnh phổi kẽ là bệnh hiếm, nặng, tiến triển tử vong nhanh, vì vậy chẩn đoán sớm và điều trị sớm vẫn còn nhiều thách thức. Điều trị bằng thuốc kháng xơ đem lại rất nhiều lợi ích, kéo dài thời gian sống cho người bệnh đã được nhiều nước trên thế giới và Bộ Y tế phê duyệt. “Thuốc kháng xơ là cầu nối giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống, chờ tới khi được ghép phổi.Vì vậy, điều trị càng sớm hiệu quả càng cao”, BS Ngọc nói.
Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo ước tính, cả nước có khoảng 70.000 người mắc bệnh phổi kẽ. Tuy không phải là bệnh mới, nhưng do là căn bệnh không lây nên ít được người dân quan tâm. Đa số người mắc bệnh phổi kẽ trên 40 tuổi, nguyên nhân do bệnh nghề nghiệp, bụi phổi… Số ít trẻ sơ sinh bị bệnh phổi kẽ bẩm sinh như xơ nang phổi.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, cần có chính sách hỗ trợ người bệnh để bệnh nhân có thể tiếp cận thuốc kháng xơ. Cách đây 2 năm, Bệnh viện Phổi Trung ương ra mắt Chương trình bệnh phổi kẽ nhằm huy động được sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế, đồng thời huy động nguồn lực và cơ chế hợp tác để chuẩn hóa, phát triển kỹ thuật hiện đại, tạo ra các gói dịch vụ cho người bệnh và tạo mạng lưới để người dân tiếp cận thuận lợi. Theo các chuyên gia, nếu phát hiện và điều trị đúng bệnh phổi kẽ, tỷ lệ kéo dài sự sống của bệnh nhân lên tới 80%; số bệnh nhân sống từ 1-2 năm khoảng 60%; 2-4 năm khoảng 40%.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/bao-dong-can-benh-khien-nhieu-nguoi-chet-duoi-tren-can-i732371/